Phát triển dân số và kinh tế dẫn đến nhu cầu đi lại và phương tiện giao thông cá nhân gia tăng, nhất là ở đô thị. Bên cạnh đó, do hiện trạng đường giao thông hẹp nên vào các khung giờ cao điểm trong ngày đã xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông tại các khu vực trung tâm đô thị, một số nút giao thông lớn, phức tạp.
Tại Thành phố Nam Định thường xuyên tái diễn tình trạng các phương tiện gây cản trở lẫn nhau và phải lưu thông với tốc độ thấp ở một số nút giao thông trọng điểm như: ngã tư Lê Hồng Phong - Hoàng Văn Thụ, ngã tư Trần Hưng Đạo - Trường Chinh, ngã tư Văn Cao - Trần Nhân Tông - Giải Phóng; ngã tư Trần Huy Liệu - Giải Phóng; điểm giao cắt giữa đường sắt và đường Trần Huy Liệu (ghi Nam)... Tại huyện Vụ Bản, khu vực nút giao thông Phố Sở (Km 119+00 Quốc lộ 10) do có tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy song song với Quốc lộ 10 và đường huyện Chợ Lời - Đại Thắng cắt qua đường sắt nên vào giờ cao điểm (vào ca và tan ca của KCN Bảo Minh) ngoài các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến Quốc lộ 10 còn có khoảng 8.000 công nhân, trong đó hầu hết sử dụng xe máy đi lại. Tại đây đường hẹp, chưa theo kịp quy mô phát triển về mật độ người, phương tiện lưu thông dẫn đến tình trạng thường xuyên bị ùn tắc giao thông cục bộ. Ùn tắc giao thông dẫn đến nhiều hệ lụy cho đời sống đô thị như: thiệt hại do lãng phí thời gian và nhiên liệu; mất cơ hội tham gia sinh hoạt cộng đồng của cá nhân và gia đình những người gặp phải ùn tắc; tạo ra sự phụ thuộc của nền kinh tế vào nhiên liệu xăng dầu, làm gia tăng chi phí, suy giảm sức cạnh tranh trong sản xuất, kinh doanh; làm gia tăng ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, ùn tắc giao thông còn là tác nhân gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) có hậu quả thương tâm, tồi tệ. Theo thống kê của Công an huyện Vụ Bản, tại khu vực nút giao thông Phố Sở, trong 3 năm (2014-2016), đã xảy ra 8 vụ TNGT đường bộ làm 2 người chết, 7 người bị thương...
Phương tiện lưu thông trên tuyến đường Trần Hưng Đạo (TP Nam Định). |
Thời gian tới, trong xu thế mật độ người và phương tiện tham gia giao thông sẽ ngày càng tăng cao, các điểm bất cập về hạ tầng giao thông lại chưa được khắc phục sẽ khiến nguy cơ gia tăng mức độ ùn tắc giao thông. Bên cạnh đó, tại Thành phố Nam Định và các huyện đang triển khai đầu tư xây dựng nhiều khu đô thị trung tâm huyện, khu chung cư cao tầng. Thực trạng này đặt ra cho các ngành chức năng và các cấp chính quyền của tỉnh nhiệm vụ phải nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý giao thông và thực hiện các chính sách, biện pháp tích cực để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông.
Ùn tắc giao thông là vấn đề của nhiều đô thị trong và ngoài nước, đặc biệt là các đô thị lớn phải đối mặt. Ngoài ra vấn đề cốt lõi tại các điểm đen giao thông hay xảy ra ùn tắc ở tỉnh ta là do bất cập về thiết kế hạ tầng cũ. Do vậy theo đồng chí Đinh Xuân Hùng, Phó Giám đốc Sở GTVT, tỉnh xác định biện pháp hữu hiệu trước mắt là cải thiện hạ tầng để ùn tắc không trở nên nghiêm trọng. Ngành GTVT đã chủ động tham mưu, đề xuất với tỉnh trong đầu tư cải tạo hạ tầng cần chú trọng cải tạo, nâng cấp các điểm giao thông còn bất cập, có nguy cơ ùn tắc, dễ xảy ra va chạm, TNGT nhằm tăng năng lực của hệ thống giao thông hiện có. Xây dựng thêm các tuyến đường giao thông mới tại những khu vực có lượng người, phương tiện lưu thông với mật độ ngày càng cao; đặc biệt là các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, các tuyến đường đi và đến trung tâm thành phố, trung tâm các huyện, KCN, CCN, khu du lịch. Bên cạnh đó tỉnh có những chính sách quan trọng để huy động mọi nguồn lực của xã hội đầu tư phát triển vận tải hành khách công cộng. Biện pháp này, về lâu dài sẽ phát huy những tính ưu việt nổi bật là giảm thiểu nhu cầu mở rộng đất đô thị cho giao thông từ việc giảm diện tích đỗ xe và giảm nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân, tiết giảm nhu cầu sử dụng đường, giảm áp lực giao thông. Tổng hợp đăng ký phương tiện vận tải hành khách công cộng toàn tỉnh hiện có 2.223 xe các loại (không kể xe chạy đối lưu); trong đó vận tải hành khách theo hợp đồng có 494 xe; vận tải hành khách tuyến cố định có 730 xe; taxi có 938 xe; xe buýt có 61 xe. Ngoài ra, các ngành GTVT, Công an và chính quyền các huyện, thành phố cũng đã tập trung thực hiện nhiều biện pháp nâng cao chất lượng các hoạt động quản lý giao thông nhằm đạt hiệu quả tối đa về năng lực và lưu thông của mạng lưới đường như đợt cao điểm lập lại trật tự đô thị, giải tỏa vỉa hè để trả lại không gian cho người đi bộ và tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển vận tải công cộng đang được tất cả các huyện, thành phố đồng loạt triển khai. Thời gian tới, toàn tỉnh sẽ tập trung thực hiện giải pháp mang tính chiến lược góp phần chống ùn tắc giao thông là chủ động thực hiện công tác quy hoạch theo hướng gắn kết chặt chẽ giữa quy hoạch sử dụng đất và phát triển đô thị với quy hoạch giao thông. Cụ thể như trong xây dựng các dự án khu đô thị trung tâm, các huyện đều chú trọng bố trí hợp lý tỷ lệ đất xây dựng nhà ở với diện tích dành cho giao thông/đỗ xe; quan tâm xây dựng mạng lưới đường giao thông với mật độ, kết cấu hợp lý, trong đó bảo đảm khả năng kết nối giao thông và vận tải hành khách công cộng một cách thuận lợi giữa các khu vực chính.
Cùng với các giải pháp đồng bộ từ phía ngành chức năng, chính quyền các cấp, thì sự đồng thuận, ý thức chấp hành pháp luật, thực hiện nếp sống văn hóa trong các hoạt động công cộng nói chung, hoạt động giao thông nói riêng của người tham gia giao thông cũng là một biện pháp tiên quyết đảm bảo kết quả cao trong công tác chống ùn tắc giao thông của địa phương./.
Bài và ảnh: Thanh Thuý