Trên tuyến vận tải đường bộ Nam Định - Hà Nội và chiều ngược lại thời gian gần đây xuất hiện một số doanh nghiệp vận tải khách đầu tư xe dưới 10 chỗ như đăng ký kinh doanh “xe hợp đồng” nhưng lại hoạt động không đúng quy định mà hợp đồng đón, trả khách theo những tuyến cố định, thường tập trung chạy ở những tuyến có đông khách, cạnh tranh với tất cả các xe khách hợp pháp trên tuyến gây bất bình, mất trật tự thị trường vận tải khách. Tuy nhiên, hiện nay việc quản lý loại xe này còn nhiều bất cập nên doanh nghiệp vẫn “ung dung” chạy.
HTX Vận tải đường bộ Xuân Trường luôn nhắc nhở người lái chấp hành nghiêm quy định bảo đảm trật tự ATGT. |
Theo đồng chí Nguyễn Xuân Thao, Trưởng Phòng Quản lý phương tiện - Người lái (Sở GTVT): Khi kinh doanh theo phương thức này, các hãng xe biết là sai nên hợp đồng thường chuẩn bị kỹ nhiều phương kế đối phó, lợi dụng các quy định chưa chặt của pháp luật để kinh doanh trục lợi. Cụ thể ở tuyến Nam Định - Hà Nội các doanh nghiệp thành lập, đăng ký và được cấp phù hiệu chạy hợp đồng từ phía Sở GTVT Hà Nội; theo quy định đối với loại hình vận tải này thì doanh nghiệp không phải gửi thông tin hợp đồng về Sở GTVT đối với các xe dưới 10 chỗ. Đây là những bất cập dễ tạo điều kiện cho tiêu cực nảy sinh và gây khó khăn trong quản lý Nhà nước của lực lượng chức năng địa phương. Đồng chí Nguyễn Minh Thụy, Chánh Thanh tra (Sở GTVT) khẳng định: Do vậy mặc dù doanh nghiệp hoạt động công khai nhưng không dễ để bắt quả tang, lại càng khó hơn để ngăn chặn các nhà xe này không tái phạm. Các hãng xe này đều tận dụng ưu điểm của các xe hợp đồng là vào được vào trung tâm thành phố đón khách lẻ, khi gom đủ sẽ “phù phép” thành đoàn, ký hợp đồng vận chuyển đúng quy định, rồi cứ thế chạy. Thậm chí, danh sách hành khách trong hợp đồng đã ký có khi đã được doanh nghiệp lập khống, ngành chức năng cũng không thể tùy tiện yêu cầu tất cả các hành khách xuất trình giấy tờ tùy thân để đối chiếu danh sách mà phát hiện đúng sai. Nguyên nhân gián tiếp dẫn đến xe hợp đồng có thể “lách luật” là chất lượng dịch vụ xe khách của tỉnh đi một số tuyến, nhất là Hà Nội chưa tốt nên chính hành khách có nhu cầu đi thường xuyên đã tìm đến xe hợp đồng. Các doanh nghiệp này thường lợi dụng lý do người dân có nhu cầu sử dụng dịch vụ làm bình phong đối phó cơ quan chức năng. Mỗi chuyến xe doanh nghiệp vận tải này sẽ trốn được 10% thuế VAT từ tiền vé, phí bến bãi, thuế thu nhập doanh nghiệp gây thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước. Tình trạng này gây ảnh hưởng không nhỏ tới trật tự, ATGT trong nội đô do hoạt động của các xe được cấp phép hợp đồng từ tỉnh ngoài nhưng lại đón, trả khách trái quy định, dẫn đến trật tự vận tải bị đảo lộn, cạnh tranh thiếu lành mạnh khiến các doanh nghiệp vận tải của tỉnh ta bị thua trên “sân nhà”. Trên thực tế thị trường vận tải đã xảy ra không ít vụ việc xô xát, thậm chí ảnh hưởng cả đến tính mạng, tài sản của các nhà xe và lái xe do bất bình từ cạnh tranh giành khách. Nếu không sớm chấn chỉnh, ngăn chặn tình trạng xe hợp đồng biến tướng sẽ dẫn đến những hậu quả kinh tế - xã hội khó lường, các xe khách tuyến cố định sẽ lợi dụng bỏ bến, dừng ở các tuyến phố để bắt khách gây ách tắc giao thông; ngành vận tải tuyến cố định và kinh doanh bến xe gây dựng lâu nay khó tồn tại.
Để tháo gỡ thực trạng kể trên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang đề xuất Bộ GTVT sửa đổi, bổ sung 7 quy định vào Nghị định 86/CP về điều kiện kinh doanh vận tải, gồm: Đơn vị vận tải theo hợp đồng không được đón, trả khách tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện của đơn vị kinh doanh vận tải hoặc tại một địa điểm ổn định; không sử dụng xe hợp đồng để kinh doanh vận tải khách du lịch hoặc cho đơn vị khác thuê xe để vận chuyển khách theo hợp đồng; xe hợp đồng sử dụng hợp đồng điện tử; phạm vi hoạt động của đơn vị kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng; danh sách hành khách phải được in bằng máy tính, thông báo cho Sở GTVT; xe hợp đồng không niêm yết thông tin như tuyến cố định, không sử dụng xe giường nằm và rút ngắn thời gian cấp phù hiệu cho xe hợp đồng xuống 1-2 năm… Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng quản lý Nhà nước về vận tải hành khách, ngành chức năng cần khẩn trương ban hành các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm chặt chẽ, không để kẽ hở cho các nhà xe lách luật và vi phạm với các chế tài xử phạt thật nghiêm khắc để đủ sức răn đe. Tăng cường kiểm soát các hành vi vi phạm của xe hợp đồng trá hình như: bán vé lẻ, lập hợp đồng, danh sách khách chiếu lệ, đưa hẳn máy in lên xe để in danh sách khách, nhiều hợp đồng liền đều đi theo một hành trình cố định. Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm thông qua thiết bị giám sát hành trình vì theo quy định các xe đều phải gắn thiết bị giám sát hành trình, cơ quan chức năng có thể trích xuất kết quả giám sát hành trình của phương tiện cũng sẽ biết rõ phương tiện đó có vi phạm hay không và hoàn toàn có đủ cơ sở để xử lý. Đồng thời, cần tăng trách nhiệm và thẩm quyền của lực lượng thanh tra giao thông và CSGT các địa phương trong việc xử phạt các xe hợp đồng vi phạm hoạt động như xe tuyến cố định, kiên quyết thu hồi phù hiệu ngay khi phát hiện phương tiện đó vi phạm trên địa bàn mình phụ trách, sau đó báo cáo về Sở GTVT nơi cấp phù hiệu cho phương tiện đó biết để xử lý nghiêm theo luật định… Đối với các doanh nghiệp vận tải của tỉnh để không bị “thua trên sân nhà”, phải chủ động nghiêm túc đánh giá chất lượng dịch vụ và có biện pháp quyết liệt đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ, giáo dục nâng cao nhận thức, thái độ của lực lượng lái và phụ xe... Các doanh nghiệp vận tải trong tỉnh cần thấu hiểu việc lựa chọn loại hình vận tải và phương tiện phù hợp, tiết kiệm thời gian, chi phí trung chuyển và thái độ trân trọng hành khách từ phía nhà xe là nhu cầu chính đáng của hành khách; từ đó có biện pháp thiết thực để nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng./.
Bài và ảnh: Thúy Vy