Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 4 cảng sông, 100 bến khách, 82 phương tiện chở khách ngang sông, hoạt động trên 4 tuyến sông: Hồng, Đào, Đáy và Ninh Cơ. Với đặc điểm thủy triều khu vực, hệ thống giao thông đường thủy đa dạng, trên các tuyến sông đang triển khai một số dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khiến giao thông đường thủy phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn dẫn đến TNGT. Thực tế cho thấy TNGT đường thủy nội địa trong hoạt động chở khách ngang sông ít xảy ra nhưng nếu xảy ra thì hậu quả thường rất nặng nề với nhiều thiệt hại, thương vong về người, hệ lụy xã hội lớn. Trước thực trạng đó, ngành chức năng, các địa phương đã tăng cường thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo đảm trật tự ATGT đường thủy; trong đó đặc biệt chú trọng nâng cao trách nhiệm của người lái phương tiện thủy nội địa.
Tại xã Xuân Hồng (Xuân Trường) có 3 bến đò sông Ninh Cơ (đò Sồng, Cựa Gà, Ba Bò) qua huyện Trực Ninh và đò Hồng Tiến qua huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình đều thuộc loại bến đò dân sinh. Xác định bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu, xã đã tăng cường quản lý bến và người lái phương tiện chở khách theo đúng quy định pháp luật. Do các bến đò chỉ trang bị thuyền sắt lắp máy 15 mã lực nên xã giám sát chặt chẽ hoạt động, bảo đảm người lái không đưa phương tiện phục vụ hành khách vào lúc gió to, giông bão và không phục vụ ngoài khung thời gian từ 5 giờ đến 19 giờ hằng ngày. Hằng năm khi tổ chức đấu thầu khai thác bến, UBND xã kiên quyết lựa chọn những người đủ bằng, cấp chứng chỉ chuyên môn; có phương tiện được đăng ký, đăng kiểm theo quy định, đảm bảo trang bị các điều kiện thiết bị cứu sinh an toàn. UBND xã thường xuyên kiểm tra các điều kiện đảm bảo ATGT của người điều khiển phương tiện trong quá trình phục vụ hành khách; kịp thời chấn chỉnh, xử lý những sai phạm không để người chủ thuyền, đò giao tay lái cho người không đủ điều kiện. Nhờ đó, những năm qua, trên địa bàn xã không xảy ra vụ việc mất ATGT nào từ đò ngang.
|
Công nhân viên Bến phà Thịnh Long (Hải Hậu) luôn chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về bảo đảm ATGT đường thủy. |
Các ngành chức năng cũng tăng cường quản lý Nhà nước đối với người lái phương tiện thủy nội địa nhằm nâng cao ý thức tự giác, trách nhiệm, nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật về bảo đảm ATGT. Sở GTVT đã kịp thời triển khai thực hiện Thông tư 50/2014/TT-BGTVT ngày 17-10-2014 của Bộ GTVT; tham mưu với UBND tỉnh về việc phân cấp cho UBND các huyện, thành phố quản lý cấp phép hoạt động, đình chỉ hoạt động bến khách ngang sông và bến thủy nội địa thuộc địa phương quản lý. Sở đã tổ chức quán triệt, triển khai sâu rộng Luật Giao thông đường thủy nội địa (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; hướng dẫn UBND các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn thực hiện đăng ký, quản lý phương tiện thủy nội địa theo quy định tại Thông tư số 75/2014/TT-BGTVT ngày 19-12-2014 của Bộ GTVT. Phối hợp với Công an tỉnh, Ban ATGT tỉnh, UBND các huyện, thành phố thực hiện việc tổng điều tra phương tiện thủy nội địa và đội ngũ thuyền viên, người lái phương tiện. Có giải pháp đẩy nhanh việc đăng ký, quản lý, kiểm tra an toàn kỹ thuật phương tiện và đào tạo, cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn cho người lái theo quy định. Chỉ đạo kiểm tra chặt chẽ việc tuân thủ các điều kiện bảo đảm ATGT của các thuyền viên và người lái phương tiện tại bến; xử lý triệt để phương tiện chở quá tải, phương tiện không đủ điều kiện an toàn rời bến; chỉ đạo Thanh tra Sở xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật theo thẩm quyền. Sở GTVT chỉ đạo, đôn đốc 3 cơ sở đào tạo người lái, thuyền viên tích cực đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo, thực hiện đúng các quy định, đảm bảo mọi thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa được cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn đều có đủ trình độ yêu cầu. Sở chỉ đạo đơn vị, địa phương quản lý bến có biện pháp quản lý, giám sát bảo đảm người lái phương tiện thủy ở các bến khách ngang sông trên địa bàn phải chấp hành quy định về thời gian hoạt động từ 5 giờ đến 19 giờ hằng ngày, riêng các điểm có lưu lượng khách qua lại nhiều như Phà Cồn Nhất, Phà Sa Cao - Thái Hạc trên sông Hồng thời gian hoạt động từ 4 giờ 30 đến 21 giờ để phục vụ nhân dân. Trong các tình huống bất khả kháng như bão lũ, thiên tai, thuyền trưởng, người lái phương tiện hoạt động trên đường thủy nội địa có trách nhiệm tham gia cứu người bị TNGT đường thủy nội địa khi phát hiện hay nhận được thông tin về sự cố thiên tai, thảm họa hay TNGT đường thủy nội địa gần khu vực đang hoạt động nếu không gây mất an toàn cho người, phương tiện của mình. Thuyền trưởng, người lái phương tiện thủy nội địa phải thông báo cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn biết việc tham gia tìm kiếm, cứu nạn của mình. Hằng năm, Ban ATGT tỉnh đã phân bổ hợp lý nguồn kinh phí hỗ trợ của các đơn vị, tổ chức, phối hợp với Sở GTVT, Phòng Cảnh sát đường thủy (Công an tỉnh) tổ chức trao tặng, cấp phát cho chủ phương tiện đò ngang dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân. Lực lượng Thanh tra giao thông và Cảnh sát đường thủy (Công an tỉnh) thường xuyên phối hợp kiểm tra việc chấp hành các quy định về ATGT; tập trung xử lý kiên quyết những hành vi vi phạm, đặc biệt là các bến đò “3 không”, “4 không” (phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, không bảo đảm điều kiện an toàn; người điều khiển phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định, phương tiện chở quá tải trọng cho phép).
Với việc kiên trì triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp ý thức, trách nhiệm bảo đảm trật tự ATGT của người điều khiển phương tiện thủy nội địa đã được nâng lên. Các vi phạm về điều kiện hoạt động, đăng ký, đăng kiểm, giấy phép, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, người lái phương tiện đã giảm mạnh; các bến đò, phà đều thực hiện nghiêm quy định về thời gian hoạt động; người điều khiển phương tiện và nhân viên phục vụ trên phà, hướng dẫn hành khách lên, xuống phà an toàn; không chở quá tải trọng cho phép; tăng cường cảnh giới khi điều khiển phương tiện trong điều kiện thời tiết xấu. Hiện nay các bến khách ngang sông đều bảo đảm đăng ký, đăng kiểm đầy đủ số lượng phương tiện, trang bị thiết bị an toàn cứu sinh, dụng cụ nổi theo quy định; góp phần xây dựng môi trường giao thông thuỷ văn minh, an toàn./.
Bài và ảnh:
Thanh Thúy