Tăng cường quản lý, duy tu, bảo vệ hạ tầng giao thông

10:09, 28/09/2015
Đi đôi với phát triển xây dựng mới, công tác bảo trì, bảo dưỡng các công trình hạ tầng giao thông luôn được tỉnh quan tâm, chỉ đạo, đầu tư nhằm kéo dài thời gian sử dụng của công trình. 
 
Hằng năm Sở GTVT thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn công tác quản lý và bảo trì đường giao thông nông thôn (GTNT) nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ phụ trách giao thông của cấp huyện, xã; phối hợp với các huyện, thành phố triển khai các biện pháp bảo vệ công trình giao thông, đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hành lang ATGT, xâm hại hệ thống thoát nước, bảo vệ kết cấu công trình GTNT. Các đơn vị quản lý cầu đường chủ động triển khai kế hoạch duy tu, sửa chữa ngay từ đầu năm. Bằng các nguồn vốn bảo trì của Trung ương và địa phương Sở GTVT đã hoàn thành sửa chữa cầu Ốc trên Quốc lộ 21 (địa phận xã Lộc Hòa, Thành phố Nam Định), Quốc lộ 37B đoạn từ ngã ba Vàng đến cầu Vĩnh Tứ, sửa chữa nút giao đầu cầu Lạc Quần, gia cố mái ta-luy đoạn từ Km199+600 - Km203+900 Quốc lộ 21. Bằng các nguồn vốn duy tu, duy tu thường xuyên và Quỹ bảo trợ đường bộ tỉnh, từ năm 2014 đến nay, Sở GTVT đã triển khai lắp đặt bổ sung hệ thống đảm bảo ATGT trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đặc biệt tại các vị trí giao cắt hay gây mất ATGT. Trong 6 tháng đầu năm 2015, Sở GTVT đã hoàn thành công tác sửa chữa các công trình để đảm bảo giao thông như lắp đặt đèn tín hiệu tại ngã tư giao giữa tỉnh lộ 489 và 489B Thị trấn Xuân Trường; cắm biển “điểm dừng đón, trả khách tuyến cố định” trên Quốc lộ 10 địa bàn Thành phố Nam Định. UBND các huyện, thành phố đều quan tâm bố trí nguồn kinh phí thường xuyên duy tu, sửa chữa hệ thống đường GTNT trên địa bàn, cải tạo toàn bộ các điểm đấu nối từ đường huyện, đường đô thị vào đường tỉnh. Tại huyện Vụ Bản, 6 tháng đầu năm nay, huyện đã tổ chức quản lý duy tu, bảo trì 8,5km tỉnh lộ 486B đường tỉnh ủy thác; tổ chức duy tu và phối hợp kiểm tra các tuyến đường huyện theo kế hoạch duy tu của Sở GTVT, tổ chức sửa chữa, khắc phục các điểm đen nguy hiểm, hư hỏng. Tổng kinh phí duy tu, bảo trì đường giao thông trên toàn huyện trong 6 tháng đầu năm đạt gần 1,21 tỷ đồng; trong đó đường tỉnh ủy thác đạt 60 triệu đồng, đường trục huyện đạt 156 triệu đồng, đường xã đạt 990 triệu đồng.
 
Theo đánh giá của ngành GTVT, công tác bảo trì GTNT vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Do khó khăn kinh phí nên các địa phương không thể bố trí kịp thời, đầy đủ kinh phí cho công tác duy tu, bảo dưỡng đường GTNT, trong khi đặc thù của công tác duy tu, bảo dưỡng cầu đường đòi hỏi phải tiến hành sửa chữa ngay khi vừa phát sinh hư hỏng để không gây hư hỏng lớn và mất ATGT. Giải quyết khó khăn trên, ngày 1-7-2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 20/2015/QĐ-UBND quy định về quản lý, vận hành khai thác cầu, đường GTNT trên địa bàn tỉnh theo từng cấp chính quyền. UBND tỉnh yêu cầu các cấp chính quyền quản lý hệ thống cầu, đường phải lập, bảo quản, lưu trữ hồ sơ quản lý, vận hành khai thác cầu đường GTNT. Sở GTVT phải chủ động hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý, vận hành khai thác và tổ chức giao thông trên hệ thống cầu, đường GTNT, mẫu nhật ký tuần tra, theo dõi tình trạng cầu, đường GTNT của các địa phương. Hằng năm thống kê, tổng hợp tình hình cầu, đường GTNT trong toàn tỉnh theo tiêu chuẩn kỹ thuật đường GTNT báo cáo UBND tỉnh và Bộ GTVT; tổng hợp tình hình quản lý, vận hành khai thác đường GTNT trên địa bàn tỉnh, danh sách các công trình GTNT bị hư hỏng, xuống cấp không đủ điều kiện khai thác an toàn, báo cáo, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo xử lý. UBND các huyện chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra UBND cấp xã, cộng đồng dân cư và các cơ quan trực thuộc thực hiện trách nhiệm trong việc quản lý, vận hành khai thác các cầu, đường GTNT trên địa bàn; thống kê phân loại, báo cáo kiến nghị Sở GTVT danh sách các công trình GTNT bị hư hỏng, xuống cấp. UBND các xã, thị trấn tập trung phân định chủ quản lý, sử dụng hệ thống cầu, đường GTNT trên địa bàn và hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện trách nhiệm đối với việc quản lý, vận hành khai thác cầu, đường theo quy định. Đối với các công trình GTNT do Nhà nước đầu tư hoặc nhận bàn giao do cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân đầu tư, UBND các xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm quản lý vận hành khai thác; tổ chức thực hiện hoặc ký hợp đồng với đơn vị quản lý cầu đường GTNT để thực hiện (một phần hoặc toàn bộ) công việc quản lý, vận hành khai thác. Đối với các đơn vị quản lý cầu, đường phải thực hiện tuần tra, kiểm tra và bảo vệ kết cấu hạ tầng cầu, đường theo quy định của pháp luật và quy định, hướng dẫn của chủ quản lý, sử dụng công trình. Cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân góp vốn đầu tư xây dựng đường GTNT nếu không đủ khả năng quản lý, vận hành công trình thì tiến hành bàn giao cho UBND cấp xã hoặc cộng đồng dân cư để thực hiện quyền và nghĩa vụ quản lý, vận hành, khai thác. Để nâng cao trách nhiệm quản lý, duy tu hạ tầng giao thông, UBND tỉnh quy định ngay sau khi hoàn thành thi công, để đưa công trình vào khai thác, sử dụng, chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng và các tổ chức, cá nhân, đơn vị có liên quan trong giai đoạn xây dựng phải tiến hành kiểm tra, rà soát các hạng mục, bộ phận công trình; trường hợp có khiếm khuyết, tồn tại về chất lượng phải khắc phục đảm bảo quy định thiết kế mới được tổ chức bàn giao. Đồng thời, phải chịu trách nhiệm sửa chữa các hư hỏng, khiếm khuyết, thay thế bộ phận, hạng mục bị hư hỏng và thực hiện nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật về xây dựng./.
 
Thanh Thúy


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com