Bước chuyển sau 5 năm thực hiện cuộc vận động "Văn hóa giao thông với bình yên sông nước"

06:07, 18/07/2015

Tỉnh ta có hệ thống giao thông đường thuỷ nội địa đa dạng với tổng chiều dài sông kênh là 536km (không kể 1.130km kênh nội đồng). Có 4 sông lớn gồm sông Hồng, sông Đào, sông Đáy, sông Ninh Cơ; có cảng Nam Định và Thịnh Long; 1 kênh Quần Liêu. Trên địa bàn đường thuỷ có 101 bến khách với 82 phương tiện chở khách ngang sông. Hệ thống giao thông đường thuỷ kể trên, kết hợp với đặc điểm thuỷ văn nên trật tự ATGT đường thuỷ được đánh giá là một trong những nơi phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT. Nhằm tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm đảm bảo trật tự ATGT, đẩy mạnh việc xây dựng “Văn hoá giao thông”, tháng 4-2011, Uỷ ban ATGT quốc gia đã phát động cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hoá giao thông với bình yên sông nước”. 5 năm qua, các cấp, ngành chức năng, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tập trung triển khai có hiệu quả cuộc vận động với nhiều cách làm hay, sáng tạo, sát với thực tế.

Cán bộ Phòng Cảnh sát đường thủy (Công an tỉnh) kiểm tra, nhắc nhở người lái phương tiện đường thủy nghiêm túc chấp hành quy định bảo đảm ATGT.
Cán bộ Phòng Cảnh sát đường thủy (Công an tỉnh) kiểm tra, nhắc nhở người lái phương tiện đường thủy nghiêm túc chấp hành quy định bảo đảm ATGT.

Để đạt hiệu quả, chất lượng cao trong triển khai, thực hiện cuộc vận động, Ban ATGT tỉnh đã xác định công tác tuyên truyền có vị trí, vai trò then chốt. Trong suốt quá trình phát động và thực hiện cuộc vận động, Ban chỉ đạo cuộc vận động các cấp đã thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và nâng cao ý thức trách nhiệm chấp hành các quy định pháp luật về giao thông đường thuỷ của toàn thể nhân dân; chú trọng đối với lái tàu, thuyền viên, chủ đò và người trực tiếp tham gia giao thông đường thủy. Gắn tuyên truyền cuộc vận động với phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, vận động quần chúng nhân dân tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật, tích cực tham gia xây dựng tuyến sông, bến thuỷ văn minh, văn hoá. Trong 5 năm, các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương đã biên tập bộ tài liệu để thống nhất trong toàn tỉnh về nội dung tuyên truyền; in ấn, phát 7.658 tờ rơi, căng treo hàng trăm pa nô, áp phích, băng rôn khẩu hiệu tại các mô hình điểm; đăng, phát trên Đài PT-TH tỉnh, Báo Nam Định, tạp chí của Trung ương, ngành 60 tin, bài, 5 phóng sự tuyên truyền; đã biên tập và phát hàng trăm bài tuyên truyền về công tác đảm bảo ANTT nói chung và đảm bảo trật tự ATGT đường thuỷ nói riêng trên hệ thống truyền thanh cơ sở. Đặc biệt, từ thực trạng đuối nước ở trẻ em trên cả nước có diễn biến phức tạp, Ban chỉ đạo cuộc vận động đã chủ động chỉ đạo lồng ghép giữa công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em với thực hiện cuộc vận động “Văn hoá giao thông với bình yên sông nước”, tập trung vào tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi cán bộ chiến sĩ CAND cùng chung tay, góp sức với toàn xã hội xây dựng môi trường sông nước an toàn với trẻ em, theo các tiêu chí địa bàn an toàn, bến an toàn, phương tiện an toàn và trẻ em tham gia giao thông đường thuỷ an toàn. Ban chỉ đạo thực hiện cuộc vận động còn căn cứ thực tiễn hoạt động giao thông đường thuỷ trên địa bàn, tiêu chí các loại mô hình do Ban chỉ đạo cấp Trung ương ban hành xây dựng, triển khai 3 mô hình điểm gồm:  “Bến phà văn hoá - an toàn” tại bến phà Sa Cao - Thái Hạc xã Xuân Châu (Xuân Trường); “Đoạn, tuyến sông văn hoá - an toàn” tại kênh Quần Liêu xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng); “Bến đò văn hoá - an toàn” tại bến đò Sòng xã Xuân Hồng (Xuân Trường). Đến nay, các mô hình điểm đều hoạt động khá hiệu quả, góp phần bảo đảm trật tự ATGT đường thủy. Đặc biệt, từ các mô hình điểm, với phương châm “Huy động cả sức mạnh của hệ thống chính trị cùng vào cuộc hưởng ứng cuộc vận động”, 5 năm qua Ban chỉ đạo cuộc vận động còn nhân rộng mô hình điểm rộng khắp trên các tuyến sông thuộc địa bàn đường thuỷ tỉnh. Các lực lượng chức năng như Phòng Công thương, Công an các huyện, thành phố, chính quyền cơ sở nơi xây dựng các mô hình đều chủ động nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác củng cố, hoàn thiện cơ sở hạ tầng; phối hợp xử lý vi phạm; thực hiện các biện pháp phòng ngừa, giải quyết khi xảy ra TNGT đường thuỷ; đấu tranh phòng, chống tội phạm đảm bảo trật tự ATXH, tăng cường quản lý hoạt động đường thuỷ. Trong đó, đã chú trọng chỉ đạo giải toả, thanh thải chướng ngại vật, đảm bảo phạm vi luồng tàu chạy tàu; không để tình trạng phương tiện neo đậu lấn chiếm ảnh hưởng đến luồng, hành lang bảo vệ luồng; quan tâm xóa bỏ điểm đen nguy hiểm dẫn đến xảy ra TNGT đường thuỷ; thường xuyên bố trí hợp lý nguồn kinh phí xây dựng, lắp đặt đầy đủ hệ thống báo hiệu đường thuỷ, bảo dưỡng và đảm bảo hoạt động tốt theo quy định. Hằng năm lực lượng Cảnh sát đường thuỷ, Đội thanh tra an toàn số 4 thuộc Chi cục đường thuỷ phía Bắc, Cảng vụ đường thuỷ nội địa tại Nam Định, Thanh tra Sở GTVT, Phòng Tài nguyên nước, khoáng sản, khí tượng thuỷ văn thuộc Sở TN và MT tích cực phối hợp tuần tra kiểm soát, xử lý các vi phạm, kết hợp tuyên truyền các quy định về trang thiết bị, dụng cụ an toàn của phương tiện; xử lý người đi đò không mặc áo phao cứu sinh hoặc không mang theo dụng cụ nổi khi tham gia giao thông trên phương tiện vận tải khách ngang sông trên sông Hồng, sông Đào, sông Ninh Cơ và sông Đáy. Từ năm 2011 đến nay đã phát hiện, xử lý 20.270 trường hợp vi phạm, phạt hơn 4,6 tỷ đồng đối với các lỗi vi phạm như: hành khách không mặc áo phao khi tham gia giao thông trên phương tiện vận tải khách ngang sông, trang bị không đủ số lượng dụng cụ cứu sinh, không hướng dẫn cách sử dụng thiết bị an toàn cho khách đi đò... Trong quá trình kiểm tra bến, phương tiện vận tải khách ngang sông, các lực lượng chức năng đã yêu cầu 100% các chủ bến, chủ phương tiện cam kết chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường thủy nội địa, các quy định trong hoạt động vận tải khách ngang sông. Tất cả các trường hợp vi phạm đều được thông báo kịp thời tới cơ quan chức năng, chính quyền các cấp để phối hợp quản lý, phòng ngừa TNGT đường thủy. Thông qua tuần tra, kiểm soát, lực lượng chức năng đã phát hiện những khu vực bị khan cạn, những bất cập về hệ thống biển báo hiệu đường thủy để kiến nghị với các cơ quan chức năng phối hợp khắc phục, bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa. Ngoài công tác đảm bảo trật tự ATGT, Phòng Cảnh sát đường thủy (Công an tỉnh) còn tập trung đấu tranh với các loại tội phạm, giải quyết tình trạng vận chuyển khoáng sản, khai thác trái phép tài nguyên trên tuyến đường thuỷ nội địa; phòng ngừa, đấu tranh với các đối tượng lợi dụng tuyến đường thuỷ để hoạt động. Theo đánh giá của Ban chỉ đạo cuộc vận động, sau 5 năm triển khai thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào: “Văn hoá giao thông với bình yên sông nước” tỉnh ta đã cơ bản đạt được các nội dung đề ra, tạo môi trường văn hoá trong hành động, ứng xử của mỗi cá nhân khi tham gia giao thông đường thuỷ, chuyển biến về nhận thức và hành động của nhân dân trong chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, nâng cao ý thức vì cộng đồng của nhân dân cũng như của cán bộ, nhân viên, lực lượng chức năng khi thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về trật tự ATGT đường thuỷ nội địa... Đặc biệt, ý thức của các chủ đò, lái đò và hành khách đã được nâng lên, tạo thói quen đi đò mặc áo phao, sử dụng dụng cụ cho hành khách. Các vi phạm về điều kiện hoạt động, đăng ký, đăng kiểm, giấy phép, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, người lái phương tiện chủ yếu chỉ còn xảy ra trên tuyến sông Đáy, còn trên các tuyến sông Hồng, sông Đào, sông Ninh Cơ đã giảm mạnh; góp phần xây dựng môi trường giao thông thuỷ văn minh, an toàn, tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, Ban chỉ đạo cuộc vận động yêu cầu các cấp, ngành và các huyện, thành phố cần phát huy những thành tích đã đạt được trong 5 năm qua, tiếp tục triển khai thực hiện giai đoạn II của cuộc vận động. Đánh giá các mô hình đã xây dựng, chỉ đạo đẩy mạnh áp dụng các mô hình phát huy hiệu quả, loại bỏ những mô hình kém tác dụng, không phù hợp với địa bàn. Tạo môi trường thuận lợi để cá nhân, tổ chức khi tham gia giao thông đường thủy nội địa đều hiểu biết đầy đủ, chấp hành nghiêm pháp luật về giao thông đường thủy nội địa. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm, ủng hộ của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, đoàn thể và các tổ chức xã hội trong tổ chức thực hiện cuộc vận động./.

Bài và ảnh: Thanh Thuý



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com