Những năm gần đây, số vụ TNGT xảy ra trên địa bàn nông thôn luôn chiếm tỷ lệ cao cả về số vụ và mức độ nghiêm trọng. Mặc dù các cấp, ngành chức năng đã chủ động thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nhằm kiềm chế và giảm TNGT vùng nông thôn, nhưng từ đầu năm đến nay, số vụ và mức độ nghiêm trọng trong các vụ TNGT trên địa bàn vùng nông thôn vẫn nằm trong mức báo động. Đặc biệt, trục Quốc lộ 10 đoạn qua địa phận các huyện Vụ Bản, Ý Yên và một số xã ngoại thành Thành phố Nam Định được xác định có tỷ lệ số vụ TNGT tăng cao trong 6 tháng đầu năm. Để nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm ATGT trên địa bàn nông thôn, Ban ATGT tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị thành viên tập trung đánh giá, nhìn nhận những điểm tồn tại, đưa ra biện pháp tháo gỡ, khắc phục kịp thời. Trên tinh thần đó, các đơn vị thành viên Ban ATGT tỉnh đã xác định cụ thể nguyên nhân dẫn đến tình trạng TNGT tăng cao trên địa bàn vùng nông thôn, trong đó có những nguyên nhân chủ yếu do ở các vùng nông thôn, khi mạng lưới giao thông được nâng cấp, mở rộng, cùng với sự gia tăng các loại xe cơ giới thì lưu lượng người và phương tiện đi lại cũng tăng lên. Trong khi kiến thức và ý thức chấp hành pháp luật bảo đảm trật tự ATGT của không ít người dân còn hạn chế; tình trạng sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện, chở quá số người quy định, phóng nhanh, vượt ẩu; tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT, lòng đường làm nơi kinh doanh, buôn bán, gây mất ATGT thường xuyên tái diễn; tình trạng xe quá khổ, quá tải hoạt động lén lút làm hư hỏng hệ thống đường giao thông... Riêng các địa phương nằm trên Quốc lộ 10 có tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy qua, còn tồn tại nhiều bất cập, hạ tầng giao thông đường sắt với đường bộ chưa đồng bộ, nhiều điểm giao cắt đường bộ với đường sắt có độ dốc cao, nhiều đường ngang dân sinh mở bất hợp pháp, tình trạng vi phạm hành lang ATGT đường sắt còn phổ biến…
Công nhân Cty CP Quản lý và Xây dựng cầu đường Nam Định phát quang lề đường, bảo đảm an toàn hành lang đường bộ. |
Để khắc phục những vấn đề tồn tại nổi cộm về vi phạm ATGT trên địa bàn nông thôn, từ đầu năm đến nay, Ban ATGT huyện Trực Ninh đã chủ động nâng cao chất lượng công tác quản lý hành lang đường bộ, tập trung giải tỏa các điểm vi phạm kết cấu hạ tầng, giải tỏa các hộ cố tình tái lấn chiếm đất GPMB trên Quốc lộ 21B đoạn từ Thị trấn Cổ Lễ đến cầu Lạc Quần; giải tỏa vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lán di động, mái vẩy, biển quảng cáo che khuất tầm nhìn, giải tỏa các điểm vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông, đoạn từ cầu Điện Biên đến nút giao thông Quốc lộ 21 với đường Hữu Nghị, Thị trấn Cổ Lễ, đoạn từ cầu Vô Tình đến Ngặt Kéo, xã Liêm Hải, từ cầu phao Ninh Cường đến cầu 12 Quốc lộ 37B; giải tỏa vi phạm tại nút giao thông Quốc lộ 37B với tỉnh lộ 488 (ngã ba đường Trái Ninh) địa bàn xã Trực Đại vi phạm tập kết vật liệu xây dựng trên lề đường, che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Tại huyện Ý Yên, từ đầu năm đến nay, Ban ATGT huyện đã huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị, tổ chức đoàn thể trên địa bàn, chủ động phối hợp với các ngành cấp trên, các đơn vị liên quan như Công an tỉnh, Cty TNHH một thành viên Quản lý đường sắt Hà Ninh… tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt của các hộ dân nằm dọc tuyến đường sắt Bắc Nam qua địa phận huyện. Tại tất cả các địa bàn vùng nông thôn đều nỗ lực trong công tác bảo đảm trật tự ATGT, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân chấp hành pháp luật trật tự ATGT, tổ chức đợt ra quân đồng loạt trên phạm vi toàn huyện. Các huyện đã chủ động tăng cường trách nhiệm công tác của Ban ATGT các xã, thị trấn, các thành viên Ban ATGT huyện, sự phối hợp của cơ quan quản lý Nhà nước, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội trong hoạt động quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, hành lang ATGT đường bộ và siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện, kiên quyết xử lý các vi phạm gây hư hại, giảm tuổi thọ, kết cấu hạ tầng giao thông, che khuất tầm nhìn các phương tiện giao thông, trật tự ATGT, quy tắc giao thông, đặc biệt là các lỗi liên quan đến uống rượu, bia tham gia giao thông, các phương tiện đã cấm lưu hành, phương tiện không đảm bảo yêu cầu an toàn kỹ thuật, không có giấy phép điều khiển phương tiện, xe quá tải vi phạm tải trọng của cầu, đường, vi phạm hành lang đường bộ…
Bên cạnh sự nỗ lực của các địa phương trong công tác bảo đảm ATGT vùng nông thôn, các ngành chức năng cấp tỉnh cũng đã quan tâm chỉ đạo, phối hợp, nâng cao hiệu quả bảo đảm trật tự ATGT vùng nông thôn bằng những chương trình, hoạt động thiết thực. Tiêu biểu như: Từ đầu năm 2014 đến nay, Sở GTVT đã bố trí nguồn kinh phí được UBND tỉnh phê duyệt để sửa chữa, khắc phục những bất cập có nguy cơ mất ATGT cao trên các công trình giao thông thuộc địa bàn vùng nông thôn. Cụ thể như xử lý ổ gà, bù vênh mặt đường bằng đá dăm tiêu chuẩn, láng nhựa cho các vị trí mặt đường bị bong tróc, ổ gà, lồi lõm gây mất ATGT trên tỉnh lộ 488 thuộc địa phận 2 huyện Nam Trực và Trực Ninh; đắp lề, gia cố ta-luy đường cho các đoạn đường gần hồ, mương khắc phục nguyên nhân phá hoại nền mặt đường, gây mất ATGT trên tỉnh lộ 486B huyện Vụ Bản; tổ chức sơn lại vạch tim đường, cọc tiêu, biển báo, cột km, bổ sung gờ giảm tốc tại những điểm mất ATGT, những đường cong có kích cỡ nhỏ, tại những vị trí giao với đường dân sinh có lưu lượng lớn người qua lại trên 9,4km tỉnh lộ 486B đoạn từ Mỹ Lộc ra Quốc lộ 21 đến ngã tư Đồng Đội, giao với Quốc lộ 38B và tỉnh lộ 489B từ ngã tư Hải Vân ra Quốc lộ 21 cầu Thức Hóa giao với Quốc lộ 37B. Lực lượng Thanh tra giao thông (Sở GTVT) phối hợp với ngành Công an và các huyện tập trung kiểm soát tải trọng của các phương tiện quá khổ, quá tải; thống kê số lượng xe lớn của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải và các biểu hiện vi phạm quá tải, phương thức tránh né sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng. Theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở GTVT đã nghiên cứu các văn bản, quy định có liên quan và xây dựng dự thảo “Quy định tạm thời quản lý tải trọng, khổ giới hạn trên đường giao thông nông thôn địa bàn tỉnh Nam Định”, đồng thời đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố căn cứ điều kiện từng địa bàn, lĩnh vực quản lý nghiên cứu tham gia và gửi ý kiến đóng góp về Sở GTVT để Sở hoàn thiện dự thảo, trình UBND tỉnh theo quy định. Đồng thời, Sở GTVT cũng đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban, UBND các xã, thị trấn thực hiện công tác kiểm soát, rà soát hiện trạng hệ thống đường giao thông nông thôn trên địa bàn, đặc biệt là các cầu yếu, đoạn đường sạt lở; những tuyến đường thường xuyên có xe quá tải hoạt động để chỉ đạo khắc phục hư hỏng, đảm bảo trật tự ATGT. Để khắc phục hạn chế về lực lượng, phương tiện trong công tác tuần tra kiểm soát, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (Công an tỉnh) đã chủ động xây dựng kế hoạch, phân công cán bộ phối hợp với Công an các huyện, thành phố tổ chức tuần tra, kiểm soát giao thông trên các tuyến đường, phòng ngừa TNGT ở các địa phương. Riêng đối với tình trạng khắc phục bất cập trong bảo đảm ATGT tại các vùng nông thôn có tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua, ngày 24-9, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh, Cty TNHH một thành viên Quản lý đường sắt Hà Ninh đã phối hợp với chính quyền địa phương đóng 5 đường ngang qua đường sắt tự phát của 4 doanh nghiệp tại khu vực Km90+600 tuyến đường sắt Bắc - Nam, địa phận xã Tân Thành. Trong thời gian tới, Cty TNHH một thành viên Quản lý đường sắt Hà Ninh sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương có tuyến đường sắt đi qua rà soát toàn bộ các vị trí đường ngang trái phép để đề xuất các giải pháp cấp bách và lâu dài đảm bảo ATGT./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy