Thực hiện quy hoạch GTVT tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030, mạng lưới giao thông đường bộ của tỉnh đã được đầu tư xây dựng tạo thuận tiện, phục vụ tốt nhu cầu đi lại giao lưu của người dân. Tuy nhiên, một hạn chế là trên hệ thống đường bộ chưa quan tâm xây dựng các vị trí dừng đón, trả khách. Trong khi đó, do chưa quản lý chặt chẽ về trật tự ATGT, các nhà xe vì “chiều khách” nên thường tự do dừng đón, trả khách ở bất kỳ vị trí nào theo nhu cầu của khách. Đây là hành vi vi phạm quy định về bảo đảm trật tự ATGT, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ATGT, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác quản lý vận tải; tạo thói quen xấu khi người dân không đến bến xe để mua vé, không bảo đảm văn hóa giao thông. Điều này cũng dẫn đến việc các xe phóng nhanh vượt ẩu để tranh giành “vớt” khách trên đường, là nguyên nhân gây tai nạn giao thông. Vì vậy, ngành GTVT đã xác định quy hoạch điểm dừng đón, trả khách trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện là việc làm thực sự cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý, bảo đảm ATGT, thuận lợi cho hành khách, góp phần nâng cao ý thức thực hiện văn hóa giao thông cho người dân, nâng cao hiệu quả công tác vận tải hành khách công cộng.
Đón, trả khách không đúng quy định trên tuyến đường bộ mới Nam Định - Phủ Lý. |
UBND tỉnh đã chỉ đạo và giao cho Sở GTVT xây dựng quy hoạch điểm đón, trả khách trên địa bàn tỉnh, Chi nhánh 4 Cty CP Tư vấn và xây dựng giao thông Nam Định (Nadeco) là đơn vị tư vấn. Trên cơ sở đề cương nhiệm vụ được phê duyệt, Chi nhánh 4 Cty CP Nadeco đã khảo sát chi tiết và phối hợp với các phòng, ban của Sở GTVT, các địa phương để lập quy hoạch. Kết quả khảo sát cho thấy mạng lưới giao thông đường bộ tỉnh đã hình thành được các trục liên quan vùng, nội tỉnh, đường giao thông nông thôn kết nối với các huyện, các xã, thôn xóm và có tỷ lệ rải mặt nhựa cao nhưng còn một số tồn tại sau: mật độ đường ô tô chưa cao: 1,8km/m2; 1,62km/1.000 dân; nếu tính tổng chiều dài đường bộ toàn tỉnh (bao gồm cả đường thôn, xóm) thì mật độ đường đạt 4,93km/km2; chiều rộng mặt đường chủ yếu là một làn xe; hệ thống đường và cầu, cống chưa đồng bộ, đường giao thông nông thôn có quy mô nhỏ chưa được vào cấp kỹ thuật; hệ thống cầu, cống còn thiếu (các tuyến đường tỉnh qua các sông lớn đều chưa có cầu bê tông cốt thép vĩnh cửu), các cầu, cống hiện tại chưa đảm bảo tải trọng để phù hợp với tốc độ phát triển của phương tiện đường bộ. Về hiện trạng giao thông tĩnh tính đến tháng 7-2014, trên địa bàn tỉnh có 11 bến xe khách đang hoạt động, trong đó tại địa bàn Thành phố Nam Định có 2 bến, huyện Giao Thủy có 1 bến, Nghĩa Hưng 3 bến, Hải Hậu 2 bến, Trực Ninh 2 bến, Ý Yên 1 bến; còn 3 huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản và Nam Trực chưa có bến xe. Về hiện trạng vận tải hành khách công cộng, hiện nay toàn tỉnh có 7 tuyến xe buýt đang hoạt động với 72 xe, đạt hiệu quả khai thác trung bình năm khoảng 4 triệu hành khách. Đặc biệt, theo quy hoạch luồng tuyến vận tải sẽ phải tổ chức chạy xe chất lượng cao đối với các tuyến liên tỉnh có cự ly trên 100km; từ bến xe các tuyến đều có tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh và xe buýt; liên kết với các tỉnh trong vùng có cự ly dưới 50km, phát triển mạng lưới xe buýt cụ thể là Nam Định - Phủ Lý, Nam Định - Thái Bình, Nam Định - Ninh Bình; tổ chức thêm các tuyến xe buýt nội tỉnh ngoài 7 tuyến hiện có. Định hướng phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và xe taxi ở tỉnh sẽ được thực hiện theo Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 8-3-2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020. Theo đó, dự kiến đến năm 2020 toàn tỉnh sẽ có 14 tuyến xe buýt và để xe buýt hoạt động hiệu quả, tỉnh cũng cần phải thành lập trung tâm quản lý và điều hành xe buýt. Căn cứ theo quy hoạch phát triển vận tải hành khách bằng taxi, quy định số lượng doanh nghiệp, HTX và số lượng xe taxi tối đa của doanh nghiệp, HTX trên địa bàn được đăng ký hoạt động, đảm bảo phù hợp với điều kiện giao thông của địa phương thì giai đoạn 2020 đến 2030 nhu cầu vận tải hành khách bằng taxi sẽ đảm nhận khoảng 18-20% thị phần vận tải công cộng toàn tỉnh. Tổng số xe taxi hoạt động trên địa bàn tỉnh không quá 1.800 chiếc; trong đó tại Thành phố Nam Định không quá 5 đơn vị với số lượng xe không quá 700 xe; mỗi huyện không quá 2 đơn vị với tối đa 130 xe/đơn vị. Toàn tỉnh quy hoạch 22 bến xe khách các loại; trong đó cải tạo, nâng cấp, mở rộng 12 bến hiện có và đầu tư xây dựng mới thêm 10 bến. Các bến xây dựng mới bao gồm: 2 bến xe khách trung tâm Thành phố Nam Định đạt tiêu chuẩn bến xe loại I. Xây dựng mới và mở rộng các bến xe khách trung tâm các huyện, đạt tối thiểu loại IV, bổ sung và quy hoạch các bến xe khách, các bến xe hàng hóa, bãi đỗ xe tại các khu vực đông dân cư, nơi lễ hội, KCN… với tiêu chuẩn bến từ loại V (diện tích từ 1.500m2) trở lên. Tại Thành phố Nam Định quy hoạch các bến xe hàng hóa và bãi đỗ xe giao thông tĩnh từ 5-7% quỹ đất, phân bổ đều ở các khu trung tâm; các cửa ngõ ra vào thành phố quy hoạch 1-2 bãi đỗ xe tĩnh và 1 phường tối thiểu có 1 bãi đỗ xe, cần xây dựng thêm trạm dừng, nghỉ xe trên tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Đối với khu vực thị trấn các huyện quy hoạch 1 bãi đỗ xe tĩnh trên 2.000m2 phù hợp vị trí với đấu nối các tuyến giao thông quan trọng và đảm bảo an ninh trật tự, ATGT; xây dựng các bến xe tải tại cửa ngõ vào thành phố.
Căn cứ vào hiện trạng GTVT và định hướng phát triển vận tải hành khách, đơn vị tư vấn đã dự kiến quy hoạch các điểm đón, trả khách tuyến cố định tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được lập theo các yêu cầu bảo đảm điểm đón, trả khách được bố trí tại các vị trí đảm bảo ATGT, thuận tiện cho hành khách lên xuống và xe tiếp cận; có đủ diện tích để dừng xe đón, trả khách không ảnh hưởng đến các phương tiện lưu thông trên đường; đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa hai điểm đón, trả khách liền kề hoặc giữa điểm dừng đón, trả khách với trạm dừng nghỉ hoặc bến xe hai đầu tuyến; bố trí gần khu dân cư để tăng chất lượng phục vụ… Dự thảo quy hoạch đã được Sở GTVT và các sở, ngành: KH và ĐT, Xây dựng, Tài chính, TN và MT, UBND các huyện, thành phố, Cục Quản lý Đường bộ I (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) tham gia đóng góp ý kiến điều chỉnh, hoàn thiện quy hoạch vào đầu tháng 9-2014. Hiện tại, đơn vị tư vấn phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương và Cục Quản lý Đường bộ I bổ sung quy hoạch các vị trí đón, trả khách cố định; hoàn thiện thiết kế mẫu điểm đón, trả khách; xây dựng phân kỳ đầu tư trên cơ sở nguồn vốn sửa chữa, duy tu, bảo trì đường bộ hằng năm để trình UBND tỉnh phê duyệt.
Sau khi quy hoạch được phê duyệt, Sở GTVT sẽ phối hợp với các địa phương tham mưu cho UBND tỉnh, Bộ GTVT để triển khai thực hiện. Công bố rộng rãi quy hoạch để có cơ sở quản lý chặt chẽ đất dành cho xây dựng điểm đón, trả khách tuyến cố định. Tổ chức cắm biển tại các vị trí quy hoạch điểm dừng đón, trả khách. UBND các cấp huyện, xã thực hiện việc quản lý hành lang giao thông và các vấn đề khác liên quan đảm bảo thực hiện hiệu quả quy hoạch. Trước mắt, các ngành hữu quan và các địa phương cần có biện pháp phù hợp để giảm thiểu ảnh hưởng của các vị trí đón, trả khách tạm thời đến dòng giao thông chính theo Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT ngày 6-8-2013 của Bộ GTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Đối với các tuyến đường đang đầu tư, nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới sẽ kết hợp xây dựng các điểm đón, trả khách tuyến cố định cùng với dự án. Đối với tuyến đang khai thác, tại hệ thống quốc lộ, báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam đưa vào kế hoạch xây dựng hằng năm; đối với các tuyến đường địa phương báo cáo UBND tỉnh đưa vào kế hoạch xây dựng hằng năm./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy