Tập trung ngăn chặn tình trạng sử dụng xe 3, 4 bánh tự chế

07:08, 30/08/2014

Để thực hiện triệt để chủ trương xoá bỏ xe công nông, xe 3, 4 bánh tự chế Chính phủ đã ban hành Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 29-4-2009 về hỗ trợ các chủ phương tiện xe 3, 4 bánh tự chế chuyển đổi. Tỉnh ta là một trong các địa phương có nhiều loại phương tiện này và đã quyết liệt triển khai việc ngăn chặn lưu hành, hỗ trợ chủ phương tiện chuyển đổi. Đến nay phần lớn các chủ phương tiện đã được hỗ trợ kinh phí theo quy định. Nhiều hộ đã nghiêm túc chấp hành mua xe ô tô tải nhỏ để hành nghề dịch vụ vận tải chở hàng. Tuy nhiên, vẫn còn một số chủ phương tiện đã nhận tiền hỗ trợ nhưng chưa chuyển đổi phương tiện; thậm chí có người vẫn mua xe tự dựng mới không đăng ký, không đảm bảo các điều kiện ATGT… đưa vào tham gia giao thông. Số phương tiện loại này tập trung chủ yếu ở địa bàn các huyện, trong đó huyện Xuân Trường là địa phương có tỷ lệ sử dụng xe 3 bánh tự chế nhiều nhất. Tại huyện Ý Yên, trong 6 tháng đầu năm 2014, tình trạng xe công nông, xe 3 bánh lưu thông trên đường tăng cao; đặc biệt tại nhiều xã còn xuất hiện cả xe 3 bánh mới sản xuất.

Xe 3 bánh tự chế lưu thông trên đường Nguyễn Hữu Lợi, phường Cửa Nam (TP Nam Định).
Xe 3 bánh tự chế lưu thông trên đường Nguyễn Hữu Lợi, phường Cửa Nam (TP Nam Định).

Đồng chí Phan Phương Đông, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết: Tuy không xuất hiện vi phạm trên các tuyến nội thành và quốc lộ nhưng tại tất cả các huyện, thành phố đều tồn tại tình trạng xe 3 bánh tự chế lén lút lưu thông ở cự ly ngắn, trong các tuyến đường giao thông nông thôn. Vừa qua tại huyện Ý Yên đã xảy ra một 1 vụ TNGT gây tử vong cho người tham gia giao thông có nguyên nhân xuất phát từ hành vi sử dụng xe 3 bánh tự chế. Một trong những nguyên nhân dẫn đến xe 3 bánh tự chế dù đã bị cấm từ lâu song người dân vẫn mua sử dụng là do chi phí ban đầu để mua xe tải là rất lớn và các loại xe này lại khó lưu thông trên những tuyến giao thông nông thôn nhỏ, hẹp. Trong khi đó, các loại xe 3 bánh có giá rẻ hơn và thuận tiện trong việc vận chuyển hàng hoá, nông sản trên các tuyến giao thông nông thôn, đòi hỏi về bằng cấp chuyên môn đối với người điều khiển không phức tạp và tốn kém như lái xe tải. Trong khi đó việc xử lý các trường hợp vi phạm này vừa khó, vừa thiếu quyết liệt do nhiều lý do nên không ít chủ xe 3 bánh mặc dù đã ký cam kết chuyển đổi phương tiện nhưng vẫn giữ phương tiện và lén lút hoạt động. Bên cạnh đó, ngành GTVT và các địa phương chưa tìm được phương tiện hữu hiệu phục vụ vận tải ở đường nông thôn để thay thế. Vì vậy sau 7 năm, quy định đình chỉ lưu hành các loại xe công nông, xe 3 bánh tự chế trên địa phận tỉnh ta vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Trước tình trạng trên, nhằm thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, bảo đảm trật tự ATGT nông thôn ngày 14-4-2014, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 253/UBND-VP5 yêu cầu các địa phương, các ngành chức năng tập trung thực hiện nghiêm các Nghị quyết số: 32/2007/NQ-CP ngày 29-6-2007, 05/2008/NQ-CP ngày 4-2-2008 của Chính phủ về quản lý các loại xe công nông, xe lôi máy, xe cơ giới 3 bánh, xe thô sơ 3, 4 bánh thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông; Văn bản số 319/TTg-KTN ngày 11-3-2014 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện quản lý và hỗ trợ thay thế các phương tiện thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông. Theo đó, Ban ATGT tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, các đơn vị thành viên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT, chú trọng tuyên truyền về tác động tiêu cực của các loại phương tiện này, đồng thời phổ biến các cơ chế, chính sách hỗ trợ và quy định của pháp luật trong việc thay thế, chuyển đổi phương tiện bị đình chỉ tham gia giao thông đã được áp dụng trong thời gian qua. Đồng thời tiếp tục tuyên truyền, vận động những gia đình còn lưu giữ, sử dụng xe công nông, xe cơ giới 3 bánh, xe thô sơ 3, 4 bánh nâng cao nhận thức, chấp hành tốt các quy định về trật tự ATGT. UBND các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra, rà soát và tiến hành xử lý theo quy định đối với các phương tiện bị đình chỉ nhưng vẫn tham gia giao thông; định kỳ hằng tháng, hằng quý, báo cáo UBND tỉnh về kết quả thực hiện. Sở GTVT chủ trì, phối hợp với các cơ quan tổng hợp tình hình thực hiện công tác quản lý và hỗ trợ thay thế các phương tiện thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông để đề xuất, báo cáo UBND tỉnh. Sở GTVT chỉ đạo Trung tâm Đăng kiểm phương tiện giao thông đường bộ, nghiên cứu các điều kiện cần thiết để thực hiện kiểm định đối với xe mô tô 3, 4 bánh chở hàng (có gắn động cơ); các cơ sở đào tạo xem xét các quy định về đào tạo, sát hạch cấp phép lái xe đối với người điều khiển xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ. Lực lượng Thanh tra Giao thông (Sở GTVT) phối hợp với Công an tỉnh xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Công an tỉnh chỉ đạo Phòng CSGT đường bộ, đường sắt và Công an các huyện tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là các chủ phương tiện đã nhận tiền hỗ trợ nhưng không chấp hành quy định. Sở Công thương chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các ngành Công an, GTVT thường xuyên rà soát, thống kê, phân loại các phương tiện và các cơ sở sản xuất, lắp ráp các loại xe trên địa bàn; yêu cầu các chủ cơ sở sản xuất, lắp ráp cam kết không tự chế, lắp ráp các loại xe cơ giới thuộc diện không được phép lưu thông. Trường hợp cố tình vi phạm sẽ áp dụng mọi chế tài theo quy định, phương tiện sẽ bị tịch thu, xử lý bán phế liệu, sung vào công quỹ; đối với các cơ sở lắp ráp, tự chế các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và đường thủy nội địa trái phép sẽ tiến hành đình chỉ hoạt động, nếu cố tình vi phạm có thể tịch thu trang thiết bị trực tiếp sản xuất của cơ sở đó./.

Bài và ảnh: Thanh Thuý



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com