Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT, các cấp, ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh đã thường xuyên quan tâm thực hiện công tác kiểm tra, rà soát, bổ sung hệ thống biển báo giao thông bảo đảm đúng, đủ, hợp lý, chấp hành tiêu chuẩn kỹ thuật báo hiệu đường bộ. Tại Thành phố Nam Định, ngay từ đầu năm 2014 một số vị trí giao thông phức tạp đã được ngành GTVT chủ động kiến nghị lắp đặt thiết bị đèn tín hiệu tại ngã tư các đường: Đông A - Trần Tự Khánh, Trần Thái Tông - Hưng Yên; đề xuất nghiên cứu lại vạch sơn kẻ đường, bổ sung biển báo hiệu tại nhiều tuyến phố nội thành. Ở huyện Trực Ninh Ban ATGT huyện đã chỉ đạo Phòng Công thương chủ động rà soát, đề xuất cơ quan chức năng điều chỉnh hệ thống báo hiệu đường bộ trên các tuyến quốc lộ (QL), tỉnh lộ, đặc biệt chú trọng các biển báo liên quan đến tốc độ xe chạy...
Biển chỉ dẫn giao thông tại địa phận Thị trấn Gôi (Vụ Bản) bị che khuất tầm nhìn, do lều quán bán hàng của người dân. |
Tuy nhiên, trên thực tế, hệ thống biển báo hiệu hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, không đảm bảo yêu cầu ATGT. Thời gian qua, đã xảy ra nhiều vụ TNGT trên các tuyến đường đô thị, đường tỉnh, đường huyện và đường xã do thiếu hệ thống báo hiệu đường bộ. Tại Thành phố Nam Định, một số điểm dễ xảy ra TNGT do thiếu hệ thống biển báo, dù các cấp, các ngành đã nhiều lần kiến nghị, đề xuất. Cụ thể như nút giao thông gần Siêu thị Big C Nam Định; điểm giao giữa QL 21 với đường Trần Tự Khánh hay xảy ra TNGT; đường Đặng Xuân Bảng, phân cách đường bằng vạch liền trong khi giao thông không chặt chẽ, nên thay thế bằng dải phân cách cứng sẽ bảo đảm hiệu quả hơn. Trên tuyến đường bộ mới Nam Định - Phủ Lý, TNGT đã gia tăng đột biến ngay sau khi đưa vào khai thác sử dụng do hệ thống biển báo trên toàn tuyến còn thiếu và chưa được lắp đặt hợp lý, nhất là các biển báo thông tin quy định tốc độ trên đường cao tốc tại các điểm đấu nối từ đường ngang dân sinh ra đường cao tốc để người đi đường điều chỉnh tốc độ khi nhập làn. Để tăng cường đảm bảo ATGT, từng bước góp phần giảm TNGT và phát huy tối đa tác dụng của hệ thống biển báo hiệu đường bộ; đồng thời nâng cao hiệu quả và chất lượng công tác quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường bộ, ngày 11-3-2014, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 150/UBND-VP5 về việc kiểm tra, rà soát, bổ sung và hoàn thiện hệ thống biển báo hiệu đường bộ trên các tuyến đường đô thị, đường tỉnh, đường huyện và đường xã. Theo đó, Sở GTVT, UBND các huyện, thành phố tùy theo phân cấp quản lý và ủy thác tiến hành kiểm tra, rà soát hệ thống báo hiệu đường bộ trên các tuyến đường đô thị, đường tỉnh, đường huyện và đường xã; đặc biệt là hệ thống báo hiệu tại các vị trí đường địa phương giao cắt với các QL 21, QL 10, QL 37B, QL 38, đường Nam Định - Phủ Lý. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở GTVT hướng dẫn các đơn vị trong ngành áp dụng chặt chẽ các quy chuẩn báo hiệu đường bộ theo quy định. Khi tiến hành rà soát để điều chỉnh biển báo về tốc độ, vị trí lắp biển báo trên các tuyến tránh (QL) qua khu dân cư đô thị phải phù hợp với tiêu chuẩn thiết kế, phù hợp với thực tế nhằm nâng cao khả năng khai thác các tuyến, đoạn tuyến QL đi qua địa bàn. Các dự án đang triển khai thi công hoặc đã thi công xong phải yêu cầu các chủ dự án kiểm tra, loại bỏ các biển hạn chế tốc độ bất hợp lý; đồng thời bố trí, thay thế bằng các biển báo có nội dung cảnh báo phù hợp. Đối với đoạn tuyến QL nếu phải lắp đặt biển báo hạn chế tốc độ thì cần giải thích rõ lý do; đồng thời phải bố trí theo hướng giảm dần, tránh gây đột ngột để thuận lợi cho việc lưu thông, vận hành của các phương tiện tham gia giao thông trên đường. Rà soát, loại bỏ các biển báo có nội dung và hình thức không phù hợp quy định, người điều khiển phương tiện khó nhận biết khi tham gia giao thông trên các tuyến QL. Sau quá trình rà soát, Sở GTVT sẽ tập hợp số liệu, kiến nghị với các cơ quan quản lý đường bộ Trung ương nhanh chóng khắc phục những bất cập trên các tuyến QL; bổ sung, khắc phục những tồn tại, thiếu sót về hệ thống biển báo đối với những tuyến đường do tỉnh quản lý, từng bước hoàn thiện hệ thống biển báo hiệu đường bộ được giao quản lý và ủy thác theo Quy chuẩn báo hiệu quốc gia về đường bộ (QCVN 41:2012/BGTVT); ưu tiên bổ sung biển cảnh báo nguy hiểm đối với các đoạn tuyến có nguy cơ tiềm ẩn TNGT cao. Đồng thời tăng cường xử lý, giải toả lấn chiếm hành lang giao thông, che khuất tầm nhìn, hệ thống biển báo.
Thời gian tới, trong công tác tiếp nhận bàn giao quản lý, khai thác đối với các công trình giao thông đường bộ tỉnh chú trọng yêu cầu có đầy đủ nội dung về thiết kế hệ thống bảo đảm ATGT, nhất là hệ thống báo hiệu đường bộ trên tuyến theo đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật./.
Bài và ảnh: Thanh Thuý