Ngày 22-1-2014, Ban ATGT tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến toàn tỉnh sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết 88/NQ-CP ngày 24-8-2011 của Chính phủ về thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự ATGT và tổng kết công tác bảo đảm trật tự ATGT năm 2013, triển khai nhiệm vụ năm 2014. Đồng chí Đoàn Hồng Phong, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có lãnh đạo các ban, ngành thành viên Ban ATGT tỉnh.
Thực hiện Nghị quyết 88, tỉnh đã triển khai quyết liệt các biện pháp công tác bảo đảm trật tự ATGT. Năm 2013, các cấp, ngành, tổ chức chính trị đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo; bảo đảm trật tự ATGT thiết thực, hiệu quả. Công tác tuyên truyền rõ nét, có trọng điểm hơn. Lực lượng Công an, Thanh tra Sở GTVT đã tăng cường tuần tra, kiểm soát; mở các đợt cao điểm xử lý về xe quá khổ, quá tải; quản lý vận tải hành khách; tổng số tiền xử phạt vi phạm trên 31 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 88 cũng như công tác bảo đảm trật tự ATGT trong năm 2013 còn một số hạn chế như:
một số địa phương chưa huy động được cả hệ thống chính trị tham gia tích cực vào công tác đảm bảo ATGT; lãnh đạo của một số cấp ủy Đảng, chính quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa chỉ đạo quyết liệt. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông ở một số địa phương chủ yếu mới tập trung vào các đợt cao điểm, còn nặng về hình thức, mang tính phong trào, thiếu chiều sâu. Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đã có cố gắng song lực lượng, phương tiện chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, nhiều vi phạm chưa được ngăn chặn và xử lý kịp thời; một số người tham gia giao thông ý thức tự giác kém, chỉ chấp hành khi có lực lượng chức năng, thậm chí một số trường hợp thể hiện ý thức coi thường pháp luật, có biểu hiện chống đối người thi hành công vụ. Các giải pháp phòng, chống và kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ sử dụng rượu, bia và quản lý việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng mũ bảo hiểm chưa được thực hiện kiên quyết, thường xuyên; tình trạng uống rượu, bia vẫn điều khiển phương tiện còn phổ biến và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây TNGT. Chất lượng dịch vụ vận tải khách tuyến Nam Định - Hà Nội còn tồn tại yếu kém, gây bức xúc trong dư luận nhân dân, tình trạng xe đón trả khách trái quy định còn diễn ra trên địa bàn thành phố, gây mất trật tự ATGT, công tác quản lý lái xe của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải còn lỏng lẻo. Tình trạng phơi, đốt rơm, rạ trên các tuyến đường huyện, đường xã, liên xã vẫn diễn ra khá phổ biến, gây ô nhiễm môi trường, hư hại công trình giao thông và tiềm ẩn nguy cơ TNGT cho người tham gia giao thông; việc lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ, đường sắt còn diễn ra nhiều nơi, phức tạp. Việc giải quyết các điểm giao cắt nguy hiểm, đường ngang qua đường sắt trái phép, điểm hạn chế tầm nhìn, các "điểm đen" chậm và chưa dứt điểm. Hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và tốc độ phát triển của phương tiện giao thông; đường nông thôn được nâng cấp, mở rộng nhưng thiếu hệ thống biển báo, thiếu thiết bị đảm bảo ATGT. Do thói quen và ý thức tham gia giao thông kém nên tồn tại nghịch lý TNGT tăng trên một số tuyến đường vừa được nâng cấp, cải tạo hiện đại, thuận tiện.
Năm 2014, thực hiện chủ đề "Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện", tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện; nâng cao ý thức, trách nhiệm của người thực thi công vụ về bảo đảm trật tự ATGT. Xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng. Phấn đấu giảm TNGT cả 3 tiêu chí về số vụ, số người bị thương và số người chết so với năm 2013.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương sự nỗ lực thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự ATGT của các cấp, ngành, các thành viên Ban ATGT tỉnh. Đồng thời yêu cầu, năm 2014, các thành viên Ban ATGT tỉnh, các tổ chức chính trị, đoàn thể phải tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự ATGT; nâng cao hơn nữa tinh thần, trách nhiệm và hiệu quả trong công tác bảo đảm trật tự ATGT. Về mục tiêu, năm 2014 dứt khoát phải giảm TNGT ở cả 3 tiêu chí; các huyện, thành phố phải đưa thêm chỉ tiêu số vụ và số tiền xử phạt tăng 20% so với năm 2013. Phải nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị; kết hợp công tác bảo đảm ATGT với phát triển kinh tế - xã hội. Đổi mới công tác tuyên truyền cả về nội dung và phương pháp phù hợp với đối tượng người dân. Các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường thời lượng phát sóng, đăng tải thông tin, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định bảo đảm trật tự ATGT. Các tổ chức hội, đoàn thể tích cực xây dựng các mô hình, tổ chức ra quân đồng loạt, có tác động sâu rộng; xây dựng nội dung tuyên truyền một cách cụ thể; tạo sự chuyển biến tích cực của người dân. Sở GTVT chủ động phối hợp với các huyện, kiên quyết kiểm soát xe chở quá khổ, quá tải; tập trung quản lý các doanh nghiệp, HTX kinh doanh dịch vụ vận tải khách; đặc biệt phải chấm dứt những tồn tại yếu kém trong tuyến vận tải hành khách Nam Định - Hà Nội và nâng cao chất lượng quản lý bến, bãi. Sở GTVT và Ban ATGT tỉnh phối hợp với các huyện xây dựng kế hoạch giải tỏa vi phạm hành lang, bảo đảm ATGT trên cả tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy. Các cấp, các ngành, đoàn thể trong tỉnh phải xác định nhiệm vụ bảo đảm ATGT là nhiệm vụ thường xuyên, xuyên suốt; từng bước nghiên cứu, đưa tiêu chí bảo đảm ATGT vào bình xét thi đua. Tại các tuyến đường mới thông xe yêu cầu các xã, thị trấn cử Công an xã phối hợp với Công an huyện, tỉnh tổ chức thường trực, cảnh báo cho người tham gia giao thông. Tại các địa phương có lễ hội đầu năm và các tuyến giao thông huyết mạch phải xây dựng kế hoạch bảo đảm an toàn, giảm thiểu TNGT. Công an tỉnh và Thanh tra giao thông tăng cường phối hợp, xử phạt ở mức tối đa, tập trung ở các tuyến đường mới đưa vào sử dụng./.
Nguyễn Thanh Thúy