Nhằm ngăn chặn tình trạng xe ô tô chở hàng quá khổ, quá tải gây hư hại cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT, từ đầu năm đến nay, Công an tỉnh và Sở GTVT đã phối hợp với TTGT của Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức nhiều đợt cao điểm xử lý vi phạm xe quá khổ, quá tải trên các tuyến giao thông trọng điểm như Quốc lộ 10, Quốc lộ 21, tỉnh lộ 490C. Sau đợt kiểm tra cao điểm, lực lượng chức năng còn tiến hành kiểm tra thường xuyên, đột xuất trên các tuyến đường bộ trong tỉnh. Để tạo thuận lợi cho các lái xe khắc phục các lỗi vi phạm, lực lượng chức năng chủ động đưa ra một số giải pháp như: giao cho đối tượng vi phạm tự liên hệ, tìm phương tiện thực hiện biện pháp giảm tải; trong trường hợp người vi phạm gặp khó khăn trong liên hệ phương tiện san tải, lực lượng chức năng sẽ tư vấn, giới thiệu các đơn vị vận tải có khả năng hỗ trợ cho người vi phạm giải quyết, vận chuyển lượng hàng hóa thừa tải nhanh chóng, bảo đảm an toàn. Tại tất cả các vị trí tuần tra kiểm soát, TTGT đều chủ động hợp đồng với cơ quan, đơn vị có trạm cân điện tử trên tuyến để cân, đo phương tiện cụ thể, đồng thời chuẩn bị sẵn các phương tiện tác nghiệp như: hai cân điện tử loại 40 tấn/trục; thiết bị chiếu sáng ban đêm, bàn ghế, barie, biển báo, cọc tiêu báo hiệu, thước dây; máy ảnh, máy quay phim để ghi hình làm tư liệu phục vụ các yêu cầu nghiệp vụ. Qua hoạt động xử phạt, đã tác động đến nhận thức, tạo tâm lý chủ động chấp hành quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường từ phía các lái xe, chủ xe khi lưu thông qua địa phận tỉnh Nam Định.
Thanh tra giao thông yêu cầu lái xe ô tô chở hàng hóa quá khổ, quá tải thực hiện hạ tải. |
Tuy nhiên, trên thực tế công tác xử lý xe ô tô chở hàng quá khổ, quá tải vẫn gặp khó khăn. Hiện nay, lực lượng kiểm tra quá mỏng nên chưa bao quát được hết các tuyến đường điểm nóng xe quá khổ, quá tải. Một số lái xe, chủ xe còn bố trí người theo dõi hoạt động của lực lượng chức năng để báo động cho lái xe tạm dừng đậu, đỗ tại các cửa hàng xăng, dầu, các hàng ăn, đợi lực lượng chức năng rút đi thì mới cho xe lưu hành. Một số phương tiện chở quá tải lưu hành trên Quốc lộ 10 theo hướng Ninh Bình - Nam Định còn thay đổi hướng, đi vào các tuyến đường địa phương để trốn tránh sự kiểm soát của các lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, việc dừng xe kiểm tra tải trọng cũng phải thực hiện thận trọng để tránh gây ra ùn tắc giao thông; việc hạ tải và lưu giữ hàng hóa trong kho bãi đối với các mặt hàng thực phẩm tươi sống như rau quả, thủy hải sản… phức tạp vì khó bảo quản, dễ hư hỏng. Việc thực hiện xử lý vi phạm quá tải, quá khổ tại một số địa phương chưa nghiêm, dẫn đến tình trạng xe vi phạm từ các địa phương lân cận vẫn thường xuyên chạy trên hệ thống đường giao thông thuộc địa phận tỉnh… Để tháo gỡ những bất cập trên, thực hiện Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT ngày 6-8-2013 của Bộ GTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, Sở GTVT đã tổ chức tập huấn nội dung Thông tư cho cán bộ Phòng Công thương các huyện, Phòng Quản lý đô thị Thành phố Nam Định, các phòng, ban, đơn vị có liên quan, các đơn vị vận tải khách và một số đơn vị vận tải hàng hoá trên địa bàn tỉnh. Ngày 4-10-2013, Sở GTVT đã ban hành văn bản chỉ đạo Phòng Công thương các huyện, Phòng Quản lý đô thị Thành phố Nam Định phổ biến, hướng dẫn thực hiện nội dung các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý vận tải và ATGT đến các đơn vị, tổ chức, hộ kinh doanh vận tải hàng hoá bằng ô tô; tiến hành rà soát, thống kê số đơn vị và phương tiện đang hoạt động. Đối với các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hoá bằng ô tô, Sở GTVT đã yêu cầu chậm nhất đến 31-11, các đơn vị phải hoàn thành việc thống kê, gửi về Sở để xác nhận và quản lý, theo dõi. Nội dung thông báo bao gồm: tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc của đơn vị; số giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hình thức kinh doanh vận tải hàng hoá; số lượng phương tiện, loại phương tiện, niên hạn sử dụng. Các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hoá bằng ô tô tổ chức phổ biến cho lái xe việc chấp hành quy định của pháp luật về tải trọng của phương tiện lưu thông trên đường; không được tổ chức bốc xếp và vận chuyển hàng hoá quá tải trọng theo thiết kế của phương tiện; chịu trách nhiệm về xe thuộc quyền quản lý của đơn vị vận chuyển hàng hoá quá tải trọng cho phép. Thời gian tới, ngành GTVT sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, doanh nghiệp xếp dỡ hàng hóa không được xếp hàng hóa vượt quá tải trọng của xe; tại những khu tập kết hàng hóa, nhà máy, cơ sở sản xuất, bến cảng… cần kiểm tra tải trọng xe trước khi cho xe khởi hành. Công tác tuần tra kiểm soát, ngăn chặn và xử lý xe quá khổ, quá tải tiếp tục được tăng cường, chú trọng các tuyến đường thấp cấp, cầu yếu thuộc địa phận các huyện; kiên quyết áp dụng mức phạt cao nhất đối với các trường hợp xe lớn chở quá tải trọng, có nguy cơ phá hủy hạ tầng giao thông đường bộ. Tuy nhiên, để ngăn chặn tình trạng xe quá khổ, quá tải các tỉnh, thành phố trên toàn quốc phải thực hiện đồng bộ các giải pháp và xử lý nghiêm túc, quyết liệt các trường hợp vi phạm. Tỉnh ta đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để đưa trạm cân lưu động vừa được Tổng cục Đường bộ Việt Nam trang bị vào hoạt động trên Quốc lộ 10 và lưu động kiểm tra trên các tuyến đường khác khi cần thiết. Tất cả các thông tin, hình ảnh, dữ liệu về xe vi phạm được kết nối trực tiếp với Trung tâm Quản lý dữ liệu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam qua mạng internet 3G, do đó, các cơ quan quản lý sẽ biết được chi tiết mọi kết quả xử phạt từng ngày. Dự kiến, Nam Định sẽ phối hợp với 9 tỉnh, thành phố được trang bị cân lưu động bao gồm: Hà Nam, Thanh Hóa, Quảng Bình, Bình Định, Cần Thơ, Lâm Đồng, Hải Phòng, Yên Bái, Bắc Kạn tổ chức tốt việc kiểm soát tải trọng xe trên các Quốc lộ: 1, 3, 5, 10, 20, 70 bởi đây là các hành lang vận tải đường bộ lớn, nơi xuất phát các nguồn hàng lớn./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy