Theo Sở GTVT, chất lượng dịch vụ vận tải khách trên địa bàn tỉnh hiện nay giảm sút nghiêm trọng. Các đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải khách chỉ quan tâm đến doanh thu và lợi nhuận trước mắt, ít quan tâm đến chất lượng dịch vụ vận tải, vẫn để xảy ra tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, tranh giành khách, chạy vòng vo, thu tiền vé của khách cao hơn giá vé kê khai, ít quan tâm đến vấn đề bảo đảm trật tự ATGT, TNGT gia tăng… Bên cạnh đó, trình độ quản lý của cán bộ trong các doanh nghiệp đơn vị kinh doanh vận tải còn hạn chế, chưa kịp thời nắm bắt đầy đủ và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực đơn vị kinh doanh, còn lơ là trong thực hiện trách nhiệm giám sát bảo đảm và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải khách. Hoạt động quản lý lái xe và nhân viên phục vụ trên xe còn nhiều hạn chế, nhiều lái, phụ xe không có tinh thần gắn bó cùng doanh nghiệp, thường xuyên chuyển đơn vị làm việc.
Kiểm tra kỹ thuật an toàn xe trước khi xuất bến tại Bến xe khách Nam Định. |
Để chấn chỉnh hoạt động vận tải khách bằng ô tô, nâng cao chất lượng phục vụ khách, Sở GTVT đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng hỗ trợ thông tin và hướng dẫn cụ thể cho cán bộ phụ trách của các doanh nghiệp, đồng thời chỉ đạo các đơn vị trực tiếp quản lý doanh nghiệp của ngành giám sát chặt chẽ việc khắc phục các vi phạm từ phía doanh nghiệp đôn đốc, nhắc nhở đẩy nhanh tiến độ khắc phục và siết chặt xử lý, loại bỏ các doanh nghiệp vận tải khách yếu kém, chây ỳ không khắc phục các hạn chế, vi phạm. Hiện nay, Sở GTVT đang tập trung thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải khách. Sở GTVT yêu cầu các đơn vị vận tải khách đã phát hiện vi phạm trong các đợt thanh tra, phải khắc phục ngay các tồn tại, thiếu sót. Trong đó, phải đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh vận tải khách theo quy định tại Điều 11, Nghị định số 91/2009/NĐ-CP ngày 21-10-2009 của Chính phủ. Tăng cường quản lý hoạt động của phương tiện, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe thông qua thiết bị giám sát hành trình, sổ nhật trình chạy xe; thực hiện tốt chế độ bảo dưỡng định kỳ cho phương tiện và lập sổ theo dõi, tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho lái xe kỹ năng sử dụng thiết bị giám sát hành trình; ký hợp đồng lao động dài hạn với lái xe, phụ xe theo quy định. Chấn chỉnh việc sử dụng lái xe không có tên trong danh sách nhân sự của doanh nghiệp, HTX vận tải. Kiện toàn bộ phận theo dõi về ATGT, đảm bảo thực hiện thường xuyên và đầy đủ chức năng, nhiệm vụ được giao. Kiểm tra các điều kiện về an toàn kỹ thuật của xe trước khi đưa vào hoạt động. Quản lý các thông tin bắt buộc trên máy chủ thiết bị giám sát hành trình để kịp thời phát hiện, yêu cầu lái xe không được vi phạm tốc độ và lái xe quá thời gian quy định trên hành trình. Cập nhật và thường xuyên ghi chép đầy đủ dữ liệu vào sổ nhật ký ATGT. Phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ giám sát hành trình kiểm tra, sửa chữa các hư hỏng của thiết bị kỹ thuật, bảo đảm theo dõi liên tục 24/24 giờ, lưu trữ và trích xuất đầy đủ thông tin bắt buộc về xe và người lái xe. Thực hiện đầy đủ các quy định về đăng ký, niêm yết tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải; kê khai niêm yết giá vé tại doanh nghiệp, HTX và trên xe ô tô vận tải khách. Xây dựng và thực hiện quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin kiến nghị của khách hàng và phản ánh của các phương tiện truyền thông theo quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 6 Thông tư 14/2010/TT-BGTVT của Bộ GTVT. Ngày 29-10-2013, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 722/UBND-VP5 về việc tổ chức, quản lý, đảm bảo ATGT, an ninh trật tự vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh. Theo đó, để tổ chức, quản lý, đảm bảo ATGT, an ninh trật tự và VSMT tại khu vực điểm đón, trả khách trên địa bàn tỉnh; đặc biệt là vận tải khách tuyến bến xe khách Nam Định - Giáp Bát, UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở GTVT, Công an tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, Thành phố Nam Định tăng cường quản lý các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân tham gia kinh doanh vận tải khách. Các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh vận tải khách phải thực hiện nghiêm Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT ngày 6-8-2013 của Bộ GTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Sở GTVT chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ theo đúng thẩm quyền. Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố phối hợp với Sở GTVT tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm về trật tự ATGT, các quy định về kinh doanh vận tải và trách nhiệm của các đơn vị tham gia kinh doanh vận tải khách; đơn vị, doanh nghiệp nào không đủ điều kiện tham gia kinh doanh vận tải khách phải kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật./.
Bài và ảnh: Thanh Thuý