Theo thống kê của Ban ATGT tỉnh, 6 tháng đầu năm 2013, trong tổng số 31.421 trường hợp vi phạm TTATGT Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (Công an tỉnh) xử lý thì có tới 12.060 trường hợp vi phạm do không đội mũ bảo hiểm (MBH). Đối tượng không đội MBH tập trung vào nhóm thanh, thiếu niên; nhiều trường hợp đội MBH không đảm bảo chất lượng, chỉ để đối phó. Tại Thành phố Nam Định, trong tổng số 14.400 trường hợp vi phạm TTATGT bị lực lượng công an xử phạt, có tới 6.000 trường hợp không đội MBH…
CSGT (Công an TP Nam Định) tuyên truyền, vận động người dân nghiêm túc chấp hành quy định về đội MBH trong chương trình trao tặng MBH đạt chuẩn của Xí nghiệp May Vị Hoàng (Tổng Cty May 10). |
Trước thực trạng này, Ban ATGT tỉnh đã chỉ đạo các ngành thành viên, đề nghị các cấp, ngành chức năng, các tổ chức hội, đoàn thể trên địa bàn tỉnh tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp khắc phục, xoá bỏ tình trạng vi phạm quy định về đội MBH. Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (Công an tỉnh) đã phân công lực lượng, bố trí phương tiện kỹ thuật tổ chức tuần tra liên tục 24/24 giờ trên các tuyến Quốc lộ 10, Quốc lộ 21, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm TTATGT, trong đó có vi phạm quy định về đội MBH. Tại Thành phố Nam Định, lực lượng CSGT thành phố bố trí các tổ công tác lưu động tăng cường tuần tra trên các tuyến đường trọng điểm, đông người qua lại để phát hiện và xử lý nhanh các trường hợp điều khiển xe máy, xe đạp điện không đội MBH. Tất cả các buổi tối trong tuần, từ 20 đến 23 giờ, đặc biệt là các tối thứ 7 và chủ nhật, tại các tuyến phố chính và xung quanh hồ Vỵ Xuyên, lực lượng CSGT thành phố tập trung nhân lực và tăng tần suất tuần tra lưu động; duy trì tổ công tác tại các chốt đèn tín hiệu, xử lý kiên quyết các trường hợp không đội MBH hoặc đội MBH nhưng không cài quai; huy động các lực lượng chuyên môn và dân phòng địa phương thành lập các tổ công tác, thường xuyên quây ráp trên các tuyến đường quanh các trường học, tạo tâm lý, thói quen tự giác đội MBH cho nhóm thanh, thiếu niên là học sinh, sinh viên. Đặc biệt, lực lượng chức năng còn sàng lọc, phân nhóm các đối tượng thanh niên hư để chấn chỉnh ngay khi có biểu hiện tái diễn vi phạm quy định đội MBH. Tại huyện Trực Ninh, trước hiện tượng một số cán bộ, công chức vi phạm quy định về đội MBH gây tác động xã hội không tốt, Công an huyện đã tổ chức cắm chốt, phát hiện và kiên quyết xử lý ngay tại cổng công sở. Nhờ đó, ý thức chấp hành quy định đội MBH của người dân trên địa bàn huyện đã được nâng lên rõ rệt… Tại các huyện, công tác xử lý vi phạm quy định về đội MBH không chỉ được tập trung thực hiện tại khu vực trung tâm mà còn được triển khai sâu rộng xuống các xã. Bên cạnh xử phạt, công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện quy định đội MBH khi đi xe máy, xe đạp điện được tăng cường. Từ đầu năm đến nay, Ủy ban MTTQ tỉnh, Tỉnh Đoàn, Hội Nông dân tỉnh… liên tục tổ chức các chương trình tuyên truyền đến đoàn viên, hội viên quy định về đội MBH. Tỉnh Đoàn đã phối hợp với Sở GD và ĐT lồng ghép chương trình tuyên truyền, giáo dục pháp luật TTATGT trong các buổi chào cờ đầu tuần, sinh hoạt lớp, trong đó chú trọng hướng dẫn các đoàn viên, thanh niên nghiêm chỉnh thực hiện quy định về đội MBH. Các cấp bộ Đoàn tập trung xây dựng mô hình “Cổng trường ATGT” tại tất cả các trường học; thành lập các tổ tình nguyện hướng dẫn và giám sát học sinh thực hiện quy định về đội MBH ngay tại cổng trường. Nhờ đó, học sinh của nhiều trường học nâng cao ý thức, tự giác đội MBH theo đúng quy định…
Tuy nhiên, trên thực tế, hiệu quả xử lý vi phạm quy định về đội MBH vẫn gặp khó khăn do sự thay đổi liên tục trong quy định xử lý vi phạm về đội MBH của các ngành chức năng. Từ ngày 15-4-2013, theo Chỉ thị 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ khi tham gia giao thông trên đường bằng xe mô tô, xe gắn máy, người lái xe phải đội MBH đạt chuẩn. Theo đó, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đồng loạt thực hiện nhiều chương trình, hoạt động hướng đến việc chủ động đội MBH đạt chuẩn ngay từ phía người dân như: tuyên truyền về mức quy định xử phạt, huy động doanh nghiệp tham gia trợ giá đổi MBH đạt chuẩn, tổ chức các đợt hỗ trợ đổi MBH đạt chuẩn. Tuy nhiên, khi Bộ GTVT đưa ra lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt (sửa đổi Nghị định 71 và Nghị định 34) đã có nhiều ý kiến phản đối xử phạt hành vi không đội MBH đạt chuẩn. Tiếp thu các ý kiến trên, Bộ GTVT chính thức bỏ quy định này trong dự thảo lần 6. Hành vi đội MBH không đạt chuẩn sẽ không bị xử phạt do không đủ căn cứ pháp lý để xác định mũ đạt chuẩn hay không; nhưng hành vi không đội mũ hoặc không cài quai đúng quy cách vẫn bị phạt. Về lâu dài, cần tiếp tục khuyến khích người dân thực hiện nghiêm Chỉ thị 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quản lý và sử dụng MBH. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần tăng cường quản lý việc sản xuất, quản lý lưu thông, bán hàng và các chương trình trợ giá MBH đạt chuẩn trên thị trường, kiên quyết xử lý việc kinh doanh MBH không đạt chuẩn. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền lợi ích của việc đội MBH đạt chuẩn trên các phương tiện thông tin đại chúng. Công tác xử phạt cần thực hiện theo hướng tăng tối đa và áp dụng khung hình phạt cao nhất. Cụ thể theo Nghị định 71/2012/NĐ-CP người điều khiển, người ngồi trên xe không đội MBH hoặc đội MBH không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông bị phạt tiền từ 100 đến 200 nghìn đồng; chở người ngồi trên xe không đội MBH hoặc đội MBH không cài quai đúng quy cách (trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, áp giải người vi phạm pháp luật) bị phạt tiền từ 100 đến 200 nghìn đồng./.
Bài và ảnh: Thanh Thuý