Trong những tháng đầu năm 2013, tình hình TNGT và vi phạm trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Cụ thể, trong tháng 2, số vụ TNGT và số người chết tăng đột biến; trong tháng 6 và tháng 7 đã xảy ra 25 vụ, làm 8 người chết, 26 người bị thương, so với 2 tháng liền kề tăng 9 vụ, 3 người chết, 8 người bị thương. Phân tích các vụ TNGT cho thấy, nguyên nhân chính là do ý thức và sức khỏe của người lái xe không đảm bảo theo quy định, dẫn đến những hành vi vi phạm về tốc độ, đi sai phần đường, phóng nhanh vượt ẩu… Công tác bảo đảm trật tự ATGT chưa được cấp uỷ, chính quyền, Ban ATGT một số huyện chỉ đạo quyết liệt, thiếu kiểm tra, đôn đốc; vẫn còn tư tưởng coi đảm bảo trật tự ATGT là trách nhiệm riêng của ngành Công an, GTVT. Công tác tuyên truyền, vận động chưa sâu sát cơ sở; một bộ phận nhân dân chưa chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT…
Cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông ĐB-ĐS (Công an tỉnh) kiểm tra phương tiện tham gia giao thông trên Quốc lộ 21. |
Nhằm ngăn chặn tình trạng TNGT gia tăng, ngày 10-7-2013, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 288/UBND-VP8 chỉ đạo tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự ATGT. Trong đó giao nhiệm vụ cho các ngành chức năng tập trung nâng cao trách nhiệm và hiệu quả hoạt động theo đúng lĩnh vực, nhiệm vụ được phân công, phụ trách. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các ngành thành viên Ban ATGT tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật trật tự ATGT, cảnh báo các nguy cơ và hậu quả TNGT, các biện pháp phòng tránh TNGT trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông. Ban ATGT tỉnh, Ban ATGT các huyện, thành phố đã in, căng treo pa-nô, áp phích, khẩu hiệu, phát tờ rơi có nội dung tuyên truyền về ATGT tại trụ sở cơ quan, trường học, khu dân cư, bến xe, nhà ga, những nút giao thông quan trọng. Văn phòng Ban ATGT tỉnh dùng xe tuyên truyền lưu động pháp luật về trật tự ATGT, quy định về quản lý, sử dụng hành lang ATGT đường bộ… trên các tuyến quốc lộ (QL), tỉnh lộ (TL). Sở GD và ĐT phối hợp với Công an tỉnh biên soạn tài liệu, tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trật tự ATGT tại các cấp học. Tỉnh Đoàn đẩy mạnh công tác phối hợp, tổ chức tập huấn, nói chuyện chuyên đề về pháp luật giao thông, văn hóa giao thông cho 400 cán bộ Đoàn các huyện, thành phố và Đoàn trực thuộc; tổ chức chương trình "Tuổi trẻ Nam Định xung kích giữ gìn trật tự ATGT năm 2013" với sự tham gia của gần 5.000 đoàn viên, thanh niên, bằng nhiều hình thức phong phú như: ra quân, triển lãm tranh, ảnh về trật tự ATGT, tập huấn kỹ năng lái xe mô tô an toàn, chương trình đối thoại, tọa đàm “Thanh niên Nam Định cùng cộng đồng làm giảm TNGT”, đêm hội “Tuổi trẻ Nam Định với văn hóa giao thông”… Ngành GTVT đã xiết chặt quản lý các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách; chất lượng thiết bị cũng như sử dụng và khai thác dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình xe ô tô; quản lý các bến xe; tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn kiểm tra, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX. Các cơ sở đào tạo, dạy nghề GTVT thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo lái xe. Các phòng chuyên môn (Sở GTVT), Cty CP Quản lý và Xây dựng cầu đường Nam Định, Phòng Công thương các huyện, Phòng Quản lý đô thị thành phố tập trung kiểm tra hệ thống giao thông trong phạm vi quản lý; kịp thời phát hiện và xử lý một số điểm mất ATGT trên QL 21, TL 490C, TL 489; thường xuyên làm tốt công tác duy tu, bảo dưỡng sửa chữa cầu, đường, bổ sung cọc tiêu, biển báo, sơn vạch kẻ đường, phát hiện kịp thời, ngăn chặn các hành vi vi phạm ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông và hành lang ATGT, đảm bảo giao thông thông suốt. Thanh tra giao thông thường xuyên phối hợp với các đơn vị kiểm tra, xử lý các trường hợp lấn chiếm hành lang ATGT, việc chấp hành biển báo kỹ thuật trên các QL 21, QL 38B, TL 490C, TL 486B; kiểm tra công tác vận tải khách tại các doanh nghiệp, HTX vận tải, bến xe, cửa ngõ ra, vào thành phố, nơi cấm dừng, đỗ để xử lý nghiêm theo quy định. Ngành Công an huy động tối đa phương tiện, trang thiết bị và lực lượng tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự ATGT. Trong đó, chú trọng xử lý các lỗi có nguy cơ cao gây TNGT như: chạy quá tốc độ, chở quá số người quy định, dừng, đỗ xe đón, trả khách không đúng nơi quy định, đi sai phần đường, làn đường, điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia, người đi mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm… Sở GTVT và Công an tỉnh tăng cường phối hợp, kiểm soát, ngăn chặn các hành vi vi phạm trật tự ATGT thông qua việc mở đợt cao điểm xử lý phương tiện chở quá khổ, quá tải; xử lý vi phạm tốc độ; vi phạm về trật tự ATGT đường thuỷ; kiểm tra, xử lý các lỗi vi phạm trong vận tải khách, kiên quyết không cấp hoặc rút giấy phép kinh doanh vận tải đối với các xe khách, các đơn vị vận tải vi phạm quy định về vận tải khách và chất lượng phục vụ khách; xử lý tình trạng xe đón, trả khách trái quy định tại một số “điểm nóng” về trật tự ATGT ở Thành phố Nam Định… Nhờ sự quyết liệt thực hiện các giải pháp cấp bách kéo giảm TNGT, ý thức chấp hành pháp luật trật tự ATGT trong nhân dân đã có chuyển biến tích cực. Tình trạng xe khách bỏ bến, vòng vèo, ép giá khách bước đầu được hạn chế; các doanh nghiệp đang tích cực thay thế các đầu xe cũ bằng xe chất lượng cao; chủ động xây dựng phương án vận tải, phục vụ khách, chú ý thời điểm nhu cầu đi lại của nhân dân tăng đột biến nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, xây dựng uy tín và thương hiệu doanh nghiệp. Tình hình TNGT đã có dấu hiệu chuyển biến tích cực. Trong tháng 8, số vụ va chạm và TNGT trên toàn tỉnh đã giảm 5 vụ so với tháng 7; đường sắt và đường thủy không để xảy ra va chạm và TNGT.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp cấp bách về bảo đảm trật tự ATGT, ngày 12-8-2013, UBND tỉnh đã có Chỉ thị số 12/CT-UBND về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp cấp bách về đảm bảo trật tự ATGT. Theo đó, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn, các đơn vị và cá nhân tham gia hoạt động giao thông tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm công tác đảm bảo trật tự ATGT là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó nòng cốt là ngành GTVT và Công an. Lãnh đạo, cán bộ, công chức các sở, ngành, đoàn thể, các địa phương cần nâng cao vai trò ý thức, trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên trước nhân dân, gương mẫu trong thực hiện các quy định đảm bảo trật tự ATGT; phấn đấu hằng năm giảm từ 5 đến 10% về TNGT trên cả 3 tiêu chí. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 4-9-2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 1-3-2013 của Chính phủ và Chỉ thị số 12 ngày 23-6-2013 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó cấm mọi sự can thiệp vào việc xử phạt vi phạm hành chính về trật tự ATGT, gây khó khăn cho lực lượng chức năng khi thi hành công vụ. Gắn trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng ở nơi xảy ra nhiều TNGT, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT chưa nghiêm. Phát huy hiệu quả của hệ thống truyền thanh và vai trò lực lượng cán bộ nòng cốt ở cơ sở trong công tác tuyên truyền về trật tự ATGT, nhất là ở nông thôn. Thường xuyên huy động các lực lượng, đoàn thể của xã, phường, thị trấn tổ chức ra quân tham gia khắc phục, giải quyết vi phạm về giao thông, trật tự, góp phần làm chuyển biến về trật tự ATGT ngay từ cơ sở./.
Bài và ảnh: Nguyễn Thanh Thuý