Để đảm bảo ATGT đường thuỷ, năm 2012, Ban ATGT tỉnh, Công an tỉnh đã triển khai hai mô hình điểm về “Văn hoá giao thông với bình yên sông nước” tại các huyện Xuân Trường và Nghĩa Hưng. Trong đó, mô hình "Kênh Quần Liêu văn hóa, an toàn" tại xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) đã huy động được sự phối hợp của các cơ quan chức năng của xã và huyện cùng tổ chức các hoạt động tuyên truyền, kiểm tra, xử lý các vi phạm Luật Giao thông đường thủy nội địa trên tuyến kênh Quần Liêu; huy động gần 200 chủ tàu thuyền hoạt động trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng ngừa, giải quyết tai nạn giao thông đường thủy và đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm trên địa bàn và tuyến kênh Quần Liêu. Mô hình điểm "Bến phà văn hóa, an toàn" tại bến phà Sa Cao, xã Xuân Châu (Xuân Trường) đã nâng cao ý thức, chủ động bảo đảm an toàn cho người, tài sản và bến phà. Chính quyền hai xã Xuân Châu và xã Vũ Vân, huyện Vũ Thư (Thái Bình) đã phối hợp tổ chức kiểm tra bảo đảm trật tự ATGT hai đầu bến, thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các chủ hộ kinh doanh chấp hành nghiêm các quy định, không lấn chiếm hành lang ATGT để bán hàng. Ban quản lý bến phà duy trì bảo đảm trật tự vệ sinh, mỹ quan hai đầu bến và trên phà; tổ chức điều hành hướng dẫn hành khách, xe ô tô lên xuống phà qua sông có văn hóa, an toàn. Các đơn vị quản lý cầu, quản lý đường thuỷ tăng cường duy tu, bảo dưỡng hệ thống báo hiệu đường thuỷ nội địa, bảo đảm đầy đủ biển báo hiệu dẫn luồng, đèn báo hiệu chiếu sáng ban đêm cho các phương tiện tham gia giao thông an toàn. Đối với các vị trí hay xảy ra sự cố, có chướng ngại vật, các đơn vị quản lý đã bố trí phao tiêu báo hiệu và thường xuyên kiểm tra, điều chỉnh bổ sung kịp thời các báo hiệu luồng lạch. Định kỳ hằng tuần, hằng tháng tổ chức duy trì việc kiểm tra trên toàn tuyến, kịp thời phát hiện và thông báo với các cơ quan chức năng các vi phạm Luật Giao thông đường thủy nội địa.
Bến phà Phú Lễ, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) luôn thực hiện tốt các quy định bảo đảm ATGT đường thuỷ. |
Cùng với việc triển khai điểm các mô hình bảo đảm ATGT đường thủy, lực lượng Cảnh sát đường thủy đã tăng cường tuần tra, kiểm soát; tập trung xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp vi phạm quy định về an toàn bến bãi, phương tiện chở khách, phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, chở quá tải, quá số người theo quy định, người lái phương tiện không có chứng chỉ chuyên môn; kiên quyết không để các phương tiện không đủ điều kiện hoạt động. Trong năm 2012, Phòng Cảnh sát đường thuỷ (Công an tỉnh) đã kiểm tra, xử lý 3.687 trường hợp vi phạm, phạt tiền 932 triệu 860 nghìn đồng; phối hợp với công an các huyện, các ngành chức năng, chính quyền các xã, phường, thị trấn có bến trọng điểm kiểm tra 561 lượt bến với 686 lượt phương tiện chở khách ngang sông; phát hiện 67 lượt phương tiện vi phạm, phạt tiền 27 triệu 300 nghìn đồng. Tổ chức 4 đợt phối hợp liên ngành kiểm tra đò ngang và hệ thống biển báo hiệu đường thuỷ; chủ động kiểm tra và phối hợp với Sở TN và MT, công an các huyện và các ngành chức năng kiểm tra 262 lượt phương tiện khai thác cát, xử lý 231 trường hợp vi phạm, phạt tiền 235 triệu 100 nghìn đồng; kiểm tra 65 lượt bến bãi, cơ sở kinh doanh, xử lý 25 trường hợp vi phạm. Nhờ nghiêm túc, thực hiện hiệu quả nhiều biện pháp nên trong năm 2011 và 2012, mỗi năm chỉ xảy ra một vụ TNGT đường thuỷ.
Năm 2013, lực lượng Cảnh sát đường thuỷ tiếp tục chủ động nắm chắc tình hình, tập trung vào các địa bàn trọng điểm để chỉ đạo và tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự ATGT, trật tự xã hội trên các tuyến, nhất là các lỗi là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới TNGT như: phương tiện chưa đăng kiểm, đăng ký, thuyền trưởng không có bằng lái, chở quá tải, thiếu trang thiết bị an toàn, đậu đỗ sai quy định, khai thác tài nguyên trái phép. Mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm về trật tự ATGT đường thủy. Công an các huyện, thành phố phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra bảo đảm an toàn đối với phương tiện chở khách ngang sông, kiểm tra các bến bãi. Tiếp tục nhân rộng hiệu quả hoạt động của hai mô hình điểm, đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ với các mô hình: “Làng chài tự quản”, “Cửa sông an toàn” trên sông Ninh Cơ; xây dựng phong trào “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ” trong các cơ quan, doanh nghiệp và các địa bàn trọng điểm trên các tuyến đường thuỷ của tỉnh. Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng pháp luật trên lĩnh vực giao thông đường thuỷ; phát động quần chúng tích cực tham gia, góp phần bảo đảm trật tự ATGT đường thuỷ./.
Bài và ảnh: Thanh Thuý