Mỗi người cần nâng cao văn hóa giao thông

07:09, 21/09/2012

Văn hóa giao thông có thể hiểu là “thiện chí của một người trong việc tìm hiểu, thực hành và áp dụng các hành vi lái xe an toàn, đúng mực hằng ngày, tuân thủ Luật Giao thông đường bộ và tôn trọng người khác”. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, không phải tất cả mọi người đều hiểu rõ và thực hiện đầy đủ các hành vi văn hóa khi tham gia giao thông. Đối tượng chưa nghiêm túc chấp hành các tiêu chí văn hóa giao thông thuộc mọi lứa tuổi, thành phần và địa vị xã hội. Thời gian gần đây, xuất hiện ngày càng nhiều trường hợp thanh thiếu niên không chấp hành pháp luật giao thông, thậm chí còn cố tình tái diễn hành vi vi phạm theo thái độ chống đối lực lượng quản lý ngành. Có không ít các bậc phụ huynh, mặc dù biết con em mình chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, ô tô nhưng vẫn dung túng, giao phương tiện của mình cho con em sử dụng. Nhiều trường hợp đã không ngần ngại rút máy điện thoại di động nhờ người quen có vị trí xã hội, tầm ảnh hưởng can thiệp để cán bộ chức năng không tiếp tục tiến hành các biện pháp xử phạt ngay khi bị kiểm tra và chưa kịp tiến hành xử lý theo luật định đối với các lỗi vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Không ít đối tượng vi phạm đã có những thái độ, hành vi hối lộ để cán bộ của các ngành chức năng không xử phạt. Một số đối tượng mặc dù đã được cấp bằng lái xe, có đủ trình độ kiến thức pháp luật nhưng khi lưu thông trên đường chưa nghiêm túc thực hiện các quy định bảo đảm ATGT; chưa có hành vi ứng xử hợp lý và đúng mực, có tình người trong các tình huống xảy ra trên đường. Chính vì vậy mà trên địa bàn tỉnh, nhất là tại các quốc lộ đã xảy ra nhiều trường hợp đối tượng gây tai nạn giao thông, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, phương tiện, vật chất của người khác nhưng không kịp thời thực hiện các hành động có văn hóa giao thông, thậm chí nhiều trường hợp còn bỏ chạy, trốn tránh trách nhiệm… Tuy nhiên những hành vi thiếu ý thức, không chấp hành nghiêm luật giao thông trên địa bàn tỉnh ta chiếm tỷ lệ không nhiều trong tổng số những người tham gia giao thông.

Học sinh Trường THPT Ngô Quyền (TP Nam Định) tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ trong buổi sinh hoạt ngoại khoá ATGT.
Học sinh Trường THPT Ngô Quyền (TP Nam Định) tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ trong buổi sinh hoạt ngoại khoá ATGT.

Để nâng cao văn hóa cho người tham gia giao thông, bên cạnh việc tăng cường sự giám sát chặt chẽ các hành vi của mọi đối tượng tham gia giao thông của các ngành chức năng thì cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về văn hóa giao thông. Tháng 3-2012, Ban ATGT tỉnh đã tiếp nhận, triển khai các hợp phần tuyên truyền và hợp phần giáo dục của Dự án tăng cường ATGT trên các quốc lộ phía Bắc Việt Nam do Chính phủ Nhật Bản tài trợ. Tuy các hợp phần mới được triển khai nhưng bước đầu đã đem lại một số kết quả đáng ghi nhận như: Tại buổi tuyên truyền lưu động về trật tự ATGT trên quốc lộ 10, đoạn chạy qua địa bàn huyện Ý Yên đã thu hút sự quan tâm tiếp nhận các kiến thức pháp luật giao thông đường bộ của rất nhiều hộ dân sống dọc trên quốc lộ, tại các khu đông dân cư, chợ tự phát, ngã ba, ngã tư… Ngay trong ngày diễn ra hoạt động tuyên truyền, nhiều trường hợp vi phạm về lấn chiếm lòng lề đường, treo biển quảng cáo sai quy định đã tự giác tháo dỡ, sửa đổi hành vi vi phạm. Trong chương trình tuyên truyền tại hiện trường được tổ chức tại Trường THPT Trần Hưng Đạo (TP Nam Định) vào “Tuần ATGT”, Ban chỉ đạo dự án đã tổ chức tuyên truyền cho hơn 1.200 lượt học sinh thuộc tất cả các khối trong trường với thông điệp “Thanh niên hãy cùng cộng đồng làm giảm tai nạn giao thông”. Nhờ đó, ngay trong những ngày đầu tiên của năm học 2012-2013 đã có hơn 90% học sinh đi xe đạp điện thực hiện nghiêm chỉnh quy định đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Tại nhiều lớp, khối lớp 11, 12 đã thành lập nhóm tuyên truyền về pháp luật ATGT, thường xuyên đôn đốc nhắc nhở bạn cùng lớp và người thân trong gia đình thực hiện tốt pháp luật ATGT. Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao văn hoá giao thông cho mọi người, Ban ATGT tỉnh sẽ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền theo thông điệp: Mọi người phải tự giác chấp hành nghiêm chỉnh quy tắc giao thông đường bộ; ứng xử một cách đúng luật, an toàn, có ý thức và lịch sự. Tuân thủ các chuẩn mực, pháp luật, đạo đức, truyền thống và ứng xử một cách có ý thức, tự giác khi tham gia giao thông. Trong đó, chú trọng tuyên truyền thay đổi đối với tất cả các đối tượng tham gia giao thông. Kiên quyết thay đổi hành vi văn hoá giao thông của nhóm đối tượng cán bộ, người có vị thế chính trị, xã hội để có thể tạo nên những tấm gương tích cực cho mọi nhóm đối tượng khác noi theo. Đối với nhóm đối tượng là thanh, thiếu niên cũng phải đặc biệt chú trọng xây dựng, thiết lập các giá trị văn hóa giao thông bởi đây là nhóm đối tượng sẽ duy trì, phát triển văn hoá giao thông trong thời gian dài hơn các nhóm đối tượng ở độ tuổi khác. Đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức để sớm đạt được mục tiêu xây dựng những thói quen và thái độ tích cực khi tham gia giao thông./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com