Tăng cường năng lực giao thông trong mùa mưa bão ở Giao Thuỷ

09:07, 14/07/2010

Thi công dự án nâng cấp đường 21, đoạn Nam Định - Thịnh Long.   Ảnh: Đức Hoa
Thi công dự án nâng cấp đường 21, đoạn Nam Định - Thịnh Long.
Ảnh: Đức Hoa
Hơn chục năm trước, giao thông đường bộ ở Giao Thuỷ phát triển mạnh với phương thức đầu tư đổi đất lấy hạ tầng. Song sau thời gian dài khai thác, hoạt động vận tải tăng mạnh cả về tải trọng và số lượng phương tiện cơ giới, trong khi nguồn kinh phí duy tu bảo dưỡng cầu, đường hàng năm hạn chế nên hầu hết các tuyến đường đều xuống cấp. Mặt khác, ở địa bàn có nhiều sông nên số lượng cầu, cống qua đường nhiều, xây dựng từ lâu với các tiêu chuẩn kỹ thuật cũ, hầu hết nhỏ hẹp. Trong khi đó để xây dựng cầu cống kinh phí đòi hỏi lớn nên nhiều tuyến đường đầu tư cải tạo, mở rộng, song cầu chưa được xây dựng lại, tạo thành những "nút thắt" vừa không an toàn khi lưu thông, lại không phát huy hiệu quả đầu tư toàn tuyến. Có thể kể đến nhiều đoạn, tuyến kể cả đường tỉnh, đường huyện và các trục đường liên xã hư hỏng, xuống cấp. Trên tuyến đường tỉnh 489 đoạn từ km18 đến km27 (thị trấn Ngô Đồng đến cầu chân đê Giao An) mặt đường 3,5m, nền đường 6,5m, mặt đường rất xấu, nhiều ổ gà, hành lang giao thông chưa đạt chỉ giới. Trên đoạn từ đê Giao An đến nhà Môi trường dài 8,8km có hai cầu mặt cắt hẹp, chỉ 2,5m, nhỏ hơn mặt đường 1m. Trong hệ thống đường huyện có hai tuyến "huyết mạch" phục vụ phòng chống bão lũ cũng đã xuống cấp. Đoạn từ cầu chợ Bể đến cầu Tiền Lang trên trục đường Tiến Hải dài 7,1km, do thời gian qua phương tiện lớn phục vụ vận chuyển vật tư xây đê kè biển nên mặt đường đã hư hỏng nặng. Cầu chợ Giao Hải vốn được xây dựng từ lâu, xây cuốn gạch, cầu hẹp, mới đây do xe chở vật tư hộ đê hoạt động nhiều đã sập 1/3 cầu. Tuy đã được Phòng Công Thương huyện tiến hành khắc phục ngay nhưng chỉ phục vụ tạm thời cho xe máy và ô tô con. Như vậy chỉ có xe kiểm tra bão lũ có thể đi, còn khi xảy ra bão lụt, sự cố, xe chở vật tư buộc phải đi vòng theo đường Giao Xuân xa thêm 3km. Toàn tuyến đường Bình Xuân vốn là đường xây dựng theo phương thức xã hội hoá trước đây bằng nguồn vốn huy động nhân dân đóng góp đến nay, cũng đã hư hỏng nặng, địa phương và nhân dân không có khả năng sửa chữa. Hay tuyến đường xã Bình Hoà cũng cần được đầu tư nâng cấp sớm. Trong tổng số 949,3km đường xã, liên xã trên địa bàn huyện, với 370 cầu, 171 cống bản, qua rà soát có tới 96 cầu yếu (trong đó có 10 cầu trên tuyến đường Bình Xuân), 35% mặt đường xuống cấp nặng cần được sửa chữa, cải tạo sớm, như trục đường An Thiện (Giao An - Giao Thiện), Thanh Hương (Giao Thanh - Giao Hương).

Để đáp ứng nhu cầu đi lại, từng bước cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tăng năng lực giao thông cho huyện, đến nay, một số đoạn, tuyến, trục đường quan trọng trên địa bàn đã được tỉnh, huyện đầu tư cải tạo nâng cấp như đoạn từ km27 đến km35 (từ đê Giao An đến nhà Môi trường) trên tỉnh lộ 489 dài 8,8km đang được thi công nâng cấp. Tỉnh lộ 482 (đường 56 cũ) đoạn từ cầu Hà Lạn đến cống Cồn Nhất dài 14,83km đạt tiêu chuẩn đường cấp 4 đồng bằng, có 3 đoạn đã được cải tạo mở rộng đủ 6m mặt đường; trong đó đoạn từ cầu Diêm đến cống Cồn Nhất; đoạn cầu Xuất Khẩu đến cống Cồn Nhất đã bảo đảm mặt đường theo tiêu chuẩn đường thị trấn rộng 10,5m. Trong dự án đường 489 giai đoạn 2, có 3 cầu và 1 cống bản trên tuyến được đầu tư, trong đó cầu chợ Bể mới xây dựng xong theo tiêu chuẩn đường mới, mặt cầu rộng 11m. Cầu Xuất Khẩu (cầu Nam Điền B) đang được thi công với quy mô mặt cầu 14m, trong đó làn xe cơ giới 10m có hai làn xe thô sơ, mỗi bên rộng 2m. Trên các trục đường huyện, đoạn từ dốc Hoành Nha đến cầu chợ Bể đã được đầu tư nâng cấp. Đến nay, huyện cũng đã hoàn thành kế hoạch duy tu sửa chữa cầu đường 6 tháng đầu năm, phục vụ người dân đi lại, chủ động sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phòng chống lụt bão. Trên cơ sở kế hoạch PCLB và TKCN của huyện và Sở GTVT, Phòng Công Thương huyện đã xây dựng kế hoạch đảm bảo giao thông, huy động phương tiện, vật tư, phân luồng giao thông trong mùa mưa bão năm nay. Đối với các tuyến đường tỉnh như đường 489, đường 486B, đường 51B giao cho các cung giao thông tăng cường tuần đường thường xuyên kiểm tra, duy tu bảo dưỡng; phát hiện kịp thời các đoạn đường, cầu hỏng để báo cáo, lập kế hoạch tổ chức tu sửa xong trước mùa mưa bão. Các xã có tuyến đường huyện, trục liên xã (kể cả đường thuỷ và đường bộ) đi qua chịu trách nhiệm theo án phận, giải toả vi phạm hành lang, bảo đảm đường thông, hè thoáng, dòng chảy lưu thông. Cán bộ kỹ thuật Phòng Công Thương phối hợp chặt chẽ với cán bộ giao thông thuỷ lợi các xã, thị trấn kiểm tra, phát hiện ngay các đoạn đường hỏng, để lập kế hoạch sửa chữa ngay, đặc biệt chú trọng các tuyến đường ra đê biển. Ban Chỉ huy PCLB huyện giao cho Cty cổ phần xây dựng Hoành Sơn chuẩn bị đá, cọc tre dự trữ tại bãi vật liệu của Cty, chuẩn bị ba-ri-e, biển báo giao thông sẵn sàng phân luồng, hướng dẫn giao thông khi có sự cố lũ gây hư hỏng đường, cầu cống; giao cho các đơn vị, doanh nghiệp vận tải, các xã chuẩn bị 30 xe khách, 35 xe vận tải nhỏ sẵn sàng chở người, vật tư ứng cứu sơ tán nhân dân khi có bão lũ nguy hiểm, sạt lở đường gây ách tắc, đứt đoạn giao thông.

Trước tình hình thiên tai ngày càng khắc nghiệt, diễn biến khó lường; mặt khác để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, khai thác tiềm năng của huyện biển Giao Thuỷ, đầu tư cho phát triển giao thông trên địa bàn huyện là một yêu cầu cấp bách. Trước mắt, cần sớm đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới các đoạn tuyến đường, cầu đã xuống cấp, hư hỏng, lạc hậu đẩy mạnh thực hiện quy hoạch phát triển giao thông của huyện giai đoạn 2010-2020 đã được phê duyệt./.

Vân Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com