|
Ảnh minh hoạ. |
Bước vào mùa mưa bão năm nay, công tác thi công một số tuyến đường huyết mạch trên địa bàn huyện Hải Hậu như quốc lộ 21, đường An Đông đã cơ bản hoàn thành cải tạo nâng cấp, mặt đường đã thảm nhựa, mở rộng thuận lợi cho phương tiện đi lại ứng cứu cho các xã vùng ven biển, ven sông. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện vẫn còn một số cầu yếu chưa được cải tạo, thay thế kịp thời đang là nỗi phấp phỏng của huyện và ngành Giao thông. Trên tuyến tỉnh lộ 486B, các cầu Tùng Lâm, chợ Quán (Hải Hà), cầu 12, cầu xã Hải Phúc, cầu chợ Đền đều đã xây dựng cách đây vài chục năm; trong đó cầu Tùng Lâm, cầu chợ Quán đã xuống cấp nghiêm trọng, mố cầu, mặt cầu đều hỏng nặng. Xe tải 5-6 tấn đi qua cầu đã rung mạnh. Mặc dù đã có dự án đầu tư nâng cấp song đến nay mới đang ở các bước khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật. Như vậy, trong mùa mưa bão năm nay các cầu này vẫn nằm trong "top" nỗi lo nơm nớp khi có bão lớn xảy ra. Hiện tại huyện đã cắm biển hạn chế tải trọng, chỉ cho các xe tải dưới 5 tấn lưu thông qua cầu, gia cố mố và sửa chữa khắc phục tạm các hư hỏng mặt cầu. Ngoài ra, địa phương và ngành Giao thông xây dựng phương án cụ thể về bảo đảm giao thông, phân luồng, ứng cứu khi cầu có sự cố. Cầu Trần Phú bắc qua sông Hải Hậu nằm trên tỉnh lộ 488C, dài 54m, đã xuống cấp nghiêm trọng từ nhiều năm, phải hạn chế tải trọng từ lâu. Cầu đã có dự án đầu tư cải tạo từ năm 2004 nhưng do khó khăn kinh phí nên đến nay vẫn chưa thể triển khai. Cầu Thượng Trại xã Hải Phúc xe tải đi qua cũng đã lắc lư, mặc dù đã được gia cố mố cầu, sửa mái nhưng khả năng phục vụ lưu thông cũng bị hạn chế. Không chỉ cầu yếu mà nhiều tuyến đường trên địa bàn cũng do khai thác lâu, trong khi kinh phí đầu tư cho sửa chữa, duy tu bảo dưỡng hàng năm hạn hẹp nên đường xuống cấp, hư hỏng nặng, trong khi hoạt động vận tải gia tăng nhanh cả về mật độ và tải trọng càng khiến tốc độ xuống cấp của đường nhanh hơn. Tỉnh lộ 486 đoạn qua xã Hải Giang đường đã quá yếu, một bên là ruộng, một bên là sông, mái ta-luy bị sạt. Mặc dù huyện đã tiến hành sửa chữa mặt đường, kè mái song khi có bão to, mưa lớn kéo dài, nguy cơ hỏng đường rất lớn. Hay như đoạn tỉnh lộ 488 qua xã Hải Phong dài khoảng 120m cũng có đặc điểm một bên là sông, một bên ruộng là đoạn yếu nhất, mái ta-luy bị sạt. Mặt khác đây lại là tuyến đường được sử dụng vận chuyển vật tư phục vụ các công trường thi công trên địa bàn nên hư hỏng khá nặng. Mặc dù ngành Giao thông - Vận tải đã có phương án, kế hoạch sửa chữa, khắc phục; Phòng Công Thương huyện đã chăng dây, cắm biển báo tại vị trí này, nhưng huyện vẫn "canh cánh" nỗi lo sự cố đường hỏng khi có bão, mưa lớn - nhất là khi hàng ngày xe chở vật liệu nặng vẫn đang phải hoạt động mạnh trên tuyến này.
Trước thực trạng trên, căn cứ phương án PCBL và tìm kiếm cứu nạn của huyện, của Sở GTVT, Phòng Công Thương huyện đã phân công cán bộ phụ trách tuyến đường, địa bàn được giao nhiệm vụ thường xuyên phối hợp với các ngành, địa phương liên quan kiểm tra thực tế, xây dựng kế hoạch phương án duy tu, sửa chữa đường yếu, cầu yếu; đôn đốc các đơn vị thi công hoàn thành công trình trước mùa mưa bão bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn lưới điện. Ngay khi có tin bão khẩn cấp, các cá nhân phải có mặt tại các địa điểm được phân công, nắm vững tình huống, diễn biến liên quan đến cầu đường; phát hiện và báo cáo kịp thời để có phương án xử lý, khắc phục ngay khi có sự cố trở ngại ách tắc giao thông. Tập trung cho các trọng điểm đường yếu, cầu yếu và các tuyến đường phục vụ phòng chống bão lũ tuyến đê biển. Huyện huy động 39 ô tô khách của các doanh nghiệp vận tải và 105 xe tải 5-10 tấn (mỗi xã, thị trấn 3 xe) để phục vụ công tác sơ tán dân, ứng cứu khi có sự cố, tình huống cụ thể. Các cán bộ được phân công phụ trách tuyến, địa bàn vừa tham gia giải toả ách tắc, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn trước, trong và sau bão./.
Vân Anh