Quy định mới về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại; mang thai hộ vì mục đích thương mại bị phạt từ 5-10 triệu đồng; giáo viên được nghỉ hè 8 tuần; quy định mới về mức hỗ trợ khám, chữa bệnh nghề nghiệp... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 9-2020.
Quy định mới về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại
Nghị định số 80/2020/NĐ-CP ban hành ngày 8-7-2020 của Chính phủ về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam có hiệu lực từ ngày 17-9-2020.
Theo Nghị định, việc quản lý và sử dụng viện trợ phải đảm bảo các nguyên tắc: Các khoản viện trợ chỉ được tiếp nhận, thực hiện, sử dụng khi đã được cấp có thẩm quyền của Việt Nam phê duyệt. Nguồn tiền viện trợ phải là nguồn tiền, tài sản hợp pháp; không tiếp nhận những hàng hóa (kể cả vật tư, thiết bị) thuộc danh mục các mặt hàng cấm nhập khẩu theo quy định của pháp luật; cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm toàn diện trong quản lý và sử dụng hiệu quả khoản viện trợ.
Nghị định cấm các hành vi: Sử dụng viện trợ để phục vụ mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, trốn thuế, xâm hại đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xâm hại đạo đức xã hội, thuần phong, mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc...
Sửa đổi, bổ sung một số quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Có hiệu lực từ ngày 1-9-2020, Nghị định số 81/2020/NĐ-CP ban hành ngày 9-7-2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 4-12-2018 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp; trong đó sửa đổi khoản 8 Điều 6 về giao dịch trái phiếu.
Cụ thể, trái phiếu doanh nghiệp phát hành tại thị trường trong nước bị hạn chế giao dịch trong phạm vi dưới 100 nhà đầu tư không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, trong vòng một năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành trừ trường hợp theo quyết định của Tòa án hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật. Sau thời gian nêu trên, trái phiếu doanh nghiệp được giao dịch không hạn chế về số lượng nhà đầu tư, trừ trường hợp doanh nghiệp phát hành có quyết định khác. Trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra thị trường quốc tế thực hiện theo quy định về giao dịch tại thị trường phát hành.
Mang thai hộ vì mục đích thương mại bị phạt từ 5-10 triệu đồng
Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ban hành ngày 15-7-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã có hiệu lực từ ngày 1-9-2020.
Trong đó, hành vi thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, sinh sản vô tính, mang thai hộ vì mục đích thương mại sẽ bị phạt từ 5-10 triệu đồng.
Theo Nghị định, đối với hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn, phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn; phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án.
Giáo viên được nghỉ hè 8 tuần
Nghị định số 84/2020/NĐ-CP ban hành ngày 17-7-2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục có hiệu lực từ ngày 1-9-2020.
Theo đó, thời gian nghỉ hè hàng năm của giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt là 8 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hàng năm.
Thời gian nghỉ hè hàng năm của giáo viên trường trung cấp và giảng viên trường cao đẳng là 6 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hàng năm. Còn đối với giảng viên cơ sở giáo dục đại học thì thời gian nghỉ hè thực hiện theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.
Giới hạn tuổi tàu biển được đăng ký tại Việt Nam
Có hiệu lực từ ngày 15-9-2020, Nghị định số 86/2020/NĐ-CP ban hành ngày 23-7-2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 171/2016/NĐ-CP ngày 27-12-2016 của Chính phủ về đăng ký, xóa đăng ký và mua, bán, đóng mới tàu biển.
Trong đó, Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 4 Điều 7 về giới hạn tuổi tàu biển được đăng ký tại Việt Nam. Cụ thể, tuổi của tàu biển, tàu ngầm, tàu lặn, kho chứa nổi, giàn di động mang cờ quốc tịch nước ngoài đã qua sử dụng khi đăng ký tại Việt Nam được thực hiện theo quy định sau:
a- Tàu khách, tàu ngầm, tàu lặn: không quá 10 năm.
b- Các loại tàu biển khác, kho chứa nổi, giàn di động: không quá 15 năm.
c- Trường hợp đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quyết định nhưng không quá 20 năm và chỉ áp dụng đối với các loại tàu chở hóa chất, chở khí hóa lỏng, chở dầu hoặc kho chứa nổi.
Quy định mới về mức hỗ trợ khám, chữa bệnh nghề nghiệp
Có hiệu lực từ ngày 15-9-2020, Nghị định 88/2020/NĐ-CP ban hành ngày 28-7-2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc, trong đó quy định hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp.
Cụ thể, người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí để khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 56 Luật An toàn, vệ sinh lao động khi người lao động có đủ các điều kiện sau đây:
1- Có thời gian đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đủ từ 12 tháng trở lên và đang tham gia tính đến tháng liền kề trước tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
2- Đã được phát hiện bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Về mức hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp, mức hỗ trợ bằng 50% chi phí khám bệnh nghề nghiệp tính theo biểu giá khám bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành tại thời điểm người lao động khám bệnh nghề nghiệp sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng không quá 800 nghìn đồng/người/lần khám.
Số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là 2 lần và trong 1 năm chỉ được nhận hỗ trợ 1 lần./.
Theo chinhphu.vn