Những quy định mới về kinh doanh xuất khẩu gạo; bổ sung trường hợp tinh giản biên chế; phạt 1 triệu đồng nếu dùng tay trần bán thức ăn; chuẩn giáo viên phổ thông mới… là những chính sách có hiệu lực từ tháng 10-2018.
Phải thông báo với UBND cấp tỉnh các điểm mua thóc, gạo
Nghị định 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo sẽ có hiệu lực từ ngày 1-10-2018.
Theo Nghị định này, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải đáp ứng các điều kiện như: Có ít nhất 1 kho chuyên dùng để chứa thóc, gạo; có ít nhất 1 cơ sở xay, xát hoặc cơ sở chế biến thóc, gạo; kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo có thể thuộc sở hữu của thương nhân hoặc do thương nhân thuê, có hợp đồng thuê tối thiểu 5 năm.
Nghị định cũng quy định, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% số lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó.
Bên cạnh đó, thương nhân này phải có trách nhiệm thông báo với UBND cấp tỉnh các điểm mua thóc, gạo và công bố các điểm mua, niêm yết giá mua theo chất lượng, chủng loại thóc, gạo hàng hóa và mùa vụ thu hoạch để người nông dân biết và trực tiếp giao dịch.
Bổ sung trường hợp tinh giản biên chế
Thông tin quan trọng này được thể hiện tại Nghị định 113/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 108/2014 về chính sách tinh giản biên chế.
Nghị định này bổ sung thêm một số trường hợp bị tinh giản biên chế gồm:
- Cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo thôi giữ chức vụ do sắp xếp tổ chức bộ máy, tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.
- Những người đã là cán bộ, công chức, viên chức được cơ quan có thẩm quyền điều động sang công tác tại các hội được giao biên chế và ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí để trả lương…
Đáng chú ý, Nghị định cũng quy định: Khi thực hiện tinh giản biên chế không đúng đối tượng, người đã hưởng chính sách tinh giản biên chế phải hoàn trả số tiền đã thực nhận. Nếu người đó đã mất thì số kinh phí này sẽ do cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp người đó sử dụng kinh phí thường xuyên để thanh toán, ngân sách Nhà nước không bổ sung kinh phí.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15-10-2018.
Phạt 1 triệu đồng nếu dùng tay trần bán thức ăn
Từ ngày 20-10-2018, các quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm sẽ được áp dụng theo Nghị định 115/2018 của Chính phủ.
Trong đó, Nghị định quy định:
- Phạt 500 nghìn đồng - 1 triệu đồng với người bán thức ăn đường phố không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, ăn ngay (trước đây chỉ phạt từ 300-500 nghìn đồng)…
- Phạt 1-3 triệu đồng đối với cửa hàng ăn uống, nhà hàng ăn uống của khách sạn sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang; không cắt ngắn móng tay…
- Phạt 5-10 triệu đồng với hành vi quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”…
Ban hành Chuẩn giáo viên phổ thông mới
Thông tư 20/2018 của Bộ GD và ĐT ban hành Quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông sẽ có hiệu lực từ ngày 10-10-2018.
Theo đó, chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông gồm 5 tiêu chuẩn, cụ thể: Phẩm chất nhà giáo; Phát triển chuyên môn, nghiệp vụ; Xây dựng môi trường giáo dục; Phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội; Sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc, ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục.
Giáo viên tự đánh giá theo chu kỳ một năm một lần vào cuối năm; Người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức đánh giá giáo viên theo chu kỳ hai năm một lần vào cuối năm học.
Chỉ được tổ chức lễ kỷ niệm vào năm tròn
Nhằm siết chặt các hoạt động tổ chức ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các bộ, ngành, địa phương, tránh phô trương, lãng phí, Chính phủ đã ban hành Nghị định 111, có hiệu lực từ ngày 15-10-2018.
Tại Nghị định này, Chính phủ nhấn mạnh:
- Chỉ được tổ chức lễ kỷ niệm vào năm tròn (năm có chữ số cuối cùng là số 0). Vào các năm khác thì chỉ tổ chức tuyên truyền, thi đua, hội thảo, tọa đàm…
- Không được tặng quà và tổ chức chiêu đãi trong các hoạt động kỷ niệm;
- Chỉ được tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống khi có văn bản thành lập hoặc quyết định công nhận của cơ quan có thẩm quyền…
Không có tài sản đảm bảo, nông dân vẫn được vay đến 200 triệu đồng
Nghị định 116/2018 của Chính phủ sửa đổi Nghị định 55/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn sẽ có hiệu lực từ ngày 25-10-2018.
Điểm đáng chú ý của Nghị định này là tăng mức cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình có hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể như sau:
- Cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn được vay ngân hàng không cần có tài sản đảm bảo tối đa 200 triệu đồng (trước đây là 100 triệu đồng);
- Cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có hoạt động sản xuất, kinh doanh về nông nghiệp được vay ngân hàng không cần có tài sản đảm bảo tối đa 100 triệu đồng (trước đây là 50 triệu đồng)…
PV