Ngày 11-9-2018, UBND tỉnh đã có Công văn số 682/UBND-VP3 chỉ đạo Sở NN và PTNT; UBND các huyện, thành phố, thủ trưởng các sở, ngành liên quan khẩn trương triển khai các biện pháp tăng cường ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi và phòng, chống cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh. Công văn nêu rõ:
Theo thông tin của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) tại Trung Quốc từ đầu tháng 8-2018 đến nay đã xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đến ngày 25-8-2018 đã xảy ra 4 ổ dịch với tổng số lợn buộc phải tiêu hủy gần 10 nghìn con. Tại Việt Nam và tỉnh ta hiện chưa ghi nhận xuất hiện dịch bệnh tả lợn châu Phi. Tuy nhiên nguy cơ xâm nhiễm bệnh thông qua việc buôn bán, vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn nhập khẩu qua biên giới với Trung Quốc sau đó vận chuyển vào các tỉnh nội địa là rất cao. Đặc biệt, ngày 14-8-2018, trên địa bàn tỉnh Nam Định đã phát sinh ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6. Thực hiện Công điện số 6741/CĐ-BNN-TY ngày 30-8-2018 của Bộ NN và PTNT về việc chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; thủ trưởng các sở, ngành liên quan khẩn trương tổ chức tuyên truyền sâu rộng tới toàn thể nhân dân về nguy cơ, tác hại của dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhất là dịch cúm gia cầm, bệnh dịch tả lợn châu Phi và các biện pháp phòng, chống dịch. Tăng cường tuyên truyền để người dân không tham gia các hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn, gia cầm và sản phẩm của chúng nhập lậu, nhất là từ Trung Quốc vào địa bàn tỉnh để tiêu thụ. Tăng cường theo dõi, giám sát đàn lợn, gia cầm tại địa phương, nếu phát hiện gia súc, gia cầm có triệu chứng, bệnh tích điển hình của bệnh cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi hoặc nghi nhập lậu trái phép thì phải thông báo cho cơ quan thú y để lấy mẫu xét nghiệm, xác định tác nhân gây bệnh. Đồng thời, triển khai đồng bộ, có hiệu quả công tác phòng, chống dịch, không để dịch lây lan. Các sở, ngành: Công thương, GTVT, Công an phối với ngành Nông nghiệp tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Nghiêm cấm việc vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn và gia cầm bất hợp pháp, không rõ nguồn gốc. Phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm vụ thu năm 2018 đảm bảo đúng kế hoạch tỉnh giao. Yêu cầu các hộ chăn nuôi gia cầm chủ động mua vắc-xin cúm để tiêm phòng theo hướng dẫn của Sở NN và PTNT. Hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; gia cố chuồng nuôi đảm bảo thông thoáng, chắc chắn, chống dột, chống mưa tạt, gió lùa. Rắc vôi bột ở lối đi và xung quanh khu vực chăn nuôi, định kỳ phun thuốc sát trùng 1-2 lần/tuần; tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng đàn vật nuôi, bổ sung các loại vitamin, khoáng chất vào khẩu phần ăn của vật nuôi. Các sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực được phân công. Sở NN và PTNT tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện công tác báo cáo dịch bệnh bao gồm báo cáo đột xuất, báo cáo định kỳ, giám sát các loại dịch bệnh động vật theo Công văn số 6785/BNN-TY ngày 30-8-2018 của Bộ NN và PTNT./.