Quy định mới về tỷ lệ bắt buộc sử dụng vật liệu xây không nung
Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 13/2017/TT-BXD về sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng, có hiệu lực từ ngày 1-2.
Theo đó, các công trình xây dựng sử dụng ngân sách Nhà nước thì tỷ lệ bắt buộc sử dụng vật liệu không nung được quy định như sau:
Với các tỉnh đồng bằng Trung du Bắc Bộ và Đông Nam Bộ, tối thiểu 90% tại các khu đô thị từ loại 3 trở lên; tối thiểu 70% tại các khu vực còn lại.
Với các tỉnh còn lại, tối thiểu 70% tại các khu đô thị từ loại 3 trở lên; tối thiểu 50% tại các khu vực còn lại.
Các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn phải sử dụng tối thiểu 80% (tăng 30% so với quy định hiện hành).
Riêng Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vẫn áp dụng tỷ lệ 100%.
Chữ ký số cho văn bản điện tử trong cơ quan Nhà nước
Có hiệu lực từ 5-2-2018, Thông tư 41/2017/TT-BTTTT của Bộ TT và TT quy định sử dụng chữ ký số cho văn bản điện tử trong cơ quan Nhà nước quy định, việc ký số được thực hiện thông qua phần mềm ký số và được thông báo thành công hoặc không thành công khi ký trên văn bản điện tử.
Trường hợp quy định người có thẩm quyền ký số trên văn bản điện tử, thông qua phần mềm ký số thì người có thẩm quyền sử dụng khóa bí mật cá nhân để thực hiện việc ký số vào văn bản điện tử.
Trường hợp cơ quan, tổ chức ký số trên văn bản điện tử thông qua phần mềm ký số thì văn thư được giao sử dụng khóa bí mật con dấu của cơ quan, tổ chức để thực hiện việc ký số vào văn bản điện tử.
Thông tư 41 được áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, bao gồm các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp, các đơn vị sự nghiệp sử dụng ngân sách Nhà nước và tổ chức, cá nhân liên quan sử dụng chữ ký số cho văn bản điện tử của cơ quan Nhà nước. Bộ TT và TT cũng khuyến khích các cơ quan, tổ chức khác áp dụng.
Trường hợp cần thiết trưng cầu giám định trong vụ án tham nhũng, kinh tế
Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP quy định những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định tư pháp trong giải quyết vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế có hiệu lực từ 1-2-2018.
Theo đó, Thông tư quy định ngoài những trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định theo quy định tại Điều 206 của Bộ luật Tố tụng hình sự thì những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định theo Thông tư liên tịch này chỉ được thực hiện khi chưa có đủ chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội, tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.
Những trường hợp cụ thể cần thiết trưng cầu giám định gồm: Khi cần xác định chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ của tài sản, hàng hóa, hàng giả, hàng thật, hàng cấm; Truy nguyên về tài liệu, đồ vật, chữ ký, chữ viết, con dấu, dấu vết, dữ liệu điện tử; Khi cần xác định tính chính xác của các dụng cụ cân, đo, đong, đếm và các máy móc, thiết bị khác.
Ngoài ra, cũng có thể trưng cầu giám định khi: Cần xác định hành vi vi phạm trong lĩnh vực đầu tư; Gặp khó khăn khi xác định mức độ thiệt hại do hành vi vi phạm trong lĩnh vực đầu tư gây ra; Xác định hành vi vi phạm về thuế, tài chính, kế toán, bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán, đất đai, tài nguyên, nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ lợi và các lĩnh vực khác xét thấy cần thiết phải thực hiện giám định.
Các khoản chi không được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp
Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định 146/2017/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 100/2016/NĐ-CP và Nghị định 12/2015/NĐ-CP của Chính phủ, có hiệu lực từ 1-2-2018.
Theo đó, các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp là: Phần chi vượt mức 3 triệu đồng/tháng/người (quy định hiện hành là 1 triệu đồng) để trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ cho người lao động; Phần vượt mức quy định về BHYT, BHXH để trích nộp các quỹ có tính chất an sinh xã hội, quỹ BHYT và và quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động./.
PV