Giảng viên ngành Y phải có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh
Thông tư 22/2017/TT-BGDĐT của Bộ GD và ĐT quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo và đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học có hiệu lực từ ngày 23-10.
Thông tư quy định ngành đăng ký đào tạo phải phù hợp với nhu cầu của xã hội và người học; phù hợp với yêu cầu nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng miền và cả nước; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ sở đào tạo.
Đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu cơ hữu bảo đảm về số lượng, chất lượng, trình độ và cơ cấu để tổ chức đào tạo trình độ đại học ngành đăng ký...; trong đó có ít nhất 1 tiến sĩ cùng ngành chịu trách nhiệm chủ trì, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo và cam kết đảm bảo chất lượng đào tạo trước cơ sở đào tạo và xã hội.
Trong đó, đối với một số ngành thuộc nhóm ngành sức khỏe, giảng viên và người hướng dẫn thực hành các môn học, học phần liên quan đến khám, chữa bệnh phải có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, đã hoặc đang làm việc trực tiếp tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện là cơ sở thực hành trong đào tạo nhóm ngành sức khoẻ theo quy định.
Cá nhân nhận Bằng khen của Thủ tướng được thưởng 3,5 lần lương cơ sở
Nghị định 91/2017/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng có hiệu lực từ ngày 1-10-2017.
Theo nghị định này, có một số thay đổi về mức tiền thưởng đối với một số danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng dành cho tập thể, cá nhân so với quy định hiện hành (Nghị định 42/2010/NĐ-CP).
Cụ thể: Khen thưởng “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” cho cá nhân được tặng Bằng và thưởng 3,5 lần mức lương cơ sở (hiện nay là 1,5 lần); Danh hiệu “Cờ thi đua của Chính phủ” đối với tập thể được tặng cờ và thưởng 12,0 lần mức lương cơ sở (hiện nay là 24,5 lần).
Với danh hiệu Cờ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương được tặng cờ và thưởng 8,0 lần mức lương cơ sở (hiện nay là 15,5 lần).
Nghị định này cũng quy định: Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” được tặng Bằng, Huy hiệu và được thưởng 4,5 lần mức lương cơ sở; Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương được tặng Bằng chứng nhận, huy hiệu và được thưởng 3,0 lần mức lương cơ sở; Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” được tặng Bằng chứng nhận và được thưởng 1,0 lần mức lương cơ sở.
Cá nhân được phong tặng danh hiệu: “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”, “Thầy thuốc nhân dân”, “Thầy thuốc ưu tú”, “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”, “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” được tặng thưởng Huy hiệu, Bằng khen và mức tiền thưởng đối với danh hiệu “nhân dân” là: 12,5 lần mức lương cơ sở; danh hiệu “ưu tú” là 9,0 lần mức lương cơ sở.
Công bố các loại hàng hóa, dịch vụ độc quyền Nhà nước
Từ ngày 1-10-2017, Nghị định 94/2017/NĐ-CP về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền Nhà nước trong hoạt động thương mại chính thức có hiệu lực.
Theo nghị định, chỉ thực hiện độc quyền Nhà nước trong hoạt động thương mại đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu mà Nhà nước cần phải độc quyền liên quan đến quốc phòng, an ninh, đảm bảo lợi ích quốc gia hoặc các thành phần kinh tế khác không có nhu cầu và khả năng tham gia.
Tại nghị định đã công bố danh mục hàng hóa, dịch vụ Nhà nước độc quyền hoạt động thương mại gồm: Hàng hóa, dịch vụ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh; Sản xuất vàng miếng; Phát hành xổ số kiến thiết; Nhập khẩu thuốc lá điếu, xì gà (trừ trường hợp nhập khẩu để kinh doanh bán hàng miễn thuế); In, đúc tiền; Phát hành tem bưu chính Việt Nam; Truyền tải, điều độ hệ thống điện quốc gia...
PV