Một số chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 8

07:08, 02/08/2017

Chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông

Có hiệu lực từ 1-8, Thông tư 15/2017 của Bộ GD và ĐT ban hành sửa đổi quy định chế độ làm việc đối với giáo viên (GV) phổ thông. Theo đó, thời gian nghỉ hè hằng năm của GV là 2 tháng (bao gồm cả nghỉ hằng năm theo quy định của Bộ luật Lao động), được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có). 

Trước đây, thông tư 28 quy định: “Thời gian nghỉ hè của GV thay cho nghỉ phép hằng năm là 2 tháng, được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có)”.

Như vậy, quy định mới làm rõ thêm rằng khoảng thời gian 2 tháng này đã bao gồm thời gian nghỉ phép hằng năm, nhằm phù hợp với quy định tại Bộ luật Lao động 2012, đồng thời bảo đảm chính sách đặc thù đối với GV.

Thông tư 15 còn bổ sung quy định về thời gian làm việc của GV dự bị đại học là 42 tuần (tương tự GV tiểu học, GV THCS và THPT). Trong đó: 28 tuần dành cho giảng dạy và hoạt động giáo dục theo kế hoạch năm học; 12 tuần dành cho học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, xây dựng tài liệu, nghiên cứu khoa học và một số hoạt động khác theo kế hoạch năm học; một tuần chuẩn bị năm học mới; một tuần tổng kết năm học.

Nâng hạn mức bảo hiểm tiền gửi lên 75 triệu đồng

Từ ngày 5-8, Quyết định 21 của Thủ tướng ban hành quy định về hạn mức trả tiền bảo hiểm có hiệu lực.

Số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, được điều chỉnh tăng lên 75 triệu đồng. Hạn mức chi trả này đã bao gồm cả gốc và lãi.

Như vậy, nếu tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi hoặc phá sản, người gửi tiền sẽ nhận được số tiền bảo hiểm tối đa là 75 triệu đồng.

Mức bảo hiểm tiền gửi áp dụng từ tháng 8 sẽ tăng 50% so với quy định hiện hành. Trước đó, hạn mức trả bảo hiểm tiền gửi áp dụng từ năm 1999 là 30 triệu đồng và tăng lên 50 triệu đồng từ năm 2005.

Ngành Điện được quyền tăng - giảm giá điện

Quyết định số 24 của Thủ tướng quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân có hiệu lực từ ngày 15-8 nêu rõ: Khi các thông số đầu vào biến động làm giá bán điện bình quân giảm so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được điều chỉnh giảm.

Ngược lại, khi các thông số đầu vào biến động làm giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, thì giá điện được phép điều chỉnh tăng.

Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất. Tập đoàn Điện lực Việt Nam được điều chỉnh tăng hoặc giảm giá bán điện bình quân trong phạm vi khung giá do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Trường hợp giá bán điện bình quân tính toán cao hơn giá bán điện bình quân hiện hành từ 10% trở lên hoặc ngoài khung giá, hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát và báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến mức điều chỉnh giá bán điện bình quân.

Trường hợp cần thiết, Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Thủ tướng. Việc điều chỉnh giá bán điện bình quân phải thực hiện công khai, minh bạch.

Tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội thêm 7,44%

Nghị định số 76 của Chính phủ về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng, có hiệu lực thi hành từ ngày 15-8.

Theo đó, từ ngày 1-7, tăng thêm 7,44% trên mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng của tháng 6-2017 đối với: Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng; cán bộ cấp xã đang hưởng lương hưu và trợ cấp hằng tháng...

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com