Lưu chiểu điện tử báo nói, báo hình, báo điện tử

08:02, 10/02/2017

* Từ tháng 2-2017, Thẻ nhà báo sẽ được xét cấp hai đợt mỗi năm

Chính phủ vừa ban hành nghị định quy định về lưu chiểu điện tử đối với loại hình báo nói, báo hình và báo điện tử độc lập với cơ quan báo chí.

Theo quy định, Bộ TT và TT là cơ quan thực hiện lưu chiểu điện tử đối với loại hình báo nói, báo hình và báo điện tử.

Về hoạt động lưu chiểu điện tử, nghị định quy định cơ quan thực hiện lưu chiểu điện tử có văn bản thông báo cho cơ quan báo nói, báo hình, báo điện tử để kết nối theo quy định. Trong văn bản thông báo phải nêu phương án kết nối, truyền dẫn tín hiệu phát sóng (đối với báo nói, báo hình), phương án kết nối và truy xuất các tác phẩm báo chí đăng tải trên trang báo điện tử (đối với báo điện tử) về hệ thống lưu chiểu điện tử của cơ quan thực hiện lưu chiểu; thời gian, địa điểm thực hiện việc kết nối.

Sau khi kết nối, cơ quan thực hiện lưu chiểu điện tử kiểm tra, đảm bảo tác phẩm đã được lưu tại hệ thống và xác nhận với cơ quan báo chí sau 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tác phẩm báo chí.

Cơ quan thực hiện lưu chiểu điện tử tổ chức lưu giữ nguyên trạng nội dung tác phẩm báo chí trên hệ thống lưu chiểu; tổ chức phân loại nội dung để lưu giữ phục vụ công tác quản lý.

Nghị định quy định đối với báo nói, báo hình, thời gian lưu giữ nguyên trạng tối thiểu là 6 tháng kể từ ngày được phát sóng lần đầu. Đối với báo điện tử, thời gian lưu giữ nguyên trạng tối thiểu là 12 tháng kể từ ngày đăng tải lần đầu.

Các tác phẩm trong hệ thống lưu chiểu điện tử phải được bảo quản an toàn và lưu giữ nguyên trạng về nội dung thông tin. Cơ quan thực hiện lưu chiểu điện tử phải thường xuyên kiểm tra để đảm bảo an toàn, tính toàn vẹn, khả năng truy xuất và sử dụng các biện pháp kỹ thuật để việc phân loại, lưu giữ được thuận lợi nhưng không làm thay đổi nội dung của tác phẩm.

Tác phẩm báo chí lưu chiểu điện tử được sử dụng để phục vụ công tác quản lý Nhà nước về báo chí, gồm: Đánh giá, nhận xét về nội dung thông tin theo chuyên đề, sự kiện, cho các cuộc kiểm tra, thanh tra chuyên ngành thường xuyên và đột xuất theo yêu cầu.

Theo quy định mới, hằng năm, Bộ TT và TT xét cấp Thẻ nhà báo vào hai đợt. Thời điểm xét cấp thẻ là ngày 1-1 và 21-6. Kỳ hạn cấp thẻ nhà báo là 5 năm.

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý được đưa ra tại Thông tư số 49/2016/TT-BTTTT quy định chi tiết và hướng dẫn về hồ sơ, thủ tục cấp đổi, cấp lại và thu hồi thẻ mới được Bộ trưởng Trương Minh Tuấn ký ban hành, có hiệu lực từ 15-2-2017.

Quy định mới cũng nêu rõ, hồ sơ đề nghị cấp Thẻ nhà báo được khai theo mẫu, được người đứng đầu cơ quan đề nghị cấp thẻ ký duyệt, đóng dấu. Đối với trường hợp cấp thẻ lần đầu, cần có bản sao bằng đại học, cao đẳng (có chứng thực); bản sao quyết định tuyển dụng hoặc giấy tờ liên quan chứng minh thời gian công tác liên tục 2 năm trở lên…

Cơ quan đề nghị cấp Thẻ nhà báo gửi hồ sơ đề nghị cấp Thẻ nhà báo trước ngày 1-11 và ngày 21-4 hằng năm và trước 120 ngày tính đến thời điểm Thẻ nhà báo hết thời hạn sử dụng được quy định trên thẻ đến Cục Báo chí (đối với báo in, báo điện tử, cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí, hội nhà báo các cấp và giảng viên chuyên ngành về báo chí); Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (đối với phát thanh, truyền hình).

Ngoài ra, người được cấp Thẻ nhà báo khi chuyển sang đơn vị công tác khác mà vẫn thuộc đối tượng được cấp thẻ phải làm thủ tục chuyển đổi theo quy định. Trong thời gian 30 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý sẽ xét đổi thẻ. Người được đổi Thẻ nhà báo có trách nhiệm nộp lại Thẻ nhà báo đã được cấp tại cơ quan, đơn vị trước khi chuyển công tác để chuyển về cơ quan quản lý.

Đối với trường hợp được cấp thẻ nhưng đã mất hoặc làm hỏng, phải có đơn gửi Bộ TT và TT. Đơn đề nghị cấp lại phải có xác nhận của cơ quan công tác và giấy báo mất có xác nhận của công an thị trấn, xã, phường nơi mất thẻ về trường hợp mất thẻ; trường hợp thẻ bị hỏng phải gửi kèm theo thẻ cũ. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ TT và TT xét cấp lại Thẻ nhà báo.

Trong trường hợp bị thu hồi Thẻ nhà báo, trong thời hạn 15 ngày kể từ thời điểm có quyết định thu hồi, người đứng đầu cơ quan báo chí, thủ trưởng cơ quan, đơn vị của người bị thu hồi Thẻ nhà báo có trách nhiệm thu lại Thẻ nhà báo của người bị thu hồi Thẻ nhà báo nộp về cơ quan quản lý…

Thông tư 49/2016/TT-BTTTT được ban hành thay thế cho Thông tư 07/2007/TT-BVHTT năm 2007 của Bộ Văn hóa - Thông tin hướng dẫn cấp, đổi thu hồi Thẻ nhà báo. Trước đó, Thông tư 07 quy định mỗi năm một lần, cơ quan quản lý sẽ xét cấp bổ sung Thẻ nhà báo vào dịp Kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6./.

Theo chinhphu.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com