Theo Luật Căn cước công dân có hiệu lực từ 1-1-2016, tất cả công dân Việt Nam từ 14 tuổi trở lên sẽ được cấp thẻ căn cước 12 số. Đây là giấy tờ tùy thân, thể hiện thông tin cơ bản về lai lịch, nhận dạng của công dân Việt Nam, được sử dụng trong các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.
Thẻ căn cước công dân được sử dụng thay cho hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.
Thẻ căn cước công dân gồm 2 mặt. Mặt trước có hình Quốc huy nước CHXHCN Việt Nam; dòng chữ CHXHCN Việt Nam, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc; dòng chữ “Căn cước công dân”; ảnh, số thẻ căn cước công dân, họ, chữ đệm và tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quốc tịch, quê quán, nơi thường trú; ngày, tháng, năm hết hạn.
Mặt sau thẻ có bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa; vân tay, đặc điểm nhận dạng của người được cấp thẻ; ngày, tháng, năm cấp thẻ; họ, chữ đệm, tên, chức danh, chữ ký của người cấp thẻ và dấu có hình Quốc huy của cơ quan cấp thẻ.
Số thẻ căn cước công dân là số định danh cá nhân của từng người. Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ và được đổi khi đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.
Việc cấp thẻ căn cước công dân được thực hiện giống cấp chứng minh thư 12 số, tại Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an các tỉnh, thành phố; Công an quận, huyện và đơn vị hành chính tương đương.
Về cơ bản chứng minh thư 12 số và căn cước công dân giống nhau vì cả hai cùng được cấp tại thời điểm công dân đủ từ 14 tuổi trở lên. Tuy nhiên, nội dung trong thẻ với 20 cột mục tại 2 loại giấy tờ này có sự khác nhau ở tên gọi, phần dân tộc được thay bằng quốc tịch; dấu của Bộ Công an được thay bằng Quốc huy nước CHXHCN Việt Nam.
Ngoài ra, một điểm khác nhau là hạn sử dụng, hạn của chứng minh thư là 15 năm. Thẻ căn cước sau lần cấp đầu tiên, công dân phải đi đổi vào các năm 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi. Sau 60 tuổi công dân không cần đổi.
Theo quy định, khi đăng ký làm thẻ, công dân sẽ không phải xuất trình sổ hộ khẩu và xác nhận của công an địa phương. Tuy nhiên hiện nay hệ thống dữ liệu quản lý cư dân quốc gia chưa được hoàn thiện nên từ nay đến năm 2019, các địa điểm cấp thẻ căn cước công dân vẫn áp dụng việc cấp giống như với chứng minh thư. Thời gian cấp thẻ tính từ khi công an nhận đủ hồ sơ sẽ là 15 ngày.
Theo Thông tư 170 quy định mức thu, nộp cấp, đổi thẻ căn cước công dân do Bộ Tài chính ban hành, người từ đủ 14 tuổi trở lên làm thủ tục cấp thẻ không phải nộp phí. Nhà nước không thu phí đổi thẻ đối với người đủ 25, đủ 40 và đủ 60 tuổi. Người dân khi làm thủ tục đổi, cấp lại thẻ sẽ phải trả phí. Cụ thể, phí đổi thẻ là 50 nghìn đồng, cấp lại là 70 nghìn đồng.
Người dân thường trú tại các xã, thị trấn miền núi; biên giới; huyện đảo nộp lệ phí bằng 50% mức thu quy định. Trường hợp là bố, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của liệt sĩ; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; con dưới 18 tuổi của thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; công dân thuộc các xã, thị trấn vùng cao theo quy định của Ủy ban Dân tộc; công dân thuộc hộ nghèo không phải nộp lệ phí đổi thẻ căn cước công dân.
Với công dân dưới 18 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa cũng thuộc trường hợp được miễn phí khi đổi, cấp lại thẻ căn cước./.
Theo chinhphu.vn