Quy định mới về nội dung, chi phí đào tạo các nghề trọng điểm

08:10, 28/10/2015

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1820/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quyết định số 371/QĐ-TTg ngày 28-2-2013 phê duyệt Đề án “Chuyển giao các bộ chương trình; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; đào tạo thí điểm các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN, quốc tế” giai đoạn 2012-2015 và Quyết định số 2047/QĐ-TTg ngày 11-11-2014 sửa đổi, bổ sung Quyết định 371/QĐ-TTg.

Quyết định mới đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về mục tiêu, nội dung, giải pháp và chi phí thực hiện Đề án “Chuyển giao các bộ chương trình; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; đào tạo thí điểm các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN, quốc tế” giai đoạn 2012-2015.

Trong đó, mục tiêu mới được đặt ra là năm 2017 hoàn thành tiếp nhận, chuyển giao 34 bộ chương trình cấp độ quốc tế từ nước ngoài được quốc gia chuyển giao hoặc tổ chức giáo dục, đào tạo quốc tế có uy tín kiểm định và công nhận đạt chất lượng.

Cụ thể về nội dung đào tạo, sẽ tổ chức đào tạo thí điểm 34 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế đã được chuyển giao, ưu tiên, tập trung tại 45 trường nghề đã quy hoạch thành trường nghề chất lượng cao vào năm 2020. Mỗi nghề tổ chức đào tạo thí điểm một khóa, mỗi khóa ít nhất 1 lớp, mỗi lớp không quá 25 sinh viên. Sử dụng cán bộ quản lý và giáo viên đã được đào tạo để thực hiện chương trình theo quy định của nước chuyển giao hoặc tổ chức quốc tế kiểm định và công nhận. Việc công nhận đầu ra được thống nhất thực hiện theo quy trình do nước hoặc tổ chức đào tạo quốc tế chuyển giao bộ chương trình cho Việt Nam đã thỏa thuận với Tổng cục Dạy nghề.

Ảnh minh hoạ/Internet.
Ảnh minh hoạ/Internet.

Với các nội dung trên, Đề án đặt ra kế hoạch đào tạo thí điểm cho 2.750 sinh viên trình độ cao đẳng của 34 nghề đã chuyển giao bộ chương trình cấp độ quốc tế, ưu tiên tại 45 trường đã được đầu tư để trở thành trường chất lượng cao vào năm 2020. Trong đó, đào tạo thí điểm theo 12 bộ chương trình đã chuyển giao từ Úc của 12 nghề kết thúc chậm nhất vào năm 2018. Năm 2016 hoặc 2017 sẽ bắt đầu đào tạo thí điểm cho 22 nghề (14 bộ chương trình sẽ chuyển giao từ nước ngoài vào cuối năm 2015 và 8 bộ chương trình đã chuyển giao từ Ma-lai-xi-a được kiểm định và công nhận chất lượng quốc tế) đã chuyển giao bộ chương trình từ nước ngoài cấp độ quốc tế; kết thúc đào tạo thí điểm chậm nhất vào năm 2020.

Về chi phí đào tạo, trường được lựa chọn đào tạo thí điểm phải xây dựng dự toán chi phí đào tạo và được vận dụng nội dung chi, mức chi theo Thông tư liên tịch số 220/2009/TTLT-BTC-BGDĐT ngày 20-11-2009 của Bộ Tài chính và Bộ GD và ĐT về việc hướng dẫn quản lý tài chính đối với kinh phí thực hiện chương trình tiên tiến.

Chi phí đào tạo thí điểm được cơ quan có thẩm quyền thẩm định giá theo quy định hiện hành của pháp luật về giá.

Kinh phí thực hiện đào tạo thí điểm từ nguồn ngân sách Nhà nước bố trí trong dự toán hằng năm của Dự án “Đổi mới và phát triển dạy nghề” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề giai đoạn 2012- 2015; Chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp - việc làm và an toàn vệ sinh lao động giai đoạn 2016-2020 và học phí của người học theo quy định hiện hành về học phí./.

Theo chinhphu.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com