Từ tháng 3-2015, nhiều chính sách mới liên quan đến ngành Công thương có hiệu lực. Đó là Quy định chi tiết về sản xuất, kinh doanh rượu; Lộ trình xây dựng vùng nguyên liệu hoặc thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ thóc, gạo của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo; Nghị định về bán, giao và chuyển giao doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước…
Đại diện làng nghề phải xin cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công
Thông tư số 60/2014/TT-BCT quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 94/2012/NĐ-CP ngày 12-11-2012 của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-3-2015.
Theo đó, Thông tư quy định hồ sơ thủ tục cấp, cấp lại, cấp sửa đổi, bổ sung, thu hồi giấy phép sản xuất rượu công nghiệp, giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, giấy xác nhận đăng ký sản xuất rượu thủ công để bán cho doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại, giấy phép kinh doanh phân phối sản phẩm rượu… Thông tư 60 không áp dụng đối với hoạt động bán rượu tiêu dùng tại chỗ (dịch vụ bán lẻ đồ uống tiêu dùng tại chỗ).
Đối với trường hợp sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công là thành viên thuộc làng nghề sản xuất rượu thủ công không phải xin cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh. Tổ chức, cá nhân đại diện làng nghề phải xin cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công cho làng nghề và chịu trách nhiệm về các điều kiện sản xuất rượu áp dụng chung cho các thành viên thuộc làng nghề.
Xây dựng vùng nguyên liệu hoặc thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ thóc, gạo
Quyết định số 606/QĐ-BCT có hiệu lực thi hành từ ngày 1-3-2015 về việc ban hành Lộ trình xây dựng vùng nguyên liệu hoặc thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ thóc, gạo của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo giai đoạn 2015-2020 ban hành ngày 21-1-2015.
Mục tiêu, nguyên tắc xây dựng và thực hiện của Lộ trình nhằm tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ thóc, gạo; góp phần thực hiện định hướng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, gắn hoạt động chế biến, kinh doanh, tiêu thụ, xuất khẩu gạo của thương nhân với hoạt động sản xuất lúa của nông dân; góp phần nâng cao chất lượng, giá trị thóc, gạo hàng hóa, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh và sức cạnh tranh của đội ngũ thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo.
Theo Quyết định 606, diện tích sản xuất lúa theo kế hoạch, phương án hoặc dự án xây dựng vùng nguyên liệu đã được phê duyệt nhưng thương nhân không tổ chức mua thóc, gạo được sản xuất sẽ không được tính khi cơ quan có thẩm quyền xác nhận kết quả xây dựng vùng nguyên liệu, trừ các trường hợp do các sự kiện bất khả kháng như thiên tai, bão lụt, dịch bệnh…
Bán doanh nghiệp không phụ thuộc vào quy mô vốn Nhà nước của công ty
Từ ngày 1-3-2015, Nghị định số 128/2014/NĐ-CP về bán, giao và chuyển giao doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước của Chính phủ ban hành sẽ có hiệu lực thi hành.
Nghị định này thay thế Nghị định 109/2008/NĐ-CP ngày 10-10-2008 của Chính phủ về bán, giao doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Đối với các doanh nghiệp đang thực hiện bán và giao doanh nghiệp theo Nghị định số 109/2008/NĐ-CP thì phải thực hiện theo quy định tại Nghị định mới.
Theo đó, việc bán Cty TNHH một thành viên, giao và nhận chuyển giao chỉ được áp dụng đối với các Cty thuộc diện bán, giao và nhận chuyển giao được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong đề án tổng thể sắp xếp doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Trong đó, việc bán doanh nghiệp không phụ thuộc vào quy mô vốn Nhà nước của Cty, các doanh nghiệp thuộc cổ phần hóa trong đề án tổng thể sắp xếp doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước nhưng không cổ phần hóa được. Việc giao Cty chỉ thực hiện giao cho tập thể người lao động trong Cty đối với những Cty có giá trị tổng tài sản trên sổ sách kế toán dưới 15 tỷ đồng, các doanh nghiệp không có lợi thế về đất đai.
Đối với việc chuyển giao Cty TNHH một thành viên chỉ thực hiện chuyển giao đối với các doanh nghiệp không thuộc diện giải thể và mất khả năng thanh toán, đồng thời kinh doanh các ngành nghề, lĩnh vực có liên quan chặt chẽ đối với ngành nghề và lĩnh vực kinh doanh chính của tập đoàn kinh tế, tổng Cty, nhóm Cty nhận chuyển giao.
Ngoài ra, trong tháng 3 còn có Nghị định số 03/2015/NĐ-CP ban hành ngày 6-1-2015 quy định về xác định thiệt hại đối với môi trường bắt đầu có hiệu lực và thay thế cho Nghị định số 113/2010/NĐ-CP ngày 3-12-2010 của Chính phủ quy định về xác định thiệt hại đối với môi trường; Nghị định số 113/2014/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 26-11-2014 về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật có hiệu lực thi hành…; Bắt đầu từ ngày 16-3-2015, Quyết định số 04/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 20-1-2015 quy định về quản lý an toàn trong hoạt động dầu khí sẽ có hiệu lực. Quyết định này thay thế Quyết định số 41/1999/QĐ-TTg ngày 8-3-1999./.
Theo chinhphu.vn