Cơ sở để xây dựng hôn nhân và gia đình tiến bộ

09:03, 27/03/2015

Xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình, chăm lo xây dựng hôn nhân và gia đình tiến bộ là một trong những nội dung quan trọng để góp phần xây dựng "tế bào xã hội" lành mạnh, phù hợp với nếp sống văn minh trong xã hội hiện đại. Với ý nghĩa đó, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 126/2014/NĐ-CP (Nghị định 126), trong đó có quy định chi tiết về áp dụng tập quán về hôn nhân và gia đình.

Tập tục lạc hậu đè nặng lên vai người dân

Ở một số địa phương hiện nay vẫn tồn tại nhiều tập quán lạc hậu, nhất là những tập quán về hôn nhân gia đình. Cụ thể như dân tộc Tà Ôi (Thừa Thiên - Huế) quy định nhà trai muốn rước con gái về thì phải tặng nhà gái đủ 9 con vật 4 chân, gồm trâu, bò, dê và lợn. Ngoài ra, lễ vật còn có vải thổ cẩm, cồng, chiêng, chiếu…

Hay trong việc cưới, người Mông ở xã Ngải Thầu, huyện Bát Xát (Lào Cai) thường dựng vợ, gả chồng cho con khi tuổi đời còn rất trẻ (13-14 tuổi). Nhiều đứa trẻ mới 14, 15 tuổi đã trở thành bố, mẹ với sự mơ hồ về đời sống vợ chồng. Bên cạnh đó là tình trạng kết hôn cùng huyết thống, hệ lụy từ việc cưới này thường dẫn đến bệnh tật, giống nòi chậm phát triển, ảnh hưởng đến thế hệ tương lai. Còn đồng bào dân tộc M' Nông, Ê Đê hay Ba Na tại các tỉnh Tây Nguyên vẫn duy trì tập tục thách cưới. Con gái mới 13, 14 tuổi, gia đình đã chuẩn bị cưới hỏi, càng trẻ tuổi thì tiền thách cưới càng cao. Nhiều gia đình, đời mẹ chưa trả hết nợ lại kéo theo đến đời con… Hủ tục thách cưới đã đè nặng lên vai bà con, nhưng việc xóa bỏ các tập tục này là điều không hề dễ dàng.

Những quy định mới của Nghị định 126

Theo GS, TS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng dân gian Việt Nam (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian), Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, trình độ phát triển chênh lệch, do vậy, xã hội của nhiều tộc người còn bị chi phối sâu sắc bởi hệ thống tín ngưỡng, phong tục cổ truyền. Chúng ta đặt ra vấn đề hủ tục và tìm giải pháp khắc phục là rất cần thiết. Bởi vì, những hủ tục này không còn chức năng xã hội, không còn phù hợp với đời sống đương đại, trở thành vật cản của sự tiến bộ xã hội. Làm thế nào để bài trừ tập tục lỗi thời một cách hiệu quả, được người dân ủng hộ, thì các cơ quan, ban, ngành, địa phương khi triển khai Nghị định 126 cần phải rất mềm dẻo, kiên trì, bền bỉ.

Danh mục cấm các tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình áp dụng kèm theo Nghị định 126, gồm: Chế độ hôn nhân đa thê; kết hôn giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ, giữa những người khác có họ trong phạm vi ba đời; tục cướp vợ để cưỡng ép người phụ nữ làm vợ; thách cưới cao mang tính chất gả bán (như đòi bạc trắng, tiền mặt, của hồi môn, trâu, bò, chiêng ché... để dẫn cưới); phong tục “nối dây” (khi người chồng chết, người vợ góa bị ép buộc kết hôn với anh trai hoặc em trai của người chồng quá cố; khi người vợ chết, người chồng góa bị ép buộc kết hôn với chị gái hoặc em gái của người vợ quá cố); bắt buộc người phụ nữ góa chồng hoặc người đàn ông góa vợ, nếu kết hôn với người khác thì phải trả lại tiền cưới cho nhà chồng cũ hoặc nhà vợ cũ; đòi lại của cải, phạt vạ khi vợ, chồng ly hôn.

Hạnh phúc bình dị.  Ảnh: PV
Hạnh phúc bình dị. Ảnh: Internet

Bên cạnh đó, những tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình cần vận động xóa bỏ, gồm: Kết hôn trước tuổi quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình; việc đăng ký kết hôn không do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện; cưỡng ép kết hôn do xem “lá số” và do mê tín dị đoan; cản trở hôn nhân do khác dân tộc, tôn giáo; nếu nhà trai không có tiền cưới và đồ sính lễ thì sau khi kết hôn, người con rể buộc phải ở rể để trả công cho bố, mẹ vợ; quan hệ gia đình theo chế độ phụ hệ hoặc mẫu hệ, không bảo đảm quyền bình đẳng giữa vợ và chồng, giữa con trai và con gái; không kết hôn giữa người thuộc dân tộc này với người thuộc dân tộc khác và giữa những người khác tôn giáo...

Để bảo đảm những quy định trong Nghị định 126 có hiệu lực thực tế, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan và UBND các cấp phối hợp với MTTQ Việt Nam xây dựng, thực hiện các chính sách, biện pháp tạo điều kiện để người dân thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình; phát huy truyền thống, tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc, xóa bỏ tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình.

Cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động

Là thành viên trong Tổ soạn thảo Nghị định 126, Thạc sĩ Hoa Hữu Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VH, TT và DL) cho biết, Nghị định 126 có liên quan đến văn hóa, do đó khi bắt tay triển khai, các cấp có liên quan đều hết sức thận trọng. Ngay khi nghị định có hiệu lực, Vụ Gia đình đã triển khai hướng dẫn mỗi tỉnh, thành phố chọn 5 xã, trong đó ưu tiên các xã đi lại khó khăn, có đồng bào dân tộc thiểu số đông, còn tồn tại nhiều hủ tục… để sửa đổi, bổ sung quy ước, hương ước; bên cạnh đó, cấp cho mỗi xã số tiền 3 triệu đồng/năm để triển khai các hoạt động. Thực tế từ nhiều năm trước, trong đề án hoạt động bình đẳng giới, Vụ Gia đình phối hợp với các cấp vận động nhân dân ở các địa phương sửa đổi, bổ sung quy ước, hương ước theo hướng tiến bộ, phù hợp với cuộc sống hiện đại. Một số thôn, xã ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắc Lắc… có tập quán cướp vợ hoặc di chúc tài sản chỉ cho con trai hoặc con gái, đã được vận động sửa đổi trong quy ước, hương ước thành không phân biệt con trai hay con gái, được hưởng quyền lợi như nhau; hôn nhân phải do hai bên tự nguyện, có đăng ký kết hôn…

Ông Hoa Hữu Vân cũng cho hay, việc vận động, tuyên truyền bà con lồng các chỉ thị, quy định pháp luật vào quy ước, hương ước của thôn, xã đang là tín hiệu khả quan và được đông đảo người dân hưởng ứng. Tuy nhiên, còn không ít khó khăn do nguồn nhân lực thực thi rất mỏng. Hiện nay, mỗi xã chỉ có một người kiêm nhiệm văn hóa, thể thao, gia đình và có nơi làm cả du lịch. Do đó, trong quá trình triển khai Nghị định 126, rất cần sự vào cuộc bền bỉ của chính quyền địa phương, nhất là các đoàn thể quần chúng như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội CCB… phải tăng cường tuyên truyền, vận động để làm thay đổi nhận thức của người dân địa phương, từng bước đẩy lùi, xóa bỏ những tập tục lạc hậu trong hôn nhân và gia đình.

Đại diện Tổ soạn thảo Nghị định 126 của Bộ Tư pháp, ông Nguyễn Hồng Hải cho biết, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 ra đời cùng với Nghị định 126 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành đã thể hiện rõ những quan điểm tiến bộ, nhân văn của Đảng và Nhà nước ta. Nhưng để luật và nghị định này thực sự đi vào cuộc sống, cần có sự tuyên truyền rộng rãi, nhất là việc xóa bỏ và cấm áp dụng các tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình hiện nay. Đồng thời, các cơ quan chức năng, cá nhân có trách nhiệm về xử lý các vấn đề liên quan đến luật này cần nắm chắc luật, áp dụng chính xác để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân./.

Theo: QĐND



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com