Một số chính sách có hiệu lực từ tháng 5-2014

08:05, 02/05/2014

Nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo

Vừa qua, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH đã ban hành Quyết định số 34/QĐ-HĐQT về nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. Theo đó, kể từ ngày 1-5-2014 hộ nghèo trong cả nước được vay tối đa 50 triệu đồng để sản xuất, kinh doanh. Theo số liệu đến 31-3-2014 của Ngân hàng CSXH, dư nợ cho vay đối với hộ nghèo được Ngân hàng CSXH thực hiện đạt hơn 41 nghìn tỷ đồng. Hiện có 2,8 triệu khách hàng còn dư nợ; trên 2 triệu lượt hộ nghèo thoát nghèo; tỷ lệ nợ quá hạn dưới 1%; một số tỉnh, thành phố có dư nợ lớn là: Thanh Hóa gần 2.700 tỷ đồng, Nghệ An 1.975 tỷ đồng, Sơn La 1.162 tỷ đồng, Hà Nội 1.127 tỷ đồng, Quảng Nam 1.126 tỷ đồng và Bắc Giang là 1.046 tỷ đồng…

Việc nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo lần này nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững của Đảng và Nhà nước.

Tăng mức tín dụng cho công trình nước sạch ở nông thôn

Theo Quyết định số 18/2014/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Quyết định số 62/2004/QĐ-TTg ngày 16-4-2004 về tín dụng thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, các hộ gia đình ở nông thôn có nhu cầu xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường có thể vay tới 6 triệu đồng/hộ, cho mỗi loại công trình tại Ngân hàng CSXH. Cũng theo Quyết định này, trong thời gian chưa trả hết nợ, hộ dân không được tự động bán, chuyển nhượng, cầm cố công trình cho người khác. Trường hợp các hộ dân bán, chuyển nhượng nhà, đất có chung hoặc có riêng các công trình này thì phải có cam kết trả nợ (gốc và lãi), được UBND và Ngân hàng CSXH xác nhận với nguyên tắc người bán phải trả được nợ. Các tổ chức kinh tế là chủ đầu tư các dự án đầu tư mới hoặc nâng cấp, cải tạo các công trình cấp nước sạch thuộc khu vực nông thôn được Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho vay, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư theo quy định về chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước hiện hành. Quyết định trên có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-5-2014.

Quy định mới về việc vay nước ngoài của doanh nghiệp

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư, quy định về điều kiện vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh.Theo Thông tư mới này, Ngân hàng Nhà nước cho phép các bên đi vay trung, dài hạn nước ngoài phục vụ dự án của doanh nghiệp, mà bên đi vay tham gia góp vốn đầu tư trực tiếp với giới hạn mức vay tương ứng, với tỷ lệ góp vốn của bên đi vay trong doanh nghiệp mà bên đi vay tham gia góp vốn. Bên cạnh đó, Thông tư cũng yêu cầu các phương án sản xuất, kinh doanh, dự án đầu tư sử dụng vốn vay nước ngoài phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định có liên quan của pháp luật Việt Nam và phù hợp với phạm vi giấy phép thành lập, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư, giấy đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã của bên đi vay hoặc của doanh nghiệp mà bên đi vay tham gia góp vốn đầu tư trực tiếp. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15-5-2014.

Không được mang theo vàng miếng, vàng nguyên liệu khi xuất, nhập cảnh

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 11/2014/TT-NHNN quy định việc mang vàng của cá nhân khi nhập cảnh, xuất cảnh. Theo quy định tại Thông tư 11/2014/TT-NHNN, cá nhân Việt Nam và nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh bằng hộ chiếu không được phép mang theo vàng miếng, vàng nguyên liệu. Trường hợp cá nhân nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam mang theo vàng miếng, vàng nguyên liệu phải làm thủ tục gửi tại kho Hải quan, để mang ra khi xuất cảnh hoặc làm thủ tục chuyển ra nước ngoài và phải chịu mọi chi phí liên quan phát sinh. Nếu mang theo vàng trang sức, mỹ nghệ có tổng khối lượng từ 300g trở lên phải khai báo với cơ quan Hải quan. Cùng với đó, cá nhân Việt Nam và nước ngoài khi xuất cảnh, nhập cảnh bằng giấy thông hành biên giới, giấy thông hành nhập xuất cảnh, chứng minh thư biên giới chỉ được đeo trên người vàng trang sức, mỹ nghệ phục vụ nhu cầu trang sức như các loại: nhẫn, dây, vòng, hoa tai, kim cài và các loại trang sức khác; trường hợp tổng khối lượng từ 300g trở lên phải khai báo với cơ quan Hải quan. Ngoài ra, cá nhân Việt Nam và nước ngoài khi xuất cảnh, nhập cảnh bằng giấy thông hành biên giới, giấy thông hành nhập xuất cảnh, chứng minh thư biên giới không được mang theo vàng nguyên liệu, vàng miếng, vàng trang sức, mỹ nghệ trừ trường hợp quy định trên. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15-5-2014.

Lương giúp việc gia đình không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người giúp việc gia đình, trong đó quy định về tiền lương, BHXH, BHYT đối với người giúp việc gia đình. Theo đó, mức tiền lương do hai bên thỏa thuận và ghi trong hợp đồng lao động. Mức tiền lương (bao gồm cả chi phí ăn, ở của người lao động sống tại gia đình người sử dụng lao động nếu có) không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận mức chi phí ăn, ở hằng tháng của người lao động (nếu có), nhưng không vượt quá 50% mức tiền lương trong hợp đồng lao động. Hình thức trả lương, thời hạn trả lương do hai bên thỏa thuận. Mức khấu trừ tiền lương hằng tháng do hai bên thỏa thuận nhưng không quá 30% mức tiền lương hằng tháng đối với người lao động không sống tại gia đình người sử dụng lao động; không quá 60% mức tiền lương còn lại sau khi trừ chi phí tiền ăn, ở hằng tháng của người lao động (nếu có) đối với người lao động sống tại gia đình người sử dụng lao động. Khi khấu trừ tiền lương người sử dụng lao động phải thông báo cho người lao động biết. Nghị định sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 25-5-2014./.



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com