Trong tháng 10 này, một số chính sách quan trọng, thiết thực với đời sống nhân dân sẽ bắt đầu có hiệu lực thi hành, trong đó có việc nâng mức trợ cấp cho người có công; trợ cấp nhà giáo nghỉ hưu chưa hưởng phụ cấp thâm niên; quy định lao động xuất khẩu bỏ trốn phạt đến 100 triệu đồng và một loạt các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính khác.
Trong Nghị định 101/2013/NĐ-CP (sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 20-10) quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Theo đó, mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng là 1.220.000 đồng, thay vì mức 1.110.000 đồng như tại Nghị định 47/2012/NĐ-CP hiện nay. Cùng với việc nâng mức chuẩn, Nghị định 101 cũng nâng mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hằng tháng, trợ cấp ưu đãi một lần đối với người có công; trợ cấp thương tật đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; trợ cấp thương tật đối với thương binh loại B.
Từ ngày 10-10, Nghị định 94/2013/NĐ-CP sẽ có hiệu lực thi hành. Nghị định này quy định chi tiết thi hành Luật Dự trữ quốc gia. Theo đó công chức, viên chức, có thời gian công tác tại cơ quan quản lý dự trữ quốc gia chuyên trách đủ 5 năm (60 tháng) thì được tính hưởng phụ cấp thâm niên; quân nhân, công an nhân dân có thời gian làm công tác dự trữ quốc gia đủ 5 năm (60 tháng) thì được tính hưởng phụ cấp thâm niên. Người làm công tác dự trữ quốc gia nêu trên có thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên theo quy định đủ 5 năm (60 tháng) thì được hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ năm thứ 6 trở đi cứ mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%.
Từ ngày 20-10, Nghị định 100/2013/NĐ-CP sẽ có hiệu lực thi hành. Nghị định này sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24-2-2010 quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, trong đó bổ sung quy định sử dụng tạm thời một phần hè phố, lòng đường để trông, giữ xe. Cụ thể, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố để trông, giữ xe có thu phí không được gây mất trật tự, an toàn giao thông.
Đáng chú ý, theo Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, phạt tiền đến 100 triệu đồng đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng. Cụ thể, phạt tiền từ 80 đến 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Ở lại nước ngoài trái phép sau khi hết hạn hợp đồng lao động, hết hạn cư trú; bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng; sau khi nhập cảnh nước tiếp nhận lao động mà không đến nơi làm việc theo hợp đồng; lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc, lừa gạt người lao động Việt Nam ở lại nước ngoài trái quy định. Ngoài phạt tiền, người lao động vi phạm còn bị buộc phải về nước; cấm đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn 2 năm hoặc 5 năm... Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 10-10-2013./.
Theo qdnd.vn