"Nhất nghệ tinh…"

08:09, 20/09/2013

Gần 40 năm hành nghề thú y, chị Mai Thị Nguyệt ở xóm An Thịnh, xã Trực Chính (Trực Ninh) đã xây dựng được ngôi nhà khang trang khiến nhiều người phải mơ ước,  cả 3 người con đều học đại học.

Tiếng lành đồn xa

Ngôi nhà 3 tầng khang trang với đầy đủ tiện nghi ở ngay khu vực trung tâm xã của gia đình chị Mai Thị Nguyệt là ước mơ của bao người dân xã ven sông Trực Chính. Trò chuyện với chúng tôi, chồng chị, anh Đinh Thành Kim thật thà bộc bạch: “Cơ ngơi này là từ nghề thú y của bà xã tôi đấy. Nuôi dạy 3 cháu ăn học cũng một tay vợ tôi, còn tôi chỉ phụ giúp thêm…”. Vốn là một quân nhân phục viên, anh theo bạn bè làm nghề xây dựng tự do. Theo công trình nay đây, mai đó, ít khi có mặt ở nhà nên việc nuôi dạy con cái nhờ cả vào tay người vợ đảm đang. Cái nghề lao động nặng nhọc “ráo mồ hôi là hết tiền” nên đồng tiền đưa về nuôi con nhiều lúc cũng ngọ ngằn. Mãi sau này khi đã "có tuổi" về nhà phụ giúp vợ con thì sức khoẻ hạn chế và các cháu đã thoát ly. Nghe chúng tôi nói chuyện, chị Nguyệt chỉ tủm tỉm cười.

Ba năm học khoa Chăn nuôi thú y, Trường Trung cấp nông nghiệp tỉnh, năm 1978 chị ra trường được về phụ trách kỹ thuật ở trại chăn nuôi lợn tập trung của xã; rồi đến trại chăn nuôi trâu Moda của tỉnh đặt trên địa bàn xã, hiện chị là Trưởng thú y xã Trực Chính. Vốn yêu nghề, say nghề nên mỗi lần được đi tập huấn hoặc tham quan học tập kinh nghiệm là một lần chị học hỏi thêm được nhiều điều, nhiều kỹ thuật chữa trị bệnh mới để áp dụng vào thực tế. Quý cái tính ham học hỏi, không giấu dốt, chân tình nên các kiến thức nghề, các bí quyết nghề và cả những phương pháp phòng, chẩn trị… mới nhất, hiệu quả nhất chị đều được thừa hưởng từ các cán bộ của Chi cục Thú y tỉnh, Trạm thú y huyện, của các thầy, cô ở trường - nơi chị đã từng học để áp dụng vào quá trình khám, chữa bệnh cho vật nuôi. Ngay quy trình điều trị bệnh ghép trong bệnh tai xanh ở lợn chị cũng được hướng dẫn sớm và điều trị thành công với tỷ lệ khỏi bệnh đạt 100%. Đợt dịch lợn tai xanh đầu năm 2013, xã Trực Chính nằm trong vùng uy hiếp. Gia đình ông Mai Văn Trình có đàn lợn thịt 22 con, mỗi con nặng trên dưới 80kg thì 7 con bỏ ăn. Sau 3 ngày được chị Nguyệt điều trị theo quy trình hướng dẫn, cả 7 con đều khỏi bệnh. Hoặc con lợn nái ngoại của gia đình ông Bùi Văn Tỉnh sau khi tiêm phòng đã bỏ ăn, gia đình tự mua thuốc về điều trị nhưng sau 5 ngày lợn không dậy được, gia đình phải “cậy” đến chị. Theo quy trình chị điều trị, 3 ngày sau lợn khỏi bệnh, đi lại, ăn uống bình thường, hiện nay đã sinh sản trở lại…

Tinh nghề, chưa ca nào khó khiến chị phải “bó tay” nên những hộ chăn nuôi luôn tin cậy ở chị. Còn chị cũng chẳng nề hà đêm hôm, mưa gió, rét buốt ngày đông, ngày tết, chỉ cần nhìn con vật ốm chị đã “đọc” chính xác bệnh, bất kể đó là vịt, gà, ngan, ngỗng hay lợn, bò, dê, chó, mèo… Từ chữa bệnh cho đàn vật nuôi trong xã bảo đảm uy tín, có nhiều gia đình ở các nơi nghe "tiếng" chị đã tìm đến. Anh Hợp chuyên nuôi vịt ở Thị trấn Cổ Lễ, tự nhiên 300 con bỏ ăn, rồi rải rác lăn ra chết không rõ nguyên nhân. Được mời đến, chị "bắt" đúng bệnh thương hàn đàn vịt đang mắc, dùng phác đồ điều trị đúng, thuốc tốt, chỉ sau vài ngày đàn vịt khỏi bệnh. Như hôm hẹn làm việc với chị từ lúc 7 giờ sáng nhưng phải chờ đến hơn 9 giờ chị mới tất tả về đến nhà. Thì ra chị vừa đi tiêm phòng cho đàn vịt 317 con của gia đình anh Diệp ở Thị trấn Cổ Lễ mới tái đàn. Không chỉ “bắt” đúng và chữa khỏi bệnh cho gia súc, gia cầm, trong quá trình chữa trị bệnh, chị còn giảng giải cho người chăn nuôi vì sao vật nuôi mắc bệnh; tuyên truyền ích lợi của tiêm vắc xin phòng bệnh, vừa đỡ tốn kém vừa không lo bệnh, dịch xảy ra, bảo đảm an toàn và hiệu quả trong chăn nuôi. Nhiều năm qua, chị đã trở thành “chuyên gia” tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi khi tái đàn và “vị cứu tinh” cho những đàn vật nuôi khi mắc bệnh của các xã: Phương Định, Trung Đông, Liêm Hải, Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh), Nam Thanh, Nam Hồng (Nam Trực)… không lúc nào thấy chị hết việc. Trước kia thì túc tắc xe đạp, bây giờ chị “phóng” xe máy; nhờ sức khoẻ “trời cho” như lời chị nói vui, ngoài ngũ tuần nhưng thanh niên "cũng khó theo kịp". Khi hỏi về thu nhập, chị chỉ cười: “Không có 5-7 triệu đồng mỗi tháng sao tôi có thể nuôi con ăn học và kiến thiết nhà cửa được…”.

Trách nhiệm người Trưởng thú y xã

Hiện nay chị Nguyệt đang là Trưởng thú y xã Trực Chính và là Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã. Ngoài việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn, chị còn tích cực tham mưu với UBND xã trong phát triển chăn nuôi, tổ chức tiêm phòng vắc xin, phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Do vậy công tác tiêm phòng vắc xin bổ sung hằng tháng của xã luôn được duy trì và tiêm hết các đối tượng phải tiêm. Không cần mở sổ, chị có thể kể cụ thể 115 hộ của xã đang tổ chức chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại, 165 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ; hộ nào nuôi lợn, hộ nào nuôi gà, vịt, ngan, hộ nào nuôi trâu bò và hộ nào nuôi nhiều loại vật nuôi, hộ nào nuôi an toàn vệ sinh… Trong đợt tiêm phòng vắc xin vụ xuân đầu năm nay, chị Nguyệt đã tham mưu cho UBND và Ban Nông nghiệp xã ứng trước vắc xin, tổ chức triển khai tiêm phòng vụ xuân ngay từ ngày 8-2-2013, trước 1 tháng so với kế hoạch của tỉnh và đạt tỷ lệ cao. Trong đợt dịch tai xanh, toàn bộ đàn lợn 2.728 con của xã bảo đảm an toàn. Ở Trực Chính tỷ lệ tiêm phòng vắc xin luôn đạt 80-90% diện tiêm và tiêm vắc xin bổ sung hằng tháng cũng không để sót. Do quán xuyến mọi công tác chuyên môn, nghiệp vụ về chăn nuôi trên địa bàn nên trong xã có bao nhiêu lợn nái, gia đình nào có lợn nái sinh sản vào thời gian nào chị đều nắm rõ. Đối với tiêm phòng vắc xin theo vụ, chị đã tham mưu với UBND xã huy động cả 4 thú y viên tham gia nhiệt tình và trách nhiệm. Chính sự gương mẫu, năng nổ trong công việc cộng với trình độ tay nghề cao, không ít lần chị đã hỗ trợ các thú y viên “thoát hiểm” những "ca" khó tưởng chừng phải bó tay. Nhận xét về Trưởng thú y xã Trực Chính Mai Thị Nguyệt, đồng chí Lã Viết Hiển, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh khẳng định: "Nếu trưởng thú y xã nào cũng như trưởng thú y xã Trực Chính thì công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm của tỉnh mới có thể an tâm"./.

Tuấn Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com