(Tiếp theo kỳ trước)
Câu 29. Hành vi lợi dụng việc mua bán hàng hóa online để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người mua trong thời gian dịch COVID-19 như: quảng cáo hàng giá rẻ, yêu cầu người mua phải đặt cọc trước nhưng không giao hàng và chiếm đoạt tiền đặt cọc... thì bị xử lý như thế nào?
Trả lời:
- Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
- Hành vi nói trên còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Tùy tính chất và mức độ vi phạm, người phạm tội sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Đặc biệt, tại khoản 3 Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có quy định “lợi dụng thiên tai, dịch bệnh” là tình tiết tăng nặng định khung với mức hình phạt tù áp dụng là từ 7 năm đến 15 năm.
- Bên cạnh đó, theo Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, người tiêu dùng có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
(Còn nữa)