Góp phần thúc đẩy tiến trình cải cách tư pháp

06:03, 30/03/2021

Thực hiện Quyết định số 1072/QĐ-TTg ngày 5-7-2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020”, những năm qua, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng, các địa phương nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư. Nhờ đó đội ngũ luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư phát triển cả về số lượng và chất lượng; tích cực tham gia vào việc tư vấn, tuyên truyền pháp luật và quá trình tố tụng, góp phần thúc đẩy tiến trình cải cách tư pháp trên địa bàn tỉnh.

Luật sư Văn phòng luật sư Thiên Trường tư vấn pháp luật cho nhân dân.
Luật sư Văn phòng luật sư Thiên Trường tư vấn pháp luật cho nhân dân.

Cùng với việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 trên địa bàn, UBND tỉnh ban hành các văn bản tổ chức, triển khai thực hiện tốt quy định của Luật Luật sư và các văn bản hướng dẫn thi hành. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị chức năng thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức và hỗ trợ kinh phí cho Đoàn Luật sư tỉnh hoạt động. Sở Tư pháp chủ động nắm bắt những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc của Đoàn Luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, các luật sư cũng như những ý kiến phản ánh của các cơ quan, tổ chức liên quan nhằm đưa ra những giải pháp phù hợp, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động của luật sư. Hàng năm, Sở Tư pháp tiến hành các cuộc thanh tra, kiểm tra tổ chức hành nghề luật sư đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót trong hoạt động hành nghề luật sư, góp phần bảo đảm trật tự kỷ cương hành nghề, bảo vệ uy tín, thương hiệu và nâng cao chất lượng dịch vụ pháp lý của tổ chức hành nghề luật sư. Đoàn Luật sư tỉnh tổ chức nhiều hoạt động nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư. Trong đó, thường xuyên duy trì mối liên hệ với Sở Tư pháp, các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh để phối hợp, quản lý, giám sát hoạt động của luật sư và tổ chức hành nghề luật sư theo quy định, thực hiện việc đăng ký và giám sát đối với người tập sự hành nghề luật sư; tiếp nhận hồ sơ và đề nghị Bộ Tư pháp cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư, đề nghị Liên đoàn Luật sư Việt Nam cấp thẻ luật sư cho các luật sư của Đoàn theo quy định. Đặc biệt, Đoàn Luật sư tỉnh luôn coi trọng công tác bảo vệ quyền lợi, tổ chức bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề và đạo đức ứng xử nghề nghiệp cho đội ngũ luật sư. Luật sư Ngô Văn Quỳnh, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh cho biết: “Khi có ý kiến phản ánh, những khó khăn trong quá trình hành nghề luật sư, Ban chủ nhiệm đã nhanh chóng đưa ra ý kiến, kiến nghị tại các hội nghị hoặc có văn bản gửi đến các cơ quan chức năng để thực hiện các văn bản pháp luật mới được ban hành nhằm đảm bảo quyền lợi của luật sư hoặc tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình hành nghề luật sư. Mặt khác, Ban chủ nhiệm luôn quan tâm giáo dục chính trị tư tưởng, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, đề cao ý thức chấp hành pháp luật, tuân thủ quy tắc nghề nghiệp cho đội ngũ luật sư”. Năm 2020, Đoàn Luật sư tỉnh đã tổ chức khóa học nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề cấp chứng chỉ cho 22 luật sư theo quy định của Luật Luật sư. Ngoài ra, các cơ quan tiến hành tố tụng trong tỉnh luôn tạo điều kiện để các luật sư của Đoàn Luật sư tỉnh thực hiện quyền của mình, nhất là trong các vụ án hình sự theo yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng... Việc ban hành và tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển nghề luật sư trên địa bàn tỉnh đã tác động tích cực đến tổ chức và hoạt động của các luật sư. Hiện nay, Đoàn Luật sư tỉnh có 44 luật sư chính thức và 6 luật sư tập sự hoạt động tại 18 tổ chức hành nghề luật sư, trong đó có 14 văn phòng và 4 công ty luật. Chất lượng hoạt động của đội ngũ luật sư trên địa bàn tỉnh có bước phát triển theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả. Hàng năm, Đoàn Luật sư tỉnh đã thực hiện cung cấp dịch vụ pháp lý trên 1.300 vụ việc, trong đó tham gia tố tụng trên 100 vụ việc. Thông qua các hoạt động tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, tư vấn pháp luật, dịch vụ pháp lý, các luật sư đã góp phần thực hiện nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp, nâng cao trách nhiệm của người tiến hành tố tụng cũng như chất lượng xét xử tại các phiên tòa, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các đương sự; nâng cao hiểu biết và ý thức tuân thủ pháp luật của nhân dân, giúp các doanh nghiệp hạn chế rủi ro trong hoạt động kinh doanh, thương mại… Tuy nhiên, theo đánh giá, hiện đội ngũ luật sư trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế về số lượng, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân trong việc thực hiện các hoạt động liên quan đến pháp lý. Chưa thành lập được tổ chức hành nghề luật sư, đội ngũ luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế. Trình độ luật sư chưa đồng đều về chính trị, chuyên môn, một số luật sư chưa đáp ứng theo yêu cầu chung, yêu cầu hội nhập trong tình hình mới; phạm vi hoạt động chưa rộng, nhiều luật sư chưa thành thạo ngoại ngữ. Một số luật sư thuộc diện miễn đào tạo (thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên) do đó dẫn đến nhiều hạn chế trong cách thức, phương pháp giải quyết công việc một cách khoa học, ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước. Nhận thức của người dân, doanh nghiệp về vị trí, vai trò của luật sư chưa cao…

Để hoạt động luật sư ngày càng phát huy vai trò, chức năng bảo vệ công lý, quyền và lợi ích hợp pháp cho các tổ chức, công dân, thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc thực hiện chiến lược phát triển nghề luật sư, nhằm xây dựng và phát triển đội ngũ luật sư đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, nâng cao vị thế, vai trò, tính chuyên nghiệp của luật sư. Nâng cao chất lượng hoạt động quản lý Nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư tại địa phương; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát về hoạt động của luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ phát triển nghề luật sư; tuyên truyền các văn bản pháp luật về luật sư, nâng cao nhận thức của người dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về vị trí, vai trò của luật sư. Bên cạnh đó, tỉnh đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, đánh giá toàn diện những quy định pháp luật có liên quan đến luật sư và hành nghề luật sư để sớm sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến luật sư và hoạt động hành nghề luật sư theo hướng tăng cường và đổi mới công tác quản lý Nhà nước đối với tổ chức, hoạt động luật sư, phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp của luật sư, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho hoạt động hành nghề của luật sư. Bộ Tư pháp và Liên đoàn Luật sư Việt Nam nâng cao chất lượng đào tạo luật sư, chú trọng bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng hành nghề cho các luật sư; đặc biệt tập trung cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cho các luật sư những kiến thức và kỹ năng hành nghề luật trong lĩnh vực kinh tế. Liên đoàn Luật sư Việt Nam phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an sớm nghiên cứu và xây dựng văn bản liên ngành để xác lập cơ chế phối hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư khi tham gia hoạt động tố tụng./.

Bài và ảnh: Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com