Thời gian qua, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã chỉ đạo các công đoàn cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân lao động.
Công đoàn Công ty TNHH Kiara Garments Việt Nam phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật cho công nhân lao động. |
LĐLĐ tỉnh chỉ đạo các cấp Công đoàn tập trung tuyên truyền, giới thiệu những nội dung liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân lao động được quy định trong Bộ luật Lao động, Luật BHXH, BHYT, chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Đồng chí Cao Thúy Kim, Chủ tịch Công đoàn nhà máy Pro Sport Giao Yến (Công ty cổ phần Thời trang thể thao chuyên nghiệp Giao Thủy) cho biết: “Hiện nay, ngoài việc tuyên truyền, tư vấn pháp luật để công nhân lao động hiểu về quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của mình, cán bộ công đoàn còn tuyên truyền, vận động để người lao động hiểu rõ những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không để xảy ra trường hợp kích động, lôi kéo công nhân đình công, biểu tình tại các doanh nghiệp”. Từ các buổi tuyên truyền nhiều câu hỏi, vướng mắc của người lao động được báo cáo viên tư vấn, giải đáp kịp thời. Để nâng cao chất lượng các buổi tuyên truyền, LĐLĐ tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong CNVCLĐ. Nội dung tuyên truyền được lựa chọn phù hợp, có liên quan trực tiếp đến người lao động như: Hợp đồng lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, chế độ đối với lao động nữ, điều kiện, môi trường làm việc, hoạt động của tổ chức công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho CNVCLĐ cũng như quyền và nghĩa vụ của người lao động khi là đoàn viên công đoàn… Hình thức tuyên truyền được đổi mới theo hướng cung cấp những nội dung cơ bản về chính sách đối với người lao động, sau đó tập trung giải đáp những thắc mắc của người lao động. Tại các buổi tuyên truyền, báo cáo viên dành thời gian cho người lao động đặt các câu hỏi, trả lời trực tiếp cho người lao động đồng thời đặt ra những câu hỏi tình huống để người lao động củng cố kiến thức vừa tiếp thu cũng như vận dụng vào những trường hợp vướng mắc gặp phải. Trong điều kiện hoạt động đặc thù ở các doanh nghiệp, cường độ lao động cao, ít có điều kiện tập hợp người lao động tham gia các hoạt động tập trung, việc lựa chọn thời điểm tổ chức tuyên truyền cũng hết sức linh hoạt, không làm ảnh hưởng đến thời giờ sản xuất của doanh nghiệp. Trong khoảng thời gian ngắn sau giờ tan ca, trước giờ vào ca, thời gian nghỉ giữa ca, hoặc buổi tối, cán bộ tuyên truyền cùng với công nhân lao động có mặt tại nhà ăn hoặc hội trường của doanh nghiệp để cùng tham gia hoạt động này. Tại các doanh nghiệp, BCH Công đoàn đã trích lục những nội dung quan trọng trong Luật Lao động đem treo, dán ở nơi tập trung đông người như hội trường, nhà ăn, các phân xưởng sản xuất. LĐLĐ tỉnh cũng chỉ đạo các cấp Công đoàn tích cực phối hợp với chuyên môn tuyên truyền, vận động CNVCLĐ thực hiện Luật Phòng, chống tác hại rượu bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt; xây dựng kế hoạch tuyên truyền và tổ chức các hội nghị về pháp luật đảm bảo an toàn giao thông, phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy trong công nhân lao động. Xây dựng nhóm “Người lao động Nam Định” trên mạng xã hội với 660 thành viên và trên 700 lượt bài chia sẻ để tuyên truyền các vấn đề thời sự, chủ trương chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, tổ chức Công đoàn tới CNVCLĐ trong toàn tỉnh. Từ đầu năm 2020 đến nay, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã tổ chức 55 buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho 8.100 lượt CNVCLĐ; các công đoàn cơ sở đã lồng ghép tổ chức 15 hoạt động tuyên truyền tư vấn pháp luật thu hút 2.000 lượt CNVCLĐ tham gia. Ngoài ra, hoạt động của Văn phòng tư vấn pháp luật LĐLĐ tỉnh được duy trì với 20 lượt công nhân lao động và 1 công đoàn cơ sở được tư vấn về chế độ chính sách và việc hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng của dịch COVID-19; tham gia giải quyết dứt điểm việc chi trả trợ cấp mất việc làm cho 233 công nhân lao động Công ty May TNHH Garnet Nam Định khi chuyển quyền sở hữu doanh nghiệp; tiếp tục theo dõi, nắm bắt việc trả lương tháng 3 cho công nhân lao động Công ty TNHH KG Vina chi nhánh Nam Định tại xã Xuân Hồng (Xuân Trường) khi doanh nghiệp giải thể. Đối với quan hệ lao động trong doanh nghiệp, 6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 cuộc ngừng việc tập thể tại Công ty Cổ phần dịch vụ tang lễ Hoàng Long (thuộc LĐLĐ huyện Mỹ Lộc) và Công ty TNHH Kiara Garments Việt Nam (thuộc LĐLĐ huyện Trực Ninh), LĐLĐ tỉnh đã tích cực chỉ đạo nắm tình hình, giải đáp các kiến nghị của công nhân lao động, giúp doanh nghiệp ổn định tình hình và động viên công nhân lao động yên tâm lao động sản xuất.
Đồng chí Vũ Văn Nghĩa, TUV, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: “Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đến công nhân lao động đã góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết chính sách, pháp luật để người lao động biết tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng trong quan hệ lao động, ngày càng nâng cao nhận thức, không vi phạm các tệ nạn xã hội và chấp hành nghiêm pháp luật, nội quy, quy định của doanh nghiệp”. Thời gian tới, LĐLĐ tỉnh tiếp tục kiện toàn hệ thống tư vấn pháp luật, phối hợp ngành chức năng tổ chức tư vấn lưu động tại các doanh nghiệp có đông công nhân lao động. Chủ động nắm tình hình thực hiện chế độ, chính sách, những vấn đề bức xúc trong công nhân lao động ở các doanh nghiệp để tổ chức tư vấn kịp thời. Tập trung nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác tư vấn pháp luật. Phối hợp chặt chẽ các ngành liên quan trong việc hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động, đề nghị người sử dụng lao động thực hiện chế độ, chính sách cho người lao động đúng theo quy định pháp luật. Thường xuyên cập nhật các văn bản pháp luật mới ban hành, khai thác thông tin trên nhiều kênh, tư vấn bảo đảm chính xác và đúng quy định./.
Bài và ảnh: Văn Huỳnh