Những năm qua, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) các cấp trong tỉnh đã có nhiều hình thức tuyên truyền pháp luật đa dạng, phong phú, góp phần phổ biến, giáo dục pháp luật đến nhân dân. Trong đó, một hình thức tuyên truyền pháp luật được áp dụng mang lại hiệu quả rõ rệt là tổ chức “Phiên tòa giả định”. Đây là hình thức tuyên truyền pháp luật trực quan, sinh động, thu hút sự tham gia của nhiều đối tượng, nhất là đoàn viên, thanh niên, học sinh.
“Phiên tòa giả định” tổ chức tại Trường THPT Trần Hưng Đạo (thành phố Nam Định). |
Chúng tôi đến dự một “phiên tòa giả định” do Viện KSND tỉnh tổ chức hồi cuối tháng 6-2020 tại Trường THPT Trần Hưng Đạo (thành phố Nam Định) với sự tham gia của hơn 200 học sinh trong nhà trường. Mục đích của “phiên tòa giả định” nhằm giáo dục, tuyên truyền cho thanh thiếu niên, học sinh hiểu biết về pháp luật; nâng cao ý thức trách nhiệm công dân, tuân thủ các quy định về pháp luật; đặc biệt là thực hiện việc phòng, chống các hành vi bạo lực học đường. Theo đó, phiên tòa lấy bối cảnh vụ án “Cố ý gây thương tích” xảy ra trong một trường học. Thông qua phiên tòa giả định giúp các em nâng cao kiến thức pháp luật và nhận thức được hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật; từ đó nhà trường có biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là vi phạm pháp luật trong học đường. Đồng chí Bùi Ngọc Điệp, Bí thư Chi đoàn Thanh niên (Viện KSND tỉnh) cho biết: “Vụ án “Cố ý gây thương tích” giả định được xây dựng trên tư liệu từ những vụ việc có thật với những diễn biến chân thật và sinh động, từ khâu thực hiện tố tụng, công bố cáo trạng, xét hỏi, làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo, phát biểu luận tội của Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa, nghị án… đã thu hút sự chú ý theo dõi của học sinh nhà trường”. Em Trần Anh Tuấn, học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo cho biết: “Qua theo dõi chương trình “Phiên tòa giả định”, em và các bạn nhận thức rõ hơn về hậu quả của các hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời được giải đáp những băn khoăn, thắc mắc từ đó giúp chúng em có biện pháp phòng ngừa, không bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội, không có hành vi vi phạm pháp luật”.
Không chỉ được theo dõi một phiên tòa giả định diễn ra trình tự xét xử, học sinh còn được giao lưu với cán bộ ngành Kiểm sát thông qua hình thức trao đổi, hỏi - đáp liên quan đến vụ án cũng như kiến thức về bạo lực học đường, quyền công dân; các quy định trong luật về phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng, chống bạo lực học đường; các biện pháp phòng, chống ma túy, cách nhận biết một số loại ma túy hiện nay cũng như cách phòng, chống ma túy trong lứa tuổi học sinh; xem video clip giới thiệu về bạo lực học đường, phòng chống ma túy. Phần giao lưu diễn ra sôi nổi và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của học sinh góp phần tăng tính tương tác và hiệu quả của buổi tuyên truyền. Thông qua phiên tòa với mong muốn các bạn trẻ, nhất là các em học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường hãy nói không với bạo lực học đường và biết tự bảo vệ mình trước hiểm nguy, cám dỗ rình rập. Chương trình “Phiên tòa giả định” do Viện KSND tỉnh phối hợp với Trường THPT Trần Hưng Đạo tổ chức là hình thức tuyên truyền mới, sáng tạo, hấp dẫn học sinh, giáo viên. Cô giáo Trần Thị Mai, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ và đề nghị Viện KSND tỉnh tiếp tục xây dựng nhiều hơn nữa những chương trình tuyên truyền pháp luật hiệu quả, bổ ích nhằm nâng cao kiến thức về pháp luật cho học sinh, giáo viên trong nhà trường cũng như trong toàn ngành Giáo dục. Cùng với tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, chương trình còn giới thiệu cho học sinh, giáo viên hiểu thêm về chức năng, nhiệm vụ, vai trò của ngành KSND.
Từ hiệu quả của chương trình, thời gian tới, Viện KSND tỉnh tiếp tục phối hợp với các đơn vị, trường học triển khai thực hiện nhiều chương trình thiết thực, góp phần đa dạng hóa hình thức tuyên truyền pháp luật đến nhiều đối tượng, đặc biệt là thanh, thiếu niên, học sinh trên địa bàn tỉnh./.
Bài và ảnh: Hoàng Tuấn