Thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, thời gian qua Tòa án nhân dân hai cấp trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác xét xử, thụ lý các vụ án. Trong đó, việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm được coi là giải pháp đột phá, hữu hiệu để nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án, đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp.
Đồng chí Trần Văn Kiểm, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh cho biết: Nhằm nâng cao chất lượng công tác xét xử theo yêu cầu cải cách tư pháp, Tòa án nhân dân tỉnh thường xuyên triển khai, quán triệt các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và ngành Tòa án về nâng cao chất lượng công tác xét xử, cũng như chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 tới cán bộ, thẩm phán, thư ký trong toàn ngành. Nổi bật từ năm 2017 đến nay, Tòa án nhân dân hai cấp trong tỉnh đã thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Hướng dẫn số 136/HD-TANDTC ngày 30-3-2017 của Tòa án nhân dân Tối cao về tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm theo yêu cầu cải cách tư pháp. Trong đó, yêu cầu mỗi thẩm phán trong Tòa án nhân dân hai cấp lựa chọn ít nhất một vụ án để tổ chức phiên tòa và phiên họp rút kinh nghiệm trong phạm vi nội bộ đơn vị và mỗi đơn vị trong ngành phải tổ chức một phiên tòa rút kinh nghiệm điển hình; đưa nội dung tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm làm tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với tập thể, cá nhân trong bình xét thi đua hàng năm. Thực hiện chỉ đạo của Tòa án nhân dân tỉnh, các đơn vị trong ngành thường xuyên quan tâm xem xét, lựa chọn các vụ án điển hình để tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm; trong đó, việc điều hành tranh tụng phải tôn trọng và lắng nghe ý kiến phát biểu của đại diện Viện Kiểm sát, người bào chữa, lời khai của bị cáo, nguyên đơn, bị đơn và người tham gia tố tụng khác. Khi nghị án phải đảm bảo đúng pháp luật, phán quyết của hội đồng xét xử phải được quyết định theo đa số và phải căn cứ vào kết quả tranh tụng công khai, dân chủ tại phiên tòa. Qua đó, chất lượng các phiên tòa rút kinh nghiệm từng bước được nâng cao, thực sự là dịp để các thẩm phán, thư ký tòa án học tập, trao đổi kinh nghiệm nhằm làm tốt nhiệm vụ chuyên môn. Tới dự phiên tòa rút kinh nghiệm của thẩm phán Phạm Trung Kiên (Tòa án nhân dân huyện Hải Hậu) xét xử vụ án hình sự đối với bị cáo Đinh Xuân Phong bị Viện Kiểm sát nhân dân huyện Hải Hậu truy tố về tội “Đánh bạc” theo quy định tại Khoản 1, Điều 321 Bộ luật Hình sự. Phiên tòa được tiến hành công khai, dân chủ, nghiêm minh. Trình tự tố tụng tại phiên tòa được hội đồng xét xử thực hiện đúng theo quy định. Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, Tòa án nhân dân huyện Hải Hậu tiến hành họp đơn vị cùng với hội đồng xét xử, kiểm sát viên tham gia phiên tòa để tổ chức rút kinh nghiệm đối với thẩm phán, chủ tọa phiên tòa và thành viên hội đồng xét xử. Sau khi tổng hợp ý kiến nhận xét của cán bộ, công chức đơn vị, thành viên hội đồng xét xử, đại diện Viện Kiểm sát tham gia phiên tòa, lãnh đạo Tòa án nhân dân huyện Hải Hậu kết luận đánh giá những mặt tích cực của việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm và nêu ra những tồn tại, hạn chế cần được chấn chỉnh, khắc phục như: Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa cần phổ biến thêm một số quyền, nghĩa vụ cho bị cáo; không cần thiết kiểm tra căn cước của luật sư, phổ biến quyền và nghĩa vụ của người bào chữa. Thẩm phán đã để luật sư trình bày và lồng ghép ý kiến suy luận trong phần hỏi và trình bày, hỏi điều tra viên những câu hỏi không liên quan đến những quyết định, hành vi tố tụng trong giai đoạn điều tra; chưa cắt những ý kiến suy luận, lập luận của luật sư trong phần xét hỏi và hướng cho họ để trình bày lập luận khi tranh luận; chưa có câu phân tách giữa phần xét hỏi và phần tranh luận. Chủ tọa điều hành phần tranh luận chưa dứt khoát, nhiều lúc còn để cho các luật sư tự đưa ra ý kiến phản bác mà chưa có sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa trình bày lặp lại những ý kiến, phát biểu đối đáp gay gắt và lặp lại nhiều lần mà không ngắt, vì vậy, phiên tòa đã kéo dài phần tranh luận sang buổi chiều nhưng cũng không có ý kiến gì mới. Thẩm phán hỏi quá nhiều mà chưa phân công cho hội thẩm nhân dân tham gia xét hỏi cùng và nên dành thời gian để Viện Kiểm sát tham gia xét hỏi, tranh luận vì vụ án này bị cáo không nhận tội, đại diện Viện Kiểm sát phải có trách nhiệm làm rõ tại phiên tòa để bảo vệ cáo trạng của Viện Kiểm sát. Việc tham gia của hội thẩm nhân dân còn mờ nhạt, chưa có nhiều câu hỏi đối với bị cáo, chưa chủ động trong việc xét hỏi... Trên cơ sở góp ý xây dựng, các thẩm phán, thư ký, hội thẩm nhân dân đã tiếp thu những ý kiến đóng góp, từ đó phát huy những ưu điểm và khắc phục những hạn chế thiếu sót để các phiên tòa sau đảm bảo chất lượng hơn.
Từ năm 2018 đến nay, Tòa án nhân dân hai cấp trong tỉnh đã tổ chức được 120 phiên tòa rút kinh nghiệm; trong đó Tòa án nhân dân tỉnh tổ chức được 17 phiên, Tòa án nhân dân các huyện, thành phố tổ chức được 103 phiên. Việc thường xuyên tăng cường tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm của Tòa án nhân dân hai cấp trong tỉnh đã giúp cho Hội đồng xét xử, các thẩm phán tham dự phiên tòa thấy được những mặt còn hạn chế của mình để có kế hoạch tự học tập, nâng cao trình độ nhận thức, kỹ năng xét xử và áp dụng pháp luật trong công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án; đồng thời cũng rút ra được nhiều bài học quý báu về việc áp dụng pháp luật, tích lũy thêm kinh nghiệm về kỹ năng điều hành tranh tụng, kỹ năng xét hỏi, kỹ năng xử lý các tình huống pháp lý xảy ra tại phiên tòa, qua đó góp phần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao chất lượng xét xử đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp./.
Văn Trọng