Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 49/NQ-TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, thời gian qua, Viện KSND huyện Vụ Bản đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Qua đó, chất lượng các hoạt động kiểm sát đã từng bước được nâng lên, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm; phục vụ tốt yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Cán bộ, kiểm sát viên Viện KSND huyện Vụ Bản trao đổi nghiệp vụ. |
Để thực hiện có hiệu quả chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, đáp ứng yêu cầu công cuộc cải cách tư pháp, Viện KSND huyện Vụ Bản đã thực hiện tốt việc nắm, quản lý và xử lý tin báo, tố giác về tội phạm của Cơ quan điều tra Công an huyện. Định kỳ hằng tháng, Viện KSND huyện phối hợp với Cơ quan điều tra đánh giá tình hình tội phạm để chủ động phát hiện, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đối với những tố giác, tin báo về tội phạm phức tạp hoặc có khó khăn, vướng mắc kịp thời tổ chức họp liên ngành các cơ quan tư pháp huyện để phối hợp giải quyết, qua đó bảo đảm các tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố được thực hiện đầy đủ, đúng quy định. Năm 2017, Viện KSND huyện Vụ bản đã kiểm sát trên 94 tin báo tố giác tội phạm, trong đó cơ quan cảnh sát điều tra đã giải quyết trên 94% các vụ việc. Các tin báo có dấu hiệu tội phạm đều đã được kiểm sát viên phối hợp với cơ quan điều tra xử lý kịp thời, chính xác theo đúng quy định của pháp luật nên không để xảy ra việc khởi tố oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm, không để việc khởi tố sai phải đình chỉ vì không có tội hoặc ra quyết định khởi tố không có căn cứ. Bên cạnh đó, Viện KSND huyện Vụ Bản đã chú trọng nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động xét xử của TAND huyện. Đối với từng loại án khác nhau, lãnh đạo Viện KSND huyện phân công kiểm sát viên thụ lý kiểm sát điều tra vụ án phù hợp với năng lực, sở trường để phát huy được hết khả năng kiểm sát án trong từng lĩnh vực chuyên sâu. Chỉ đạo kiểm sát viên nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, trích, thiết lập hồ sơ kịp thời, đầy đủ ở từng giai đoạn điều tra, giải quyết vụ án, đảm bảo cả hai phương diện chứng cứ và thủ tục tố tụng. Đặc biệt, Viện đã tăng cường phối hợp với TAND huyện tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm để lãnh đạo liên ngành theo dõi, kiểm tra kiểm sát viên, thẩm phán trong việc giải quyết vụ án; rút kinh nghiệm trong kỹ năng hỏi, xử lý tình huống, ứng xử tại phiên tòa, góp phần nâng cao chất lượng trong công tác kiểm sát, giải quyết vụ án, khắc phục tình trạng án bị hủy, cải sửa liên quan đến trách nhiệm của kiểm sát viên. Trung bình mỗi năm Viện KSND huyện Vụ Bản tổ chức từ 7 đến 9 phiên tòa rút kinh nghiệm. Nhờ vậy, chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa ngày càng được quan tâm. Kiểm sát viên được phân công nhiệm vụ thực hành quyền công tố tại phiên tòa xét xử các vụ án hình sự, dân sự đều đã tích cực và chủ động hơn trong việc đối đáp tranh luận theo tinh thần ngày càng nâng cao chất lượng tranh tụng.
Cùng với công tác kiểm sát việc nắm, quản lý và xử lý tin báo, tố giác về tội phạm; nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động xét xử, Viện KSND huyện Vụ Bản cũng đã chú trọng công tác kiểm sát việc thi hành án hình sự, thi hành án dân sự. Riêng đối với công tác kiểm sát bắt tạm giam, tạm giữ, đơn vị luôn coi trọng việc phân công kiểm sát viên thường xuyên kiểm sát hằng ngày đối với công tác tạm giam, tạm giữ và người bị tạm giam, tạm giữ, chấp hành hình phạt tù theo đúng quy định của pháp luật. Trong năm 2017, Viện KSND huyện đã kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam 106 trường hợp; phối hợp với MTTQ huyện thực hiện 4 cuộc kiểm sát trực tiếp tại Nhà tạm giữ Công an huyện. Qua kiểm sát, Viện KSND huyện đã kịp thời phát hiện một số tồn tại cần khắc phục như: Nhà tạm giữ không có cán bộ y tế, trong khu vực Nhà tạm giữ để nhiều phương tiện giao thông vi phạm bị thu giữ, phương tiện là tang vật các vụ án. Đồng thời ban hành 4 kết luận yêu cầu Cơ quan Công an huyện khắc phục. Bên cạnh đó, Viện KSND huyện đã tăng cường kiểm sát trực tiếp việc tuân theo pháp luật trong công tác quản lý, giáo dục người chấp hành án phạt tù cho hưởng án treo và hình phạt cải tạo không giam giữ tại các xã, thị trấn. Thông qua công tác kiểm sát đã hướng dẫn các địa phương trong việc làm thủ tục xét miễn giảm thời hạn; các biện pháp giáo dục, phòng ngừa khi bị án trong thời gian thử thách có biểu hiện vi phạm pháp luật, qua đó chất lượng kiểm sát việc thi hành án hình sự trên địa bàn huyện ngày càng đạt hiệu quả cao. Công tác kiểm sát việc thi hành án dân sự được thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả. Trong đó, Viện đã tăng cường công tác phối hợp với Chi cục thi hành án dân sự huyện và các cơ quan hữu quan trong công tác thi hành án dân sự; tập trung đẩy mạnh công tác lãnh đạo đối với cán bộ, kiểm sát viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đi sâu kiểm sát đối với từng nội dung thi hành án dân sự như: việc phân loại án không có điều kiện thi hành; việc thi hành án dở dang; việc cưỡng chế, kê biên tài sản thi hành án... Đối với từng nội dung kiểm sát, Viện đã phát hiện được những vi phạm, thiếu sót trong công tác thi hành án dân sự để yêu cầu khắc phục; các bản kiến nghị và kết luận trực tiếp kiểm sát đều được Chi cục thi hành án dân sự huyện tiếp thu thực hiện.
Đồng chí Bùi Trọng Tuệ, Viện trưởng Viện KSND huyện Vụ Bản cho biết: Năm 2017, Viện KSND huyện Vụ Bản đã kiểm soát việc khởi tố 54 vụ án hình sự với 94 bị can; kiểm sát điều tra 55 vụ với 95 bị can; thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố 50 vụ/89 bị can; thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự 45 vụ/82 bị cáo. Kiểm sát giải quyết 246 vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình và 565 việc thi hành án dân sự. Thời gian tới, Viện KSND huyện Vụ Bản tiếp tục triển khai các biện pháp nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra; nâng cao chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên toà nhằm tăng tỷ lệ phát hiện, xử lý tội phạm, hạn chế việc bỏ lọt tội phạm, người phạm tội. Đồng thời tăng cường kiểm sát các hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự để phát hiện và kiến nghị, chấn chỉnh kịp thời các vi phạm trong việc điều tra, xét xử vụ án, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật, góp phần làm giảm các vi phạm trong hoạt động tư pháp./.
Bài và ảnh: Văn Trọng