Tình trạng lấn chiếm đất, đổ phế thải, san lấp tràn ra mép nước, xây dựng nhà ven sông Đào (TP Nam Định) từ lâu gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng, khiến dòng chảy bị thu hẹp, gia tăng sạt lở, ô nhiễm môi trường và gây nguy hiểm cho các phương tiện giao thông đường thủy lưu thông qua khu vực.
Theo đồng chí Phan Phương Đông, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh: Trong công tác bảo đảm trật tự ATGT đường thủy hiện nay, bất cập nhất là tình trạng người dân đổ phế thải và san lấp tràn ra mép nước, xây dựng hàng loạt công trình lấn chiếm hành lang bảo vệ sông, sử dụng đất sai mục đích, phá vỡ quy hoạch trên tuyến sông Đào. Địa phận vi phạm luồng và hành lang giao thông thủy gây bức xúc và dễ nhận thấy nhất là đoạn sát cầu Đò Quan thuộc phường Cửa Nam. Sông Đào là tuyến trung chuyển hàng hóa ra các tỉnh phía Bắc, mỗi ngày có hàng trăm phương tiện vận tải thủy trọng tải hàng nghìn tấn chạy qua. Tình trạng dòng chảy bị thu hẹp, gia tăng sạt lở hết sức nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông qua khu vực, nhất là lúc thủy triều đang lên, xuống. Nguy hiểm tăng cao vào những ngày nước lớn, đặc biệt là những người lái tàu lạ, mới tham gia lưu thông trên tuyến không thông thạo đặc điểm địa hình, nếu xảy ra sự cố tàu mất lái hoặc chết máy dẫn đến tai nạn đâm, va thì hậu quả sẽ khó lường. Theo đồng chí Trần Chí Hiền, Chủ tịch UBND phường Cửa Nam, một hệ quả xấu khác của vi phạm đổ phế thải xây dựng và san lấp tràn ra mép nước, xây dựng nhà sinh sống trái phép ven sông là xuất hiện tình trạng ngập nước kéo dài mỗi mùa mưa đến khi dòng chảy của lòng sông bị thu hẹp, thường trực nguy cơ gây thiệt hại về tài sản, nguy hiểm đến tính mạng của chính những người dân sinh sống tại đây bởi nhà xây dựng không phép, sơ sài bằng các vật liệu tạm bợ, rất dễ bị sạt lở, trôi nhà dưới tác động, sức ép của nước mùa lũ. Đặc biệt nếu không may sự cố xảy ra vào ban đêm thì hậu quả sẽ khôn lường. Đối với chính quyền các cấp phải thường xuyên quan tâm theo sát để thực hiện tối đa các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân mỗi mùa mưa bão: tuyên truyền, vận động người dân tự giác tháo dỡ vi phạm, trả lại hiện trạng ban đầu; xây dựng phương án sơ tán, cưỡng chế di dời vào vùng an toàn trong các trường hợp thiên tai khẩn cấp, nghiêm trọng.
Người dân xây lấn chiếm hành lang đường thuỷ trên sông Đào gần chân cầu Đò Quan, phường Cửa Nam (TP Nam Định). |
Cũng theo Chủ tịch UBND phường Cửa Nam, nguyên nhân dẫn đến vi phạm này là do sự buông lỏng trong quản lý của cơ sở dẫn đến các trường hợp vi phạm đã tồn tại từ lâu, trước khi phường Cửa Nam thành lập (năm 2004). Nhiều gia đình đã qua nhiều thế hệ sinh sống trong hàng chục năm qua. Từ năm 2012, địa phương đã bắt tay vào thực hiện công tác giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 đối với các hộ ảnh hưởng trực tiếp ở mép nước để thực hiện dự án kè đê bờ nam sông Đào đoạn qua Thành phố Nam Định; tuy nhiên do chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thắt chặt chi tiêu công, khó khăn về vốn nên dự án đã tạm dừng triển khai. Bên cạnh đó, cái khó của địa phương khi xử lý những hộ này là điều kiện kinh tế, hoàn cảnh sinh sống của đa số các hộ dân vi phạm rất khó khăn nên dù được tuyên truyền, vận động nhưng các hộ dân đều cố thủ, không chủ động di dời đến các nơi cư trú an toàn khác. Trong thời gian chờ đợi việc khởi động lại dự án kè đê bờ nam sông Đào đoạn qua Thành phố Nam Định và quy hoạch nơi di dời cho các hộ dân lấn chiếm hành lang ATGT đường thủy, thời gian qua, các cấp chính quyền phải tập trung quản lý các khu đất công cộng nằm sát mép sông, kiên quyết xử lý những hộ dân cố ý đổ trộm phế thải xây dựng hoặc lấn chiếm mép sông để xây dựng nhà, siết chặt quản lý cấp phép xây dựng nhà ở, kho bãi ven sông, ngăn ngừa phát sinh các trường hợp “nhảy dù” mới. Trong đó, UBND phường đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của thành phố và tỉnh, với sự vào cuộc trực tiếp của các đồng chí lãnh đạo UBND các cấp kịp thời xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm đổ phế thải san lấp các khu vực đất trống ven sông cũng như các trường hợp vi phạm gây ảnh hưởng đến công trình đê điều, hành lang ATGT đường thủy. Đối với các hộ vi phạm xây dựng nhà sinh sống lâu đời ven sông Đào, UBND phường Cửa Nam thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND thành phố, tập trung giám sát, kiên quyết ngăn chặn đầu tư sửa chữa, cải tạo thành nhà kiên cố, bảo đảm giữ nguyên hiện trạng, không để nâng cấp mức độ vi phạm so với tình trạng khi bàn giao.
Việc lấn chiếm đất sông để làm nhà tại phường Cửa Nam chỉ là một trong các dạng vi phạm pháp luật đê điều, đất hành lang bảo vệ đê điều, ATGT đường thủy trên các tuyến sông, cửa biển trên địa bàn tỉnh. Kinh nghiệm qua việc giải tỏa mặt bằng phục vụ thi công kè đê phía bắc sông Đào đã triển khai trước kia cho thấy việc phát sinh, tồn tại các trường hợp lấn chiếm đất đổ phế thải, san lấp tràn ra mép nước xây dựng nhà ven sông gây nhiều phức tạp, tốn kém thời gian, kinh phí, sức lực. Vì vậy, việc siết chặt quản lý, không để phát sinh và xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm lấn chiếm đất đổ phế thải, san lấp tràn ra mép nước xây dựng nhà ven sông là việc làm rất cấp thiết không chỉ trên địa phận phường Cửa Nam mà tất cả các địa phương có hệ thống đê điều, đường thủy phải quan tâm thực hiện. Trong đó, các địa phương cần tập trung thực hiện nghiêm Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 23-8-2017 của UBND tỉnh về việc thực hiện Luật Đê điều, Luật Phòng chống thiên tai, Luật Xây dựng, Luật Giao thông đường thủy nội địa, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước... tăng cường quản lý, kiểm tra, dứt điểm xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm đất đổ phế thải, san lấp, xây dựng nhà ở, nhà xưởng, vật kiến trúc, lập bến tập kết kinh doanh vật liệu trái phép... ven sông gây mất an toàn đê điều, thoát lũ, ATGT đường thủy./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy