Đã hơn 12 năm nay, hoạt động sản xuất của Cty CP Mạnh Chí tại cụm công nghiệp (CCN) Xuân Bắc, xã Xuân Bắc (Xuân Trường) luôn trong tình trạng phát thải bừa bãi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, sinh hoạt và gây bức xúc kéo dài trong nhân dân địa phương…
Ô nhiễm môi trường kéo dài
Theo đơn thư phản ánh của bạn đọc Báo Nam Định ở các xóm 1, 2, 4, 10, xã Xuân Bắc và xóm 12, xã Xuân Thủy (Xuân Trường), chúng tôi về địa phương để tìm hiểu thực chất việc Cty CP Mạnh Chí gây ô nhiễm môi trường đã diễn ra trong suốt hàng chục năm qua. Quá trình tìm hiểu, chúng tôi được biết: Cty CP Mạnh Chí là đơn vị chuyên sản xuất, chế biến giấy tái sinh, giấy Kráp. Cty hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 0703000263 do Sở KH và ĐT cấp ngày 8-1-2005. Cty được UBND tỉnh cho thuê 5.240m2 tại CCN Xuân Bắc để xây dựng nhà máy sản xuất giấy tại Quyết định số 2424/QĐ-UB ngày 27-9-2004. Tiếp đó ngày 8-7-2005, Cty CP Mạnh Chí cũng đã được Sở TN và MT cấp phiếu xác nhận bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường số 401/2004/MTg. Tại thời điểm bắt đầu đi vào hoạt động, Cty có 4 giàn máy sản xuất giấy vàng mã và 1 giàn máy sản xuất giấy Kráp. Mỗi năm Cty sử dụng khoảng 3.000 tấn giấy nguyên liệu là các loại giấy phế liệu thu gom được, cùng 40 tấn mùn cưa, 10 tấn bột đá, 4 tấn phèn và 4 tấn nhựa thông. Ngoài ra, Cty còn có 3 lò hơi có tổng công suất 2 tấn/giờ, tiêu thụ khoảng 3 tấn than/ngày đêm. Nước phục vụ việc sản xuất chủ yếu là nước sông được sử dụng tuần hoàn trong bể, mỗi ngày bổ sung thêm khoảng 5m3… Mặc dù có đầy đủ các thủ tục cần thiết về mặt pháp lý nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, các loại phát thải của Cty, chủ yếu là chất thải rắn (sỉ than, băng dính, đai ni-lông, bùn, bột giấy phế thải), nước thải, khí thải không được xử lý đã xả thải trực tiếp ra môi trường, gây mùi khó chịu và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân trong khu vực. Trước tình trạng trên, ngày 9-10-2005, cán bộ, đảng viên và nhân dân xóm 2, xã Xuân Bắc đã có đơn với hơn 100 chữ ký kiến nghị Chính phủ; nhân dân xóm 1 bức xúc kéo lên trụ sở UBND xã Xuân Bắc để phản đối… Sự việc trên đã khiến Bộ TN và MT, Sở TN và MT vào cuộc thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất của Cty CP Mạnh Chí. Tại kết luận thanh tra bảo vệ môi trường (BVMT) đối với Cty CP Mạnh Chí (số 423 ngày 26-1-2006) của Bộ TN và MT, khẳng định: “Cty đã xả thải ra môi trường vượt tiêu chuẩn cho phép theo tiêu chuẩn Việt Nam 5945-1995, vi phạm quy định tại Điều 16 Luật BVMT. Khai thác tài nguyên nước không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền. Chất thải rắn chưa được xử lý theo quy định, chưa có biện pháp xử lý giảm thiểu ô nhiễm môi trường khí thải lò hơi; chưa có biện pháp xử lý mùi phát sinh trong quá trình sản xuất giấy. Cty chưa có giấy phép xả nước thải và thông báo nộp phí nước thải theo quy định, nội dung bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường còn sơ sài, thiếu các biện pháp xử lý các phát thải nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và chương trình giám sát chất lượng môi trường định kỳ”. Tiếp đó, theo kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật BVMT ngày 6-12-2006 của Sở TN và MT trước yêu cầu xác minh đơn đề nghị của 46 đảng viên và một số công dân xóm 2, xã Xuân Bắc thì “việc phản ánh cơ sở sản xuất giấy tái sinh thuộc Cty CP Mạnh Chí tại CCN xã Xuân Bắc, huyện Xuân Trường thải nước thải gây ô nhiễm môi trường là đúng sự thật”. Việc vi phạm các quy định về BVMT, ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt của người dân địa phương của Cty CP Mạnh Chí đã được các cơ quan chức năng chỉ rõ. Tuy nhiên, việc tìm kiếm và áp dụng những giải pháp hiệu quả để khắc phục, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường nêu trên trong suốt những năm qua của đơn vị này hầu như không có?! Điều đó cứ âm ỉ kéo dài khiến người dân không chỉ của xã Xuân Bắc mà cả xã Xuân Thủy là khu vực trực tiếp bị ảnh hưởng bởi tình trạng sản xuất gây ô nhiễm khá bức xúc và liên tục gửi đơn thư kiến nghị các cấp chính quyền, ngành chức năng mong được giải quyết tình trạng trên.
Trụ sở Cty CP Mạnh Chí, xã Xuân Bắc (Xuân Trường). |
Sự bức xúc từ phía người dân
Trong suốt hơn 12 năm qua bị “bức tử” bởi hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường sống của Cty CP Mạnh Chí, nhân dân các xóm 1, 2, 4, 10, xã Xuân Bắc và xóm 12, xã Xuân Thủy đã đồng loạt ký đơn “kêu cứu” gửi các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Trong đơn thư gửi đồng chí Tổng Biên tập Báo Nam Định, các hộ dân ở 5 xóm cho biết: Vị trí xây dựng nhà xưởng, thiết bị máy móc sản xuất giấy tái sinh, giấy Kráp của Cty CP Mạnh Chí đặt ngay giữa trung tâm khu dân cư với mật độ dân số đông nhất huyện Xuân Trường. Sản phẩm làm ra không đúng với đăng ký. Trong suốt thời gian Cty sản xuất, người dân luôn bị “tra tấn” bởi bụi than, sỉ than, củi, khói, khí thải khét lẹt… Từ phản ánh của người dân, phóng viên đã trực tiếp có mặt tại các xóm để ghi nhận thực tế. Theo quan sát và tìm hiểu, Cty CP Mạnh Chí hoạt động liên tục tất cả các ngày trong tuần và thời gian gần đây thì hoạt động mạnh hơn về đêm. Khi Cty bắt đầu sản xuất, ở các khu vực xung quanh, mùi khét độc hại của các loại hóa chất dùng để ngâm ủ, tẩy trắng, nhuộm màu luôn bốc ra nồng nặc rất khó chịu. Trao đổi với chúng tôi, bác Đỗ Quang Tuyến, 74 tuổi ở xóm 2 cho biết: Nhà tôi cách Cty chưa đến 100m nên hằng ngày phải hứng chịu mùi hôi thối của bùn lắng, mùi khét lẹt của hỗn hợp nhiều loại hóa chất, rồi bụi than, củi. Mỗi khi trời có gió Đông Nam thì tất cả nhà dân ở xóm 1, 2, 4, 5 phải đóng cửa vì không chịu nổi mùi thải của Cty xả ra. Nếu gió Tây Nam thì không chỉ người dân mà cả 2 trường tiểu học và trung học cơ sở xã cũng phải đóng kín cửa mới có thể chịu được?!. Cùng chung nỗi bức xúc với bác Tuyến, đồng chí Đỗ Văn Hiền, Trưởng xóm 2 chia sẻ: “Nhà tôi cách Cty hơn 50m nên chỉ sau vài phút Cty hoạt động là ngửi thấy ngay các loại mùi hóa chất, sỉ than, củi, ni-lông, giấy thải loại ngâm ủ bốc mùi nồng nặc khiến mọi người không thể ngửi được. Mùa hè oi bức, cả ngày đi làm vất vả đến tối muốn mở cửa nhà cho thoáng mát thì Cty hoạt động nên phải đóng kín cửa ngay lập tức, mọi người phải ở trong nhà nếu không thì không thể chịu được. Càng về đêm, Cty càng xả ra nhiều loại khí rất khó tả. Vào những ngày trời nặng khí, khói thải, khí thải và bụi than bay thấp làm không khí thật nặng nề và bức bách, khiến đời sống, sinh hoạt của người dân chúng tôi bị đảo lộn”. Một điều rất đáng nghi ngại hơn là: “Cả xóm 2 có hơn 700 khẩu thì trong vài năm gần đây đã có 33 người bị mắc bệnh ung thư, trong đó đã có 26 người chết. Hiện còn 7 người đang mang “trọng bệnh” thì có 3 người ở tình trạng nguy kịch. Ngoài ra, số người bị các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, hô hấp… cũng có xu hướng gia tăng và cao hơn hẳn các xóm khác” - bác Tuyến chia sẻ thêm.
Trong những năm qua, người dân chung quanh Cty CP Mạnh Chí đã liên tục gửi đơn thư đề nghị các cấp chính quyền, các ban, ngành ở địa phương có biện pháp yêu cầu Cty khắc phục nhưng không có sự chuyển biến. Cty vẫn “ngang nhiên” hoạt động trước sự bức xúc ngày càng tăng của người dân. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đỗ Văn Ngọc, Chủ tịch UBND xã Xuân Bắc cho biết: CCN xã chính thức đi vào hoạt động từ năm 2004. Hiện, CCN có 19 hộ sản xuất, kinh doanh, trong đó chủ yếu là các hộ sản xuất chế biến lâm sản, cơ khí. Chỉ có duy nhất Cty CP Mạnh Chí là sản xuất giấy. Khi CCN thuộc sự quản lý của UBND xã thì chúng tôi thường xuyên cử cán bộ đôn đốc, nhắc nhở. Tuy nhiên từ năm 2013 đến nay, xã chỉ quản lý về mặt hành chính còn mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hộ sản xuất trong CCN đều thuộc Trung tâm Phát triển CCN huyện Xuân Trường. Khi người dân bức xúc phản ánh, chính quyền xã cũng chỉ biết tiếp thu, đề nghị cấp có thẩm quyền giải quyết, còn việc can thiệp hay xử lý là không thể vì không thuộc thẩm quyền và cũng không có khả năng về mặt phương tiện, kỹ thuật, trình độ cũng như kinh phí thực hiện. Về phía Trung tâm Phát triển CCN huyện, đồng chí Ngô Doãn Thọ, Giám đốc trung tâm cho biết: Chúng tôi đã nhận được ý kiến phản ánh của người dân và đang xem xét thành lập đoàn thanh tra để kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh của Cty CP Mạnh Chí trong thời gian tới (!?).
Ở một diễn biến khác liên quan, nằm trong chương trình kiểm tra, thanh tra hằng năm của ngành, tháng 8-2017, Sở TN và MT đã thành lập đoàn và đã tiến hành kiểm tra tại Cty CP Mạnh Chí. Sau khi tiến hành thanh tra, kiểm tra tại thực địa, đoàn đã dự thảo báo cáo, lập biên bản kết quả kiểm tra nhưng đại diện Cty là ông Nguyễn Văn Hiền, Phó giám đốc đơn vị đã không ký?!. Trước tình hình trên, cùng với tuyên truyền, hướng dẫn yêu cầu áp dụng biện pháp khắc phục và xem xét đơn thư phản ánh của người dân xã Xuân Bắc, trong các ngày 8 và 25-9-2017, Sở TN và MT tiếp tục mời lãnh đạo Cty lên làm việc. Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo Sở TN và MT, huyện Xuân Trường, Chi cục BVMT, Phòng TN và MT huyện Xuân Trường, Trung tâm Phát triển CCN huyện Xuân Trường và xã Xuân Bắc. Tuy nhiên kết thúc các buổi làm việc này, Giám đốc Cty là bà Đỗ Thị Lý vẫn không ký vì “không công nhận các hành vi vi phạm” mà chỉ có các bên tham gia buổi làm việc ký nhận. Khi phóng viên nêu câu hỏi về những hành vi vi phạm được nêu trong dự thảo báo cáo kết luận buổi kiểm tra cụ thể là gì thì đại diện đơn vị chức năng của Sở TN và MT xin không nêu, với lý do “đang trong quá trình điều tra nên chưa thể cung cấp cho báo chí”.
Vẫn theo thông tin từ Sở TN và MT, mặc dù không đồng ý ký thừa nhận hành vi vi phạm nhưng ngay ngày hôm sau (tức 26-9-2017) bà Đỗ Thị Lý đã lên và chuyển cho Sở TN và MT một văn bản xin cho phép Cty được lập dự án chuyển đổi mô hình sản xuất. Theo Văn bản số 18/CV-CTMC ngày 26-9-2017 về việc xin chuyển đổi mô hình sản xuất, Cty CP Mạnh Chí đề nghị UBND tỉnh, Sở TN và MT, UBND và Trung tâm Phát triển CCN huyện Xuân Trường tạo điều kiện cho Cty được chuyển đổi mô hình sản xuất giấy sang sản xuất, chế biến và kinh doanh các sản phẩm từ gỗ. Với trách nhiệm của mình, lãnh đạo Sở TN và MT đã giao Chi cục BVMT nhanh chóng hướng dẫn và hỗ trợ Cty thực hiện chuyển đổi mô hình sản xuất nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay. Được biết, ngày 4-10-2017 tới các bên liên quan sẽ có buổi làm việc với Cty CP Mạnh Chí để có sự thống nhất và những bước đi cụ thể tiếp theo để hỗ trợ Cty thực hiện chuyển đổi mô hình sản xuất theo đơn đề nghị của đơn vị này.
Sự bức xúc vì môi trường sống bị ô nhiễm do hoạt động sản xuất từ Cty CP Mạnh Chí của người dân địa phương là hoàn toàn có thật. Vì vậy điều dư luận mong muốn nhất lúc này là sự vào cuộc tích cực, chủ động và có trách nhiệm của các cơ quan để hỗ trợ Cty CP Mạnh Chí chuyển đổi mô hình sản xuất, giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường. Đồng thời làm rõ và xử lý nghiêm trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức và các bên liên quan khi để tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài khiến người dân bức xúc, ảnh hưởng đến trật tự an toàn, an sinh xã hội ở địa phương./.
Bài và ảnh: Khôi Nguyên