Thời gian qua, Báo Nam Định đã nhận được nhiều đơn thư của bạn đọc phản ánh những sai phạm của Chỉ huy trưởng quân sự xã Liêm Hải (Trực Ninh) trong việc thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước đối với các đối tượng được hưởng chế độ theo Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg và Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Những sai phạm này xảy ra trong thời gian dài nhưng đến nay cấp ủy Đảng, chính quyền và các ngành chức năng của địa phương vẫn chưa giải quyết dứt điểm, gây bức xúc trong dư luận.
Tiền hậu bất nhất…
Trước những thông tin được bạn đọc cung cấp, ngày 20-9-2016 Báo
Nam Định đã có Công văn số 61-CV/BNĐ gửi UBND xã Liêm Hải đề nghị làm rõ một số vấn đề để Báo
Nam Định trả lời bạn đọc theo quy định, đó là: Có hay không việc đồng chí Đỗ Hải Chiều, Chỉ huy trưởng quân sự xã tự ý thu tiền với mức 100 nghìn đồng/người của các đối tượng được hưởng chế độ theo Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ. Và, trong quá trình tiếp công dân, giải quyết công việc, đồng chí Chiều thường xuyên có thái độ không chuẩn mực của một công chức, hách dịch, chửi bới người dân. Ngay sau khi nhận được công văn của Báo
Nam Định, ngày 22-9-2016 UBND xã Liêm Hải đã có văn bản do đồng chí Đinh Quang Vịnh, Chủ tịch UBND xã ký trả lời, rằng: “Việc ông Đỗ Hải Chiều, Chỉ huy trưởng quân sự xã Liêm Hải tự ý thu tiền với mức 100 nghìn đồng (một trăm nghìn đồng/người), không có biên lai, không nói rõ mục đích, lý do thu tiền, UBND xã Liêm Hải “hoàn toàn không biết” việc này nên không đủ căn cứ để cung cấp cho tòa soạn Báo
Nam Định”. Còn nội dung thứ hai về “hiện tượng văn hóa ứng xử khi tiếp công dân là “có nhưng không thường xuyên” mà chỉ khi do áp lực công việc hoặc gia đình có việc nên có uống chút rượu, bia…”. Trước những câu trả lời không rõ ràng, thiếu thuyết phục và không thỏa đáng, phóng viên Báo
Nam Định đã về địa phương để tìm hiểu thực chất những vấn đề chung quanh sự việc này là gì? Có hay không tình trạng thu 100 nghìn đồng, mà thực chất là “ăn chặn tiền” của những người đã không tiếc máu xương, sẵn sàng chiến đấu hy sinh để bảo vệ Tổ quốc? Có việc công chức cấp xã uống rượu, bia khi làm việc ở công sở và gây sách nhiễu đối với công dân hay không? Và, nếu có những sai phạm trên mà đến nay vẫn chưa giải quyết thì liệu có sự bao che, dung túng của lãnh đạo xã hay không?
Có thể nói, Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27-10-2008 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương và Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 9-11-2011 về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở các nước Căm-pu-chia, giúp nước bạn Lào sau ngày 30-4-1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Chính phủ hợp lòng dân. Việc giải quyết tốt chế độ, chính sách đối với các đối tượng này thể hiện truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của Đảng, Nhà nước và quân đội ta, góp phần chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của các đối tượng, đồng thời tăng cường an sinh xã hội và ổn định tình hình chính trị ở các địa phương. Chủ trương đúng đắn là thế nhưng việc thực hiện chính sách này ở xã Liêm Hải đã bị làm sai lệch, gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân địa phương nói chung và các đối tượng được hưởng chính sách này nói riêng. Vừa qua khi tiếp xúc với các bác là những người trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Căm-pu-chia, giúp nước bạn Lào… đã phục viên, xuất ngũ về địa phương, chúng tôi nhận thấy rõ sự bức xúc trong việc thực hiện Quyết định số 142 của Hội đồng chính sách và Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định số 62 xã Liêm Hải. Trao đổi với chúng tôi, các bác: Nguyễn Thanh T, ở xóm 3; Phạm Thanh D, xóm 6; Nguyễn Văn R, xóm 1, Trực Hải, xã Liêm Hải cho biết: “Khi xã có giấy triệu tập chúng tôi (những đối tượng được thụ hưởng chính sách) lên hội trường để thông báo, hướng dẫn cách thức làm hồ sơ để được hưởng chế độ trợ cấp theo quy định thì đồng chí Đỗ Hải Chiều, Chỉ huy trưởng quân sự xã Liêm Hải đã yêu cầu chúng tôi phải nộp 100 nghìn đồng mà không hề nêu lý do và không có bất cứ sổ sách, giấy tờ gì để chứng minh khoản thu này; nếu ai không nộp thì sẽ không được làm hồ sơ...?!”. Không chỉ thu tiền sai quy định mà đồng chí Đỗ Hải Chiều còn có thái độ không đúng mực của một công chức khi tiếp xúc, trao đổi và xử lý công việc đối với người dân của địa phương. Bác Nguyễn Thanh T nhập ngũ tháng 9-1965 và được biên chế vào Quân chủng Phòng không - Không quân; đến năm 1977 xuất ngũ về địa phương rồi đi kinh tế mới tại huyện Chấn Yên (Yên Bái). Khi chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, bác và 5 người cùng quê Liêm Hải có tham gia dân công hỏa tuyến từ tháng 2 đến tháng 4-1979. Khi bác T mang giấy tờ liên quan lên gặp đồng chí Chỉ huy trưởng quân sự xã để hoàn thiện hồ sơ của mình (theo Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg ngày 14-10-2015 của Thủ tướng Chính phủ) để được hưởng chế độ đối với những người đã từng tham gia dân công hỏa tuyến phục vụ chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 thì bị đuổi ra ngoài với lý do không thuộc diện được thụ hưởng chính sách. Trong khi đó, ông Đinh Minh Trí, ở xóm 5, miền Trực Liêm cùng tham gia dân công hỏa tuyến với bác T lại được hưởng chế độ? Bác T khẳng định, trong quá trình thắc mắc về chế độ, chính sách, bác luôn giữ thái độ chừng mực, nghiêm túc và không căng thẳng với đồng chí Chiều, tuy nhiên thay vì giải đáp cho bác T hiểu thì đồng chí Chiều đã “chửi tục” và “đuổi” bác ra ngoài. Sau khi bị đuổi ra ngoài, bác T tiếp tục quay lại nhưng một lần nữa bị đồng chí Chiều đuổi ra và không làm việc trước sự chứng kiến của nhiều người. Việc làm trên của đồng chí Chỉ huy trưởng quân sự xã không chỉ khiến bác T cảm thấy bị xúc phạm đến danh dự bản thân mà còn khiến quần chúng nhân dân địa phương rất bức xúc về thái độ, cung cách ứng xử của người cán bộ, công chức là đảng viên nơi “công sở” trong khi tiếp công dân…
Tiếp tục tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến những sai phạm trên, chúng tôi nhận thấy: Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 144/2008/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC ngày 27-11-2008 của Bộ Quốc phòng - Bộ LĐ-TB và XH - Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg và Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC ngày 5-1-2012 của Bộ Quốc phòng - Bộ LĐ-TB và XH - Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì “Kinh phí chi trả chế độ trợ cấp một lần bao gồm kinh phí chi trả cho đối tượng được hưởng trợ cấp và kinh phí bảo đảm cho công tác chi trả gồm: xét duyệt, thẩm định hồ sơ; chi tuyên truyền, phổ biến chính sách; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ; sơ, tổng kết; in ấn mẫu biểu, giấy tờ quản lý và mua sắm, sửa chữa nhỏ trang bị, đồ dùng văn phòng phục vụ công tác chi trả...” đã được “Nhà nước bảo đảm từ nguồn ngân sách Trung ương”. Tuy nhiên, khi UBND xã Liêm Hải triển khai thực hiện việc chi trả chế độ theo quy định của Quyết định số 142 và Quyết định số 62 đã thành lập: Hội đồng chính sách xã (thực hiện Quyết định số 142) và Ban chỉ đạo xã (thực hiện Quyết định số 62). Sau khi thành lập, lấy lý do “Ngân sách xã khó khăn nên không có kinh phí để bố trí cho việc thực hiện Quyết định số 142 và Quyết định số 62”, Hội đồng chính sách và Ban chỉ đạo xã đã xin chủ trương và được Thường trực Đảng ủy, UBND xã đồng ý thu mỗi đối tượng được hưởng chế độ 50 nghìn đồng và thống nhất giao cho đồng chí Đỗ Hải Chiều - Chỉ huy trưởng quân sự xã, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội đồng chính sách xã và Phó Chủ tịch thường trực Ban chỉ đạo trực tiếp thực hiện. Chưa dừng lại ở đó, khi tổ chức hội nghị triển khai thực hiện các Quyết định trên, đồng chí Chỉ huy trưởng quân sự xã tiếp tục thu thêm mỗi đối tượng làm hồ sơ hưởng chế độ 50 nghìn đồng nữa. Như vậy, với việc “bật đèn xanh” của xã và sự “thiếu trách nhiệm” của mình, đồng chí Chỉ huy trưởng quân sự xã Liêm Hải đã thực hiện thu tiền của các đối tượng thuộc diện được hưởng chế độ theo Quyết định số 142 và Quyết định số 62 trái với quy định hướng dẫn của Chính phủ.
Tại buổi làm việc với chúng tôi vào chiều ngày 17-10-2016, đồng chí Đinh Quang Vịnh, Chủ tịch UBND xã Liêm Hải đã thừa nhận: Việc đồng chí Chỉ huy trưởng quân sự xã có thu tiền của các đối tượng được hưởng chế độ theo Quyết định số 142 và Quyết định số 62 cũng như thái độ, cách hành xử của công chức này là có thật. Như vậy, đối chiếu với nội dung mà đồng chí Chủ tịch UBND xã Liêm Hải trả lời Báo
Nam Định tại văn bản ngày 22-9-2016 đã thực sự “tiền hậu bất nhất”. Và càng khó chấp nhận khi biết rằng: Mọi hoạt động của Hội đồng chính sách và Ban chỉ đạo đều được “báo cáo” với đồng chí Chủ tịch UBND xã, đồng thời là Chủ tịch hội đồng và trưởng Ban chỉ đạo xã. Dư luận đặt câu hỏi: Vậy số tiền thu được từ sự đóng góp của các đối tượng người có công được chi như thế nào và có “đúng người, đúng việc” hay không? Vai trò và trách nhiệm của lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương này ra sao khi để xảy ra chuỗi sai phạm trong việc thực hiện một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước?
(còn nữa)
Khôi Nguyên
và
Khánh An
[links()]