Trong những năm qua, cùng với công tác quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên nói chung, Thành phố Nam Định đã quan tâm đến công tác quản lý, giáo dục số thanh, thiếu niên hư có nguy cơ vi phạm pháp luật. Nhiều biện pháp, mô hình phong trào trong công tác này đã được triển khai bước đầu đạt kết quả tích cực như: phong trào quản lý giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư, phong trào xây dựng khu dân cư không tội phạm, không ma túy, không có tệ nạn xã hội… Tuy nhiên thực tế cho thấy, công tác quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên hư phòng ngừa vi phạm pháp luật còn nhiều khó khăn, phức tạp đòi hỏi phải có sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành và toàn xã hội.
Trên thực tế hiện nay trên địa bàn Thành phố Nam Định còn một bộ phận không nhỏ thanh, thiếu niên thiếu rèn luyện tu dưỡng dẫn đến hư hỏng và vi phạm pháp luật. Hoạt động của số thanh, thiếu niên hư diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, hình thành các băng, ổ nhóm tụ tập ăn chơi dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật. Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, từ năm 2009 đến giữa năm 2014, trên địa bàn thành phố xảy ra 1.214 vụ phạm pháp hình sự, trong đó đối tượng gây án trong độ tuổi thanh, thiếu niên có 512 đối tượng (chiếm 53,7%); tỷ lệ thanh, thiếu niên nghiện ma túy chiếm 70-80%; đối tượng gây tai nạn giao thông trong độ tuổi thanh, thiếu niên chiếm 75%. Những hành vi cố tình vi phạm pháp luật về an toàn giao thông, tổ chức đi xe máy tốc độ cao, lạng lách đánh võng 100% đối tượng trong độ tuổi thanh, thiếu niên.
Cán bộ tổ dân phố và Cảnh sát khu vực (Công an phường Vỵ Hoàng) trao đổi kinh nghiệm công tác quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên hư. |
Trước tình hình trên đặt ra yêu cầu phải có các biện pháp mạnh để quản lý, giáo dục phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm trong thanh, thiếu niên nói chung và thanh, thiếu niên hư có nguy cơ vi phạm pháp luật nói riêng. Theo đó, từ năm 2009, Thành phố Nam Định đã bắt đầu triển khai thực hiện Đề án quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên hư, có nguy cơ vi phạm pháp luật nhằm phát huy vai trò của các ngành, đoàn thể và toàn dân tham gia hiệu quả vào công tác quản lý giáo dục thanh, thiếu niên hư góp phần giữ vững và ổn định tình hình trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm và ma túy thành phố và các phường, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các ban, ngành, đoàn thể, tổ dân phố, thôn, xóm và các hộ dân tham gia phối hợp thực hiện. Thông qua nhiều hình thức tuyên truyền phong phú với nội dung cụ thể, thiết thực như: tổ chức các buổi họp dân, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh và tuyên truyền lưu động trên các đường phố, lồng ghép tuyên truyền phòng ngừa tội phạm, ma túy, đảm bảo ANTT, TTATGT với các phong trào khác của địa phương, đồng thời gặp gỡ từng gia đình có đối tượng thanh, thiếu niên hư, có nguy cơ vi phạm pháp luật để vận động, phối hợp đưa con em vào diện quản lý giáo dục. Trong 5 năm qua, các phường, xã đã huy động hàng trăm lượt cán bộ cơ sở, các đoàn thể xã hội tham gia tuyên truyền, vận động và đã tổ chức 1.850 buổi họp các tổ dân; Ban văn hóa thông tin và Công an các phường, xã tuyên truyền hàng nghìn lượt trên hệ thống loa truyền thanh và lưu động với các nội dung như: Đối tượng thanh, thiếu niên hư cần đưa vào quản lý, giáo dục; các biện pháp quản lý, giáo dục và trách nhiệm của gia đình, các đoàn thể. Lực lượng Cảnh sát khu vực, Công an phụ trách xã đã phối hợp với lực lượng an ninh cơ sở phát hàng vạn tờ rơi tuyên truyền về công tác quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên hư có nguy cơ vi phạm pháp luật. Cùng với công tác tuyên truyền, lực lượng Công an các phường, xã đã phối hợp với tổ trưởng dân phố, trưởng thôn, xóm triển khai rà soát, lập danh sách số thanh, thiếu niên hư, có nguy cơ vi phạm pháp luật trên địa bàn. Trên cơ sở đó, lực lượng Cảnh sát khu vực và Công an xã tiến hành lập hồ sơ và báo cáo đề xuất chủ tịch UBND phường, xã ra thông báo quản lý giáo dục và giao cho nhóm công tác quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên hư ở tổ dân phố, thôn, xóm quản lý giáo dục, giúp đỡ đối tượng. Với từng trường hợp cụ thể, nhóm công tác đã xây dựng kế hoạch và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên thường xuyên xuống phối hợp cùng các gia đình gần gũi động viên, giúp đỡ các em tiến bộ, đồng thời lập sổ theo dõi giữa gia đình và nhóm công tác để phản ánh thường xuyên những chuyển biến tâm lý, ý thức chấp hành của đối tượng quản lý để tiếp tục có những biện pháp giáo dục, quản lý hiệu quả.
Với các biện pháp tích cực, đồng bộ, trong 5 năm thực hiện Đề án quản lý, giáo dục thanh thiếu niên hư, có nguy cơ vi phạm pháp luật (2009-2014), các phường, xã trên địa bàn thành phố đã rà soát, lập hồ sơ đưa vào diện quản lý, giáo dục 645 trường hợp (trong đó có 126 trường hợp là học sinh); kết quả đã có 480 trường hợp tiến bộ đưa ra khỏi diện quản lý, giáo dục theo Đề án. Bên cạnh việc triển khai các biện pháp quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên hư, có nguy cơ vi phạm pháp luật, Công an thành phố đã liên tục mở các đợt tấn công trấn áp các loại tội phạm góp phần đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi các nhân tố phát sinh tội phạm trên địa bàn. Trong 5 năm qua, Công an thành phố đã điều tra 512 vụ. 663 đối tượng phạm pháp hình sự do đối tượng là thanh, thiếu niên gây ra; triệt phá 16 ổ nhóm thanh, thiếu niên côn đồ càn quấy…
Những kết quả trong thực hiện Đề án quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên hư, có nguy cơ vi phạm pháp luật đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm trong lứa tuổi thanh, thiếu niên trên địa bàn thành phố. Thông qua việc thực hiện Đề án đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là sự tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể: MTTQ, Hội Phụ nữ, Hội CCB, Đoàn Thanh niên ở phường, xã đã phối hợp chặt chẽ, áp dụng đồng bộ các biện pháp giáo dục, giúp đỡ các thanh, thiếu niên hư trở thành những thanh, thiếu niên tiến bộ, giảm những nhân tố phát sinh tội phạm, góp phần giữ vững ổn định tình hình ANTT trên địa bàn thành phố./.
Bài và ảnh: Thu Thuỷ