Đẩy mạnh hoạt động trợ giúp pháp lý cho ngư dân các xã ven biển Giao Thủy

10:01, 07/01/2013

Huyện Giao Thủy có 32km bờ biển thuộc 9 xã, thị trấn ven biển với gần 84.904 khẩu. Những năm qua, nghề khai thác, nuôi trồng thủy sản phát triển đã góp phần nâng cao đời sống của ngư dân và làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn ven biển của huyện. Tuy nhiên, do điều kiện lao động trên các vùng đầm bãi, ngoài khơi nên nhiều ngư dân không có điều kiện tiếp cận thường xuyên với các thông tin pháp luật của Đảng, Nhà nước và các quy định của địa phương, đã vô tình vi phạm pháp luật trong nuôi trồng, khai thác thủy sản cũng như trong đời sống sinh hoạt, gây khó khăn trong công tác quản lý điều hành của chính quyền địa phương.

Cán bộ Chi nhánh Trợ giúp pháp lý số 2, huyện Giao Thủy chuẩn bị nội dung trợ giúp pháp lý lưu động cho ngư dân ven biển.
Cán bộ Chi nhánh Trợ giúp pháp lý số 2, huyện Giao Thủy chuẩn bị nội dung trợ giúp pháp lý lưu động cho ngư dân ven biển.

Từ thực tế trên, những năm qua Huyện ủy, UBND huyện Giao Thủy đã tập trung chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, trợ giúp pháp lý cho nhân dân trong huyện, trong đó đặc biệt quan tâm đến ngư dân ở các xã ven biển. Thực hiện quyết định của UBND tỉnh, tháng 10-2011, UBND huyện phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Nội vụ, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh tổ chức thành lập và ra mắt Chi nhánh Trợ giúp pháp lý số 2 thuộc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh. Ngay sau khi thành lập, Chi nhánh Trợ giúp pháp lý số 2 đã phối hợp với Phòng Tư pháp huyện tiến hành hỗ trợ 9 xã, thị trấn ven biển kiện toàn, duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của 25 câu lạc bộ “Trợ giúp pháp lý”, “Phụ nữ vì sự bình yên tuyến biển”, “Nông dân với pháp luật”, “Thanh niên với pháp luật” và trên 100 tổ hòa giải tại địa bàn dân cư. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trợ giúp pháp lý, từ đầu năm 2012 đến nay, Chi nhánh trợ giúp pháp lý số 2 đã phối hợp với Phòng Tư pháp huyện tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật cho gần 1.500 lượt người là cán bộ các xã, thị trấn, chủ nhiệm các câu lạc bộ pháp luật, tổ trưởng hòa giải và trực tiếp trợ giúp pháp lý lưu động cho nhân dân các xã ven biển. Trước mỗi cuộc trợ giúp pháp lý, Chi nhánh phối hợp với các xã, thị trấn thông báo trên đài truyền thanh xã, thị trấn; loa phát thanh thôn, xóm, khu phố thời gian, địa điểm, chương trình trợ giúp pháp lý để nhân dân được biết. Tại các buổi sinh hoạt, đều có sự tham gia của lãnh đạo xã và đại diện các tổ chức đoàn thể địa phương. Kinh phí tổ chức mỗi cuộc trợ giúp từ 2-3 triệu đồng do Hội đồng PHPBGDPL huyện, Hội Nông dân huyện và Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh hỗ trợ. Việc đổi mới hoạt động trợ giúp pháp lý với hình thức lưu động, trực tiếp tại thôn, xóm, khu phố thời gian qua đã làm tăng số người yêu cầu trợ giúp pháp lý vì người dân không phải đi xa. Các nội dung yêu cầu trợ giúp đều gần gũi, thiết thực với thực tế cuộc sống, xoay quanh những chi tiết thường ngày trong việc thực hiện chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng, người cao tuổi, các vấn đề pháp luật về dân sự như: hộ tịch, thủ tục thừa kế, hôn nhân gia đình, bạo lực gia đình… Qua việc trợ giúp pháp lý tại chỗ, nhiều vấn đề trước đây người dân băn khoăn nay có dịp được bày tỏ và được giải đáp. Ông Nguyễn Trọng B, xã Giao An hỏi người được tặng Huân, Huy chương Chiến sỹ giải phóng có được hưởng chế độ gì không? Bà Đinh Thị N, xã Giao An hỏi gia đình bà nhận nuôi con nuôi từ nhỏ nhưng chưa làm thủ tục đăng ký nuôi con nuôi tại cơ quan có thẩm quyền, bây giờ phải làm thủ tục đăng ký như thế nào? Hay trường hợp của ông Đinh Duy B, xã Giao An hỏi gia đình đang nuôi 5 người cháu ruột, hiện có 3 cháu đang đi học tại trường mầm non, trường tiểu học, THCS của xã, các cháu đều có hộ khẩu tại gia đình ông thì các cháu có được miễn giảm học phí không?... Tại các buổi trợ giúp pháp lý lưu động, ngoài việc trợ giúp pháp lý, các cán bộ trợ giúp còn dành thời gian tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật mới có liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân như: Luật Biên giới quốc gia, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng chống ma túy, Luật Phòng chống buôn bán người, Luật Giao thông đường bộ, Luật Cư trú, Bộ luật Hình sự, Luật Đất đai, Luật Tài nguyên - Môi trường; các quy định về bảo vệ lợi ích quốc gia, tài nguyên môi trường, về đăng kiểm và đăng ký tàu thuyền; giới thiệu các tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển, nhất là tiềm năng phát triển du lịch sinh thái biển của huyện và ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên Khu bảo tồn thiên nhiên Vườn Quốc gia Xuân Thủy...

Do đặc thù của nghề nuôi trồng, đánh bắt hải sản phải bám đầm, bám biển nên ngư dân chủ yếu ở ngoài khơi, ngoài bãi, xa khu dân cư, khó tiếp cận với các phương tiện thông tin nên Phòng Tư pháp huyện, Chi nhánh trợ giúp pháp lý số 2 đã phối hợp với các Đồn Biên phòng Ba Lạt, Quất Lâm và Vườn Quốc gia Xuân Thủy tiến hành trợ giúp pháp lý lồng ghép với các buổi sinh hoạt cùng họp tổ "Tàu thuyền an toàn", các hội nghị ở khu dân cư… khi tàu thuyền về bến hoặc những ngày biển động, ngư dân không ra khơi, diêm dân không làm muối… để đối thoại, hướng dẫn và giải đáp thắc mắc cho ngư dân kiến thức pháp luật về phạm vi các vùng biển của tỉnh, của đất nước cũng như làm thủ tục hưởng chính sách ưu đãi, vay vốn, hỗ trợ về giá xăng dầu, ngư lưới cụ, thiết bị thông tin liên lạc trên biển, đóng mới, nâng cấp tàu thuyền và quy chế khi tham gia vào chuỗi cung ứng thủy hải sản xuất khẩu của các hiệp hội nghề nghiệp tại địa phương… Qua đó, ngư dân đã nắm bắt kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, không vi phạm quy định đánh bắt thủy sản… Từ đầu năm 2012 đến nay, trên địa bàn 9 xã ven biển, các cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương đã trực tiếp giải đáp gần 300 vụ việc, tuyên truyền pháp luật cho 2.500 lượt người. Trong đó Chi nhánh Trợ giúp pháp lý số 2, Phòng Tư pháp huyện đã thực hiện 2 đợt trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã Giao An, Giao Long mỗi đợt từ 2-3 ngày, tư vấn pháp luật cho gần 100 người.

Việc đẩy mạnh hoạt động trợ giúp pháp lý cho ngư dân các xã ven biển Giao Thủy đã nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, xây dựng sự đoàn kết gắn bó giữa chính quyền địa phương với nhân dân và trong cộng đồng dân cư, đảm bảo việc thực hiện dân chủ ở cơ sở và ổn định trật tự xã hội ở địa phương./.

Bài và ảnh: Trần Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com