Những năm qua, thực hiện Chỉ thị 36 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan; Nghị định số 47/2009/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan, Sở VH, TT và DL, Công an tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng tăng cường các biện pháp quản lý, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển lành mạnh các hoạt động văn hoá - xã hội trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, hoạt động dịch vụ văn hoá được các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền quan tâm, tạo điều kiện, đảm bảo lợi ích, quyền lợi của các doanh nghiệp cũng như các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh trong lĩnh vực này. Ngành VH, TT và DL đã phối hợp chặt chẽ với các ngành hữu quan, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, coi trọng việc tuyên truyền vận động các chủ cơ sở kinh doanh chấp hành tốt các quy định Nhà nước về bảo vệ quyền nhân thân, quyền tài sản của tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình và tổ chức phát sóng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trước thực trạng “bùng nổ” thông tin, công tác quản lý Nhà nước về thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan ở tỉnh ta còn nhiều khó khăn. Đồng chí Trần Văn Quang, Chánh thanh tra Sở VH, TT và DL cho biết, khó khăn lớn nhất là công tác quản lý hoạt động kinh doanh băng, đĩa ca nhạc, nhất là khó kiểm soát tình trạng bán băng đĩa trôi nổi, ngoài luồng. Theo quy định, các điểm bán và cho thuê băng đĩa có giấy phép hoạt động thì phải có nguồn cung cấp băng đĩa hợp pháp, có bản quyền (do Cty Điện ảnh và Chiếu bóng cung cấp). Trên thực tế, lượng băng đĩa do Cty Điện ảnh và Chiếu bóng cung cấp không nhiều, phần lớn các ấn phẩm băng đĩa đang lưu hành tại các cửa hàng kinh doanh trên là tự sao chép, in nối bản trái phép hoặc nhập lậu, không rõ nguồn gốc với giá rẻ, từ 5-8 nghìn đồng/đĩa. Trong khi đó, một đĩa được dán tem, nhãn có giá cao gấp từ 10-15 lần đĩa tự in sao, nhập lậu. Đồng thời, trên thị trường hiện nay, tỷ lệ băng đĩa in sao trái phép với công nghệ in sao đơn giản, đầu tư không lớn nhưng thu lợi nhuận cao trong khi quản lý Nhà nước lỏng lẻo nên các chủ cửa hàng kinh doanh băng đĩa tiếp tục vi phạm. Băng đĩa hiện được bán rong tràn lan, nhưng công tác kiểm tra, xử lý không đơn giản, vì thẩm định nội dung vi phạm khó khăn, mất nhiều thời gian, trong khi công tác thanh tra, kiểm tra không thực hiện được thường xuyên mà thường tổ chức theo từng đợt. Khi nắm được thông tin có đoàn kiểm tra, các đại lý nhanh chóng cất giấu băng đĩa in sao lậu, trưng bày băng đĩa có tem nhãn. Quá trình xử lý vi phạm, lực lượng chức năng cũng không trực tiếp xử phạt ngay tại thời điểm kiểm tra mà chỉ được lập biên bản, thu giữ băng đĩa, sau quá trình thẩm định nội dung vi phạm mới tiến hành các biện pháp xử phạt cụ thể. Nhiều trường hợp chủ cửa hàng đã bỏ hàng hóa không đến để giải quyết những vi phạm trong kinh doanh băng đĩa, chủ yếu là vi phạm về bản quyền tác giả. Thời gian qua, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã kiểm tra và phát hiện, xử lý gần 50 cơ sở kinh doanh băng đĩa hình, thu giữ hơn 2.000 đĩa ca nhạc, đĩa phim có nội dung độc hại, trái với thuần phong mỹ tục dân tộc, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống văn hóa, tinh thần, nhất là lớp trẻ.
Có thể nói, công tác quản lý và xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan là vấn đề mới mẻ, nhất là về nghĩa vụ thực thi quyền tác giả âm nhạc đối với các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân đang sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp các tác phẩm âm nhạc trong hoạt động kinh doanh, dịch vụ. Hiện nay, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam là đơn vị duy nhất không những bảo hộ các tác phẩm âm nhạc Việt Nam mà còn bảo hộ các tác phẩm âm nhạc nước ngoài tại Việt Nam; đã có gần 1.700 tác giả, chủ sở hữu tác phẩm trong nước và trên 2,5 triệu tác giả nước ngoài đã ký kết hợp đồng ủy thác cho Trung tâm. Trên thực tế, một trong những nguyên nhân gây khó khăn trong việc quản lý các hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên lĩnh vực sáng tác và biểu diễn âm nhạc là do hệ thống pháp luật chồng chéo, thiếu đồng bộ. Nhạc sỹ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cho biết: Quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan theo Nghị định số 47/2009/NĐ-CP đã giúp lực lượng thanh tra xử lý các vụ việc vi phạm chính xác và chặt chẽ hơn, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý vi phạm lại phát sinh vướng mắc xác định giá trị hàng hóa xâm phạm tại thời điểm xảy ra hành vi xâm phạm. Do đó cần phải sửa đổi, bổ sung một số điều khoản trong Nghị định 47 cho phù hợp với các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật trên nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, khắc phục các tồn tại, bất cập; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức ở trong và ngoài nước. Các tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng yên tâm hơn trong hoạt động sáng tạo để có được các sản phẩm có giá trị tư tưởng, văn học, nghệ thuật và khoa học phục vụ công chúng. Như vậy, để thực hiện Chỉ thị 36 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan các cấp, các ngành cần phối hợp chặt chẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nội dung Nghị định 47 về xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan; Nghị định 103 và các quy chế về kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng; vận động các hộ kinh doanh tự giác thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước; phát động nhân dân đấu tranh, tố giác với các cơ quan chức năng về những biểu hiện và hành vi vi phạm để kịp thời xử lý theo pháp luật; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra theo định kỳ và đột xuất, kịp thời phát hiện những vi phạm, xử lý nghiêm các trường hợp tái phạm./.
Theo: nhandan.com.vn