Phòng chống bạo lực gia đình - Trách nhiệm của toàn xã hội

05:06, 19/06/2020

Dịch COVID-19 xảy ra trên phạm vi toàn cầu đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến mọi mặt của đời sống xã hội. Các báo cáo gần đây ở những nước có đại dịch COVID-19 đã cho thấy do cách ly xã hội và các biện pháp cách ly khác khiến những áp lực về xã hội và kinh tế hiện hữu dẫn đến bạo lực gia đình, đặc biệt ở trẻ em và phụ nữ. Ở nhiều nước trên thế giới, tỷ lệ bạo lực gia đình tăng ít nhất 30%. Tại Việt Nam, trong thời gian dịch COVID-19, số người tìm đến nương tựa tại Ngôi nhà bình yên (Mô hình của Hội LHPN Việt Nam dành cho phụ nữ và trẻ em nạn nhân của bạo lực gia đình và xâm hại) đã tăng gấp đôi. Trẻ em và phụ nữ vừa là nạn nhân vừa là người chứng kiến bạo lực, bị tổn thương cả về cơ thể và tâm lý. Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã tiến hành khảo sát nhanh ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến trẻ em trong 15 ngày (từ ngày 15 đến 30-4-2020), với một bộ câu hỏi dành cho trẻ em dưới 18 tuổi ở miền Bắc, Trung, Nam và người chăm sóc trẻ. Với trên 2.700 bản trả lời đã cho kết quả: Thời kỳ này 60% trẻ gặp phải những khó khăn, áp lực trong việc học tập; 42% trẻ chưa có kiến thức hoặc chưa thành thạo các kỹ năng sử dụng internet an toàn. Có 48% trẻ tham gia khảo sát cho biết gặp áp lực do bị mắng và khoảng 8% bị đánh. Trong khi đó, 32,5% trẻ em cảm thấy bố mẹ không gần gũi, quan tâm trong thời gian này. Tình trạng bạo lực gia đình đã trực tiếp gây tổn hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, thể chất, tinh thần của con người mà đối tượng bị tác động chủ yếu là phụ nữ, bạo hành gia đình đã và đang làm xói mòn các giá trị, chuẩn mực, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, phá vỡ sự bền vững của gia đình, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự xã hội. Đối với những vụ bạo hành gia đình trong đó hành vi hành hung vợ được thực hiện trước mặt con trẻ thì sẽ để lại những hậu quả hết sức nguy hại vì nó làm cho các em mất niềm tin vào các thành viên gia đình, từ đó chán học, sa ngã vào các tệ nạn xã hội. Nhiều trường hợp các cháu nhỏ đã không chịu được thực tế bố hành hung mẹ đã bỏ nhà đi lang thang và bị lôi kéo, dụ dỗ tham gia các hành vi phạm pháp.

Trong nỗ lực phòng chống đại dịch COVID-19 thời gian qua, Việt Nam đã quan tâm giải quyết các tác động tiêu cực đến đời sống người dân trong và sau đại dịch bằng các chính sách an sinh xã hội cấp bách. Những hoạt động bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại tình dục, xâm hại trên môi trường mạng, tai nạn thương tích đối với trẻ em cũng được thực hiện ứng phó kịp thời trong thời gian trẻ em giãn cách xã hội tại gia đình hoặc tại các cơ sở cách ly tập trung trong đó Chiến dịch truyền thông Trái tim xanh do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, Quỹ Dân số, Quỹ Phát triển phụ nữ phối hợp thực hiện nhằm nâng cao nhận thức về nguy cơ bạo lực đối với trẻ em và phụ nữ trong các trường hợp khẩn cấp như đại dịch COVID-19. Các bên cùng nhau lên tiếng và kêu gọi hành động để tạo môi trường sống an toàn và bảo vệ tất cả các nạn nhân của bạo lực, kêu gọi mọi người dân, cũng như chính quyền địa phương lên tiếng chống lại và tố cáo bạo lực. Chiến dịch còn cung cấp những kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ và trẻ em nhằm ngăn ngừa bạo lực, xâm hại, cải thiện sức khỏe tâm thần và tâm lý của những người bị ảnh hưởng.

Dù xuất phát từ nguyên nhân nào thì nạn bạo hành gia đình cũng để lại những hậu quả nặng nề đối với nạn nhân và con trẻ. Để ngăn chặn những vụ việc bạo hành gia đình đòi hỏi cần có sự vào cuộc của toàn xã hội. Nói cách khác, phòng chống bạo hành gia đình phải kết hợp đồng bộ với nhiều giải pháp, song lấy phòng ngừa là chính. Trong đó, cần chú trọng trước hết là công tác tuyên truyền, giáo dục về gia đình và làm tốt công tác tư vấn hòa giải. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các địa phương cần kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh những vụ việc bạo lực gia đình theo các quy định của pháp luật để nâng cao tính phòng ngừa, răn đe nhằm chung tay phòng, chống tình trạng bạo hành gia đình, xây dựng “xã hội phồn vinh, gia đình hạnh phúc”./.

Phương Mai



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com