Từ lâu, các sản phẩm từ nhựa và ni lông đã được sử dụng phổ biến trong đời sống và mang lại những tiện ích nhất định cho con người. Tuy nhiên việc sử dụng những sản phẩm này đã để lại những hậu quả đối với môi trường.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Giao Thủy mỗi ngày thải trên 80 tấn/ngày, trong đó rác thải nhựa chiếm khoảng 70%. Với sự nỗ lực trong công tác vệ sinh môi trường, số lượng rác thải trong sinh hoạt đã được thu gom xử lý đạt gần 90% tổng phát thải, nhưng do ý thức của một bộ phận người dân, rác thải sinh hoạt, nhất là túi ni lông vẫn được xả ra môi trường gây tác động không nhỏ tới hệ sinh thái, trong đó ảnh hưởng trực tiếp đến những vùng nuôi trồng thủy sản của địa phương. Ở thành phố Nam Định, theo khảo sát tại các chợ dân sinh có rất ít người dân đi chợ mang theo làn nhựa hoặc đồ dùng thay thế túi ni lông để đựng hàng. Trong khi đó, 100% chủ quầy hàng bán rau củ quả, thực phẩm tươi sống… vẫn dùng túi ni lông để đựng hàng hóa. Chị Hương, chủ quầy thịt lợn ở chợ Năng Tĩnh cho biết: “Mỗi ngày tôi dùng hết gần 1kg túi ni lông. Tôi bán ở đây nhiều năm, khách đi chợ mang theo làn nhựa hoặc từ chối sử dụng túi ni lông rất ít”. Tay xách túi lớn, túi nhỏ từ chợ về, bà Lan, nhà ở Ngã sáu Năng Tĩnh cho biết: “Tôi đọc báo, xem tivi biết được tác hại của túi ni lông nhưng vì sự tiện dụng nên hàng ngày đi chợ cũng chỉ đi người không bởi người bán hàng đã quen cho rau quả, thịt cá vào túi ni lông cho tiện, tôi chỉ việc xách về”.
Tại chợ Năng Tĩnh (thành phố Nam Định) nhiều người vẫn dùng túi ni lông khi mua và bán hàng. |
Trước những nguy hại của rác thải nhựa và túi ni lông, thời gian qua, các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã tích cực vào cuộc, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, kêu gọi cộng đồng thay đổi hành vi, thói quen sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần. Công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, lồng ghép trong các hội nghị, cuộc họp và tuyên truyền trực tiếp đến người dân nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của việc phòng, chống rác thải nhựa. Từ đó, xuất hiện một số mô hình, cách làm hay như tuyên truyền, vận động để người dân dùng lá chuối đóng gói thực phẩm; thay thế túi ni lông bằng túi vải, túi cói, làn nhựa; sử dụng ống hút thủy tinh, ống hút inox… Trong đó, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã tuyên truyền, vận động chị em thay đổi nhận thức, từ bỏ thói quen sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần, thay thế bằng đồ dùng làm từ thiên nhiên và thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, các cấp Hội Phụ nữ đẩy mạnh xây dựng và phát huy hiệu quả các mô hình “Chi hội Phụ nữ 5 không, 3 sạch”, “Nói không với túi ni lông”, “Phụ nữ thân thiện với môi trường”, “Chi hội không có rác thải”, “Thôn xóm không có rác thải”, “Dòng sông không rác thải”, “Tuyến đường xanh - sạch - đẹp do chi hội tự quản” và tuyến đường hoa… Xóm 2, xã Hải Cường (Hải Hậu) có tuyến đường 488C, gần chợ Quán đông đúc và nhà văn hoá xóm. Hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa, không sử dụng túi ni lông, đồng thời nâng cao nhận thức về công tác vệ sinh môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân, chi hội đã thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ và nhân dân hạn chế sử dụng túi ni lông, thay vào đó là dùng làn nhựa, túi cói để đi chợ. Trong những buổi sinh hoạt nhóm, chi hội đã tuyên truyền về tác hại của túi ni lông ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người và môi trường, khuyến khích chị em phân loại và xử lý rác thải ngay tại hộ gia đình, hạn chế việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông và mỗi gia đình nên có thùng đựng rác hữu cơ, vô cơ. Chi hội đã tặng 10 làn nhựa cho 10 hội viên thuộc diện gia đình khó khăn của xóm. Đến nay, hầu hết phụ nữ trong xóm đã hạn chế sử dụng túi ni lông và dùng làn nhựa, làn cói khi đi chợ và cùng mọi người nhắc nhở nhau hạn chế tối đa sử dụng các sản phẩm túi ni lông và đồ nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.
Chi hội 8 Hội Phụ nữ xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) vừa ra mắt mô hình “Chi hội Phụ nữ chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường” thu hút 120 hội viên tham gia. Tại đây, các hội viên đã được cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường tuyên truyền về thực trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa và rác thải ni lông, hướng dẫn cách thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình; giới thiệu một số mô hình ủ rác thải hữu cơ làm phân bón cho cây trồng nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Thông qua chương trình đã góp phần nâng cao nhận thức cho hội viên phụ nữ chung tay hành động nhằm giảm thiểu lượng rác thải nhựa trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày; đồng thời chị em sẽ là lực lượng nòng cốt, gương mẫu đi đầu trong việc hạn chế sử dụng túi ni lông, nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần; sử dụng túi vải, làn nhựa khi đi chợ; tích cực tham gia hưởng ứng các hoạt động dọn vệ sinh môi trường, thu gom và đổ rác thải đúng nơi quy định. Chị Thủy, hội viên chi hội 8 cho biết: “Trước đây, mỗi lần đi chợ, tôi lại mang về hàng chục túi ni lông đựng cá, thịt, rau. Từ khi Hội Phụ nữ phát động phong trào chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường tôi đã nhận ra tác hại của túi ni lông với môi trường và đã dùng làn cói đi chợ để đựng thức ăn”. Nhận thấy lợi ích của việc hạn chế sử dụng túi ni lông, chị Thủy cũng như các hội viên phụ nữ khác trong xóm đã trở thành những tuyên truyền viên, kêu gọi, vận động các chị em khác và người dân cùng tham gia, hình thành thói quen bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, để người dân thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần đòi hỏi cần có sự chung tay của các cấp, ngành, địa phương, nhất là sự vào cuộc của hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền, vận động để những thay đổi nhỏ của mỗi người dân trong đời sống sẽ góp phần lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường vì một tương lai tốt đẹp cho thế hệ mai sau./.
Bài và ảnh: Hồng Minh