Theo đánh giá của Liên hợp quốc, toàn thế giới hiện có khoảng 1 tỷ người khuyết tật, chiếm 10-15% dân số thế giới. Đặc biệt, 80% số người khuyết tật sống ở các nước đang phát triển và chiếm 20% trong nhóm người nghèo nhất thế giới. Tại Việt Nam, với hơn 7 triệu người khuyết tật (chiếm 7,8% dân số), nước ta nằm trong danh sách các quốc gia có số lượng người khuyết tật cao trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong tương lai, tỷ lệ người khuyết tật tại Việt Nam có chiều hướng gia tăng do tác động của việc già hóa dân số, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, tai nạn giao thông, tai nạn lao động, hậu quả chiến tranh…
Người khuyết tật là một trong những đối tượng yếu thế nhất trong xã hội rất cần được quan tâm, chăm sóc, bảo vệ… Toàn thế giới đang nỗ lực không ngừng nhằm thúc đẩy sự hiểu biết về vấn đề khuyết tật, huy động hỗ trợ về các giá trị, quyền và phúc lợi của người khuyết tật. Việt Nam cũng đã phê chuẩn Công ước về các quyền người khuyết tật (CRPD), ban hành Luật Người khuyết tật thay thế cho Pháp lệnh về Người tàn tật, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật có liên quan nhằm đảm bảo các quyền cơ bản của người khuyết tật; ban hành nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho người khuyết tật vươn lên hòa nhập cuộc sống cộng đồng. Trong những năm gần đây, người khuyết tật đã được hỗ trợ sinh kế, đào tạo nghề phù hợp để họ có thể tự lo cho bản thân, gia đình và hoà nhập mình với xã hội. Trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội là điều người khuyết tật không bao giờ muốn. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân và sự giúp đỡ của cộng đồng, nhiều người khuyết tật đã vươn lên, khẳng định bản thân và đóng góp cho sự phát triển của xã hội.
Tuy nhiên trên thực tế, người khuyết tật hiện vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống và hòa nhập cộng đồng. Nhận thức của xã hội về vấn đề người khuyết tật còn hạn chế, khiến không ít người phải chịu sự phân biệt đối xử. Sự thiếu đồng bộ và thiếu hiệu quả trong hệ thống chính sách an sinh xã hội như giáo dục, y tế, việc làm cũng là một rào cản đối với người khuyết tật. Không những vậy, bản thân người khuyết tật còn mặc cảm, tự ti, chưa khẳng định được tiếng nói của mình. Gần đây, ngày 1-11, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 39-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật. Theo đó, Ban Bí thư yêu cầu, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, các cơ quan, tổ chức và nhân dân trong thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về trợ giúp người khuyết tật. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân về công tác người khuyết tật. Tích cực đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho người khuyết tật bằng hình thức phù hợp. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của cấp uỷ, tổ chức đảng trong thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với người khuyết tật; hỗ trợ, tạo điều kiện phát huy năng lực của người khuyết tật và các tổ chức người khuyết tật để làm tốt vai trò đại diện, tập hợp, đoàn kết, là cầu nối giữa người khuyết tật với Đảng, Nhà nước; bảo đảm kết hợp chặt chẽ, hợp lý giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, hướng tới một xã hội không rào cản đối với người khuyết tật. Tiếp tục thể chế chủ trương, quan điểm của Đảng; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về người khuyết tật đảm bảo thống nhất, đồng bộ, khả thi, phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội đất nước và các cam kết quốc tế, góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách xã hội và an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu công bằng xã hội.
Ban Bí thư cũng yêu cầu nâng dần mức trợ cấp xã hội phù hợp với các mức sống trong xã hội, khả năng ngân sách Nhà nước; có chính sách tăng số lượng người khuyết tật tham gia mạng lưới an sinh xã hội; tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật tiếp cận các chính sách giáo dục, học nghề, việc làm, tín dụng, bảo trợ xã hội, hoạt động văn hoá, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch, đi lại. Xây dựng tiêu chuẩn các cơ sở hạ tầng thiết yếu phù hợp cuộc sống của người khuyết tật, tạo cơ hội bình đẳng cho người khuyết tật. Nâng cao trách nhiệm của toàn xã hội trong việc chăm lo, giúp đỡ người khuyết tật và các tổ chức của người khuyết tật; vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ cho cuộc sống người khuyết tật và hội viên các tổ chức của người khuyết tật. Hy vọng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của cả cộng đồng, những người khuyết tật sẽ tiếp tục nỗ lực vươn lên, vượt qua khó khăn hòa nhập với cuộc sống cộng đồng./.
Phương Mai