Nằm trong một con ngõ nhỏ của xóm 4, xã Nam Toàn (Nam Trực), khu vườn đẹp như mơ với những cây hoa hồng đua nhau khoe sắc của cô giáo Phan Thị Ngân, giáo viên Trường Trung học cơ sở Nam Toàn khiến ai ghé vào cũng mê mẩn.
Vườn hồng của cô giáo dạy Văn có diện tích khoảng 1.000m2 với hơn 3.000 cây hoa hồng ngoại khác nhau như: hoa hồng Juliet, hoa hồng Masora, hoa hồng Tchaikovsky... Những bông hoa hồng to nhỏ, đỏ nhung, hồng phấn… đủ cả đua nhau bung nở, rực rỡ và ngát hương. Bản thân là người rất yêu hoa nên năm 2015, cô bắt đầu đem những cây giống hồng ngoại về trồng. Cô chọn trồng hồng ngoại vì phần lớn các giống hồng ngoại ra hoa quanh năm. Thời gian đầu, cô tham khảo, học hỏi kinh nghiệm trồng hồng ở các nhóm hội trên mạng. Bởi theo cô, hoa hồng không phải là loài hoa dễ trồng, phải có niềm đam mê, chăm chút cẩn thận thì mới thành công. Với cô, khi trồng hoa hồng, khâu nào cũng quan trọng. Đầu tiên phải chọn giống khỏe rồi đến khâu chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh. Sau hơn 4 năm “trải nghiệm” trồng hoa hồng, cô Ngân cho biết, các loại hồng ngoại có sự khác biệt về khí hậu, thổ nhưỡng… nên để cây tươi tốt, cho nhiều nụ, nhiều hoa thì bí quyết chính là chọn mua cây giống khỏe mạnh. Bên cạnh đó, đất trồng cây cũng rất quan trọng. Cô thường trộn đất ruộng với trấu, xỉ than, vôi bột để cây có nhiều dinh dưỡng. Mỗi ngày cô luôn dành thời gian cắt tỉa, tưới nước, phun thuốc phòng ngừa các bệnh nấm, nhện đỏ… Đối với những cây trồng ở chậu nhựa hay chậu xi măng cô còn lót xỉ than để cây thoát nước tốt, bộ rễ phát triển nhanh. Nếu trồng ở đất cần chọn vị trí có đất ẩm tự nhiên, đào hố rộng để cây phát triển tốt.
Cô giáo Phan Thị Ngân, giáo viên Trường Trung học cơ sở Nam Toàn (Nam Trực) dành thời gian rảnh rỗi mỗi ngày để chăm sóc cho vườn hoa hồng. |
Với sự khéo léo và kinh nghiệm đúc rút được từ nhiều năm trồng hoa, hiện tại khu vườn của cô giáo dạy Văn có đủ loại hoa hồng rực rỡ. Từ khi có vườn cây, cô giáo bắt đầu ngày mới bằng việc ra vườn hoa cắt tỉa, tưới nước và ngắm hoa. Buổi chiều đi dạy về, cô lại tranh thủ ra vườn tưới lại. Những ngày cuối tuần hoặc những buổi không có giờ lên lớp là cô lại dành thời gian cho vườn hoa hồng. Cô Ngân chia sẻ: “Mỗi lần mệt mỏi hay căng thẳng, chỉ cần ngồi cạnh những bông hoa hồng, ngắm nhìn chúng, chụp lại những khoảnh khắc đẹp nhất của chúng cũng đủ làm tôi thấy yêu đời hơn, cuộc sống của tôi cũng vì thế mà cân bằng hơn”. Khi những cây hoa hồng đã phát triển tốt, khỏe mạnh và cho nhiều hoa, cô bắt đầu tìm tòi làm các sản phẩm từ hoa hồng như sấy khô cánh hoa hồng để pha trà, chưng cất nước hoa hồng để làm đẹp da. Giai đoạn chưng cất thử nước hoa hồng, cô phải thử đi thử lại nhiều lần vì các giống hoa hồng và thời điểm hái hoa khác nhau cho ra mùi hương khác nhau, thử đi thử lại, cô đã tìm được công thức chuẩn, ưng ý nhất khiến nhiều khách hàng thích thú. Khi mới bắt tay vào làm, cô gặp rất nhiều khó khăn, từ chuyện lên mạng tìm kiếm, tham khảo tài liệu đến cách chưng cất cho thành công. Thời gian đầu khi bắt tay vào làm các sản phẩm từ hoa hồng, cô không có ý định kinh doanh mà chỉ muốn tận dụng hoa hồng sạch của mình để làm quà tặng cho bạn bè ở nhiều vùng miền trên cả nước. Dần dần, thấy sản phẩm hiệu quả, bạn bè giới thiệu nên nhiều người đã tìm cô Ngân để đặt hàng. Thành công với sản phẩm nước hoa hồng, cô lại tiếp tục làm cánh hoa hồng sấy để pha trà. Trà hoa hồng giúp giảm stress, thanh nhiệt, đẹp da, giúp dễ ngủ… nên đã trở thành thức uống được nhiều người ưa dùng. Tuy vậy, cô cũng không làm ồ ạt bởi số lượng hoa hồng không đủ phục vụ cho nhu cầu khách hàng. Mỗi tháng cô thu nhập được không nhiều, chỉ khoảng 4-5 triệu đồng từ các sản phẩm nhưng với cô, trồng hoa hồng, làm các sản phẩm từ hoa hồng đều xuất phát từ sự yêu thích, là niềm vui. Không những đam mê với hoa hồng, cô Ngân còn tích cực tham gia làm từ thiện. Vì cô Ngân có 2 con gái song sinh nên cô đã cùng các mẹ có con sinh đôi trên khắp mọi miền Tổ quốc lập lên nhóm Thiện nguyện sinh đôi Việt Nam và cô giữ vai trò là hội phó. Nhóm thiện nguyện hoạt động với phương châm là giúp đỡ các trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Thời gian qua, nhóm đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa tại nhiều trại trẻ mồ côi và nhiều tỉnh như Gia Lai, Lào Cai, Kiên Giang, Lâm Đồng… Tuy công việc có phần bận rộn và vất vả bởi vừa đảm nhận công việc ở trường, vừa trồng hoa hồng và sản xuất các sản phẩm từ hoa hồng nhưng cô giáo Ngân với công việc nào cô cũng đam mê, tận tụy, hết lòng hết sức. Tất cả công việc được phân công tại trường cô đều hoàn thành và được nhiều đồng nghiệp và học sinh yêu mến. Năm 2015, cô được UBND huyện Nam Trực tặng giấy khen giáo viên giỏi cấp huyện và nhiều năm liền cô đạt danh hiệu lao động tiên tiến.
Với niềm đam mê và sự nhiệt huyết của mình, cô Ngân cho biết thời gian tới cô vẫn tiếp tục tìm tòi, học hỏi làm ra thêm nhiều sản phẩm từ hoa hồng, để hoa trở thành món quà ý nghĩa dành cho mọi người. Đối với cô, trồng hoa hồng, gắn bó với hoa, được chăm sóc từng gốc hồng trong vườn nhà giúp cô thêm yêu cuộc sống. Đến với hoa hồng và gắn bó với loài hoa vạn người mê này như một mối duyên lành, như món quà ý nghĩa mà cuộc sống mang lại cho cô và gia đình./.
Bài và ảnh: Thanh Hoa