Lần này sang nhà tôi chơi, ông Tuân chủ động mở chuyện, giọng đầy ẩn ức:
- Bọn trẻ bây giờ học nhiều đâm loạn thần. Mình chiều con như chiều vong, thích gì được nấy, thế mà nó lại quay ra “phê bình” bố (!).
Thấy ông hàng xóm “tâm trạng”, tôi gợi chuyện:
- Bác nói quá vậy chứ con cái nào dám “phê bình” bố mẹ. Thế cháu nó “phê bình” bác chuyện gì?
Ông Tuân thở dài:
- Nó bảo tôi làm việc tùy tiện, chẳng có kế hoạch gì (!).
Rồi ông kể: Chiều qua, sau khi đèo vợ ra bến xe để lên thăm bố bị ốm đang ở với gia đình bác cả trên Hà Nội, ông gọi điện bảo con gái đón mẹ lúc 7 giờ tối. Cô con gái ông nhanh nhảu “Ô-kê” rồi hỏi: “Thế việc ăn nghỉ của mẹ tối nay thế nào bố?". Ông cười: “Con có phải là khách mời đâu mà phải mời. Mặc dù không mời nhưng hai mẹ con cứ vào ăn cơm cho bác và ông vui!”. Cô con gái “lý luận”: “Bố suy nghĩ tùy tiện quá, chẳng rõ ràng gì cả. Bác không mời mà mẹ con vào ăn thì thành ăn “lạm”. Một bên không mời, một bên nghĩ là cứ vào ăn cho vui, như vậy nghĩa là sao. Bố phải lên kế hoạch rõ ràng chứ (?)". Ông “nóng mắt” dạy con qua điện thoại: “Ứng xử với người trong gia đình, con không được máy móc, lên “kế hoạch” mà phải “tùy cơ ứng biến”. Cứ làm theo lời bố, rồi mọi việc sẽ đâu vào đấy (!)”. Cuối cùng thì ông đúng: Hai mẹ con đến nơi, dù hơi muộn nhưng gia đình bác cả vẫn chờ cơm…
Nghe những điều ông Tuân nói, tôi tỏ ra hiểu chuyện, dung hòa:
- Theo nhìn nhận của tôi, giữa ông và con gái có khoảng cách về thế hệ nên khác nhau về tư duy; việc chưa hiểu nhau cũng là bình thường. Trong chuyện này, tôi nghĩ ông đúng và con gái ông cũng đúng. Ông đúng là vì từ suy nghĩ đến hành động của ông nặng về cảm tính theo lối ứng xử truyền thống. Còn tư duy của con gái ông tuân thủ theo pháp luật của xã hội văn minh nên mang tính nguyên tắc, mọi việc phải theo kế hoạch.
Từ câu chuyện của ông Tuân, nhìn rộng ra mới thấy: Kinh tế xã hội phát triển, đời sống của người dân ngày càng nâng cao nhưng những mâu thuẫn nội tại trong gia đình, xã hội vẫn nảy sinh mà nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ khoảng cách về tư duy dẫn đến sự khác nhau trong văn hóa ứng xử giữa các thế hệ. Tư duy của mỗi người được hình hành từ văn hóa, tri thức, điều kiện, môi trường sống. Khó có thể thay đổi được văn hóa, lối sống của mỗi con người trong một sớm, một chiều. Để rút ngắn khoảng cách, tạo sự hài hòa giữa các thế hệ, cần hiểu rõ điều đó để có cách ứng xử phù hợp./.
Đức Linh