Ở Việt Nam, nghề giáo luôn được xã hội trân trọng, tôn vinh là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Người dạy học được gọi là thầy giáo, cô giáo và được coi là “kỹ sư tâm hồn”, không chỉ dạy chữ mà còn dạy cách làm người, hình thành và phát triển nhân cách người học. Xã hội càng tôn trọng nghề dạy học càng đòi hỏi rất cao năng lực và phẩm chất đạo đức của họ. Trong thực tế có rất nhiều tấm gương các nhà giáo hết lòng yêu nghề. Họ đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục và được rất nhiều thế hệ học trò kính trọng. Có rất nhiều thầy, cô giáo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa đã vượt qua rất nhiều khó khăn về vật chất và tinh thần để cống hiến công sức, trí tuệ cho sự nghiệp “trồng người” vẻ vang. Tuy nhiên, trong những năm vừa qua, ngành Giáo dục và xã hội đau lòng trước hiện tượng có những giáo viên thiếu chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp như bạo hành, lăng mạ học sinh, nhất là những vụ việc bạo hành trẻ em ở một số trường mầm non. Đặc biệt trong những ngày qua liên tiếp xảy ra các vụ như thầy giáo có hành vi sàm sỡ với học sinh tại Trường Tiểu học Tiên Sơn (huyện Việt Yên, Bắc Giang); nghi án thầy giáo Trường Trung học phổ thông chuyên Thái Bình bị tố nhắn tin “gạ tình” học sinh; giáo viên Trường Trung học phổ thông Nguyễn Huệ (Thị xã Lagi, Bình Thuận) vào khách sạn với học sinh lớp 10 khiến dư luận hết sức bất bình.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý, Khoa học giáo dục Hà Nội, chuyện vi phạm đạo đức nhà giáo không phải do được dung túng nhưng tại sao các giáo viên vẫn vi phạm, đó là việc tuyển sinh quá dễ dàng nên để lọt những người không đủ phẩm chất, đạo đức vào ngành Giáo dục. Bên cạnh đó, việc dạy đạo đức cho giáo viên trong các nhà trường chưa được chuyên sâu vì không có đủ thời gian để giáo viên trải nghiệm, thảo luận, cũng như chưa đưa ra nhiều tình huống xem giáo viên ứng xử như thế nào. Do vậy tất yếu sẽ xảy ra việc nọ, việc kia… Còn theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội Khuất Thu Hồng, để xảy ra những chuyện nhà giáo xâm hại học sinh như thời gian qua là do đạo đức xã hội đang bị sa sút và ngành Giáo dục cũng chịu tác động. Thực tế, đầu vào của ngành Giáo dục lâu nay bị buông lỏng, tuyển chọn không tốt, đào tạo không đến nơi đến chốn. Đặc biệt là những quy định về đạo đức, về người thầy chuyên nghiệp đã không được chú ý. Câu chuyện thành tích của các trường cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhà giáo xâm hại học trò. Vì bệnh thành tích mà nhà trường đã lơ là bỏ qua các biểu hiện không đúng chuẩn mực của người thầy để đến khi bùng phát mới xử lý.
Vì vậy đã đến lúc cần tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong ngành Giáo dục, xiết chặt đầu vào trong tuyển dụng ngành Sư phạm, trước hết là tuyển những người có phẩm chất đạo đức, có năng lực sư phạm, bởi đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo có vai trò rất quan trọng, góp phần quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động sư phạm và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo. Để làm tròn sứ mệnh cao cả “trồng người”, mỗi nhà giáo phải luôn tu dưỡng phẩm chất đạo đức nghề nghiệp để xứng đáng với sự tôn vinh và niềm tin yêu của xã hội. Thực hiện nghiêm các quy định về chuẩn mực đạo đức nhà giáo do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cũng như các quy định của pháp luật cán bộ, công chức, viên chức. Những thói quen theo kiểu lối mòn, nếp cũ không còn phù hợp cần được thay đổi, không được bằng lòng hay thoả mãn với trình độ hiện có của mình. Đồng thời, phải luôn làm mới chính mình bằng những tri thức mới, những thông tin mới, bài giảng mới. Cần thuyết phục người học bằng chính sự uyên bác về kiến thức, trình độ chuyên môn và trí tuệ của mình. Bên cạnh đó các nhà trường cần tăng cường công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đối với đội ngũ nhà giáo. Gắn hoạt động này với các phong trào, cuộc vận động trong ngành Giáo dục “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Kịp thời chỉnh đốn, uốn nắn, xử lý nghiêm sai phạm đối với những giáo viên vi phạm tư cách và đạo đức nhà giáo. Những biện pháp này cần được thực hiện thường xuyên, lâu dài và thực chất để xây dựng hình ảnh nhà giáo mẫu mực. Cần có thái độ kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn những nhận thức, hành vi không đúng, những biểu hiện tiêu cực làm ảnh hưởng đến uy tín, phẩm giá, tư cách của nhà giáo. Mỗi trường phải có một bộ quy tắc ứng xử và những điều tuyệt đối nghiêm cấm trong việc tiếp xúc giữa giáo viên và học sinh phải trở thành một quy định mang tính chất thể chế của nhà trường. Bởi việc này chính là bảo vệ danh dự cho nhà trường, thầy cô và học trò. Qua một số mùa tuyển sinh đại học gần đây cho thấy nhiều trường sư phạm có điểm trúng tuyển rất thấp. Ngành sư phạm chưa thu hút được nhân tài có nguyên nhân quan trọng là chế độ đãi ngộ với nhà giáo còn kém hấp dẫn. Vì vậy Nhà nước cần có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao vào ngành sư phạm. Quan tâm đào tạo những thế hệ nhà giáo có đủ phẩm chất, năng lực, các thầy, cô giáo phải thực sự là tấm gương sáng để mọi thế hệ học trò noi theo là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu của ngành Giáo dục hiện nay.
Để tăng cường chỉ đạo, khắc phục tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo, ngày 11-3-2019, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã ký Công văn số 924/BGDĐT-NGCBQLGD gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục trong việc thực hiện quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống các vi phạm về đạo đức nhà giáo. Đặc biệt yêu cầu các cơ sở giáo dục không bố trí đứng lớp các giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, kiên quyết đưa ra khỏi ngành Giáo dục những trường hợp vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo theo quy định của pháp luật. Hy vọng với sự vào cuộc kịp thời cùng các giải pháp cụ thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo, những hành vi vi phạm của các thầy, cô giáo sẽ được hạn chế nhằm lấy lại niềm tin, sự kính trọng của xã hội đối với các thầy cô./.
Phương Mai